Đại tướng Phan Văn Giang: Khi thảm họa xảy ra mới thành lập quỹ thì mọi việc sẽ rất khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dẫn các ví dụ về việc phải xử lý khẩn cấp khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Đại tướng Phan Văn Giang – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, nếu đợi khi thảm họa xảy ra mới thành lập quỹ thì mọi việc sẽ rất khó khăn.
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tán thành phương án 1 về thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tán thành phương án 1 về thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

Chiều nay, 24-5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự. Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến trái ngược tại dự luật này là quy định về vấn đề Quỹ phòng thủ dân sự.

Trình bày báo cáo thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng 2 phương án gồm:

Phương án 1 là giữ quy định về Quỹ phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo Luật;

Phương án 2 quy định “Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa”.

Qua thảo luận tại phiên họp, đa số đại biểu ủng hộ phương án thành lập Quỹ trước, nhằm đảm bảo tính chủ động, linh hoạt trong xử lý. Theo các đại biểu, các tình huống sự cố thảm họa thường diễn ra bất ngờ nên nếu có quỹ từ trước thì sẽ tránh được tình trạng “nước đến chân rồi nhảy không kịp”.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu tại phiên họp

Dù vậy, các đại biểu cũng đều nhấn mạnh việc phải có biện pháp quản lý Quỹ hiệu quả, không để thất thoát. Đồng thời, cần rà soát kỹ các loại quỹ để tránh chồng chéo, khó vận động đóng góp và có khả năng gây thất thoát, lãng phí.

Tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH vào cuối phiên thảo luận, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, trong dự thảo luật đưa ra 2 phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự, Chính phủ chọn phương án 1.

Bộ trưởng nhắc lại đại dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều tình huống cấp bách cần giải quyết như: lập bệnh viện dã chiến; huy động lực lượng quân đội di chuyển đến các vùng dịch để thực hiện khoanh vùng, cách ly; hay huy động cả máy bay vận tải, trực thăng để vận chuyển vaccine đến các đảo xa…

Tất cả việc này cần có quỹ. Nếu khi thảm họa xảy ra mới thành lập quỹ thì mọi việc sẽ rất khó khăn. Từ kinh nghiệm thực tiễn đó, Đại tướng Phan Văn Giang cho rằng Quỹ cần có trước, chuẩn bị từ sớm, từ xa để chủ động trong mọi tình huống. Ông cũng thông tin, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ giao Bộ Tài chính quản lý như Quỹ Vaccine Covid-19 thời gian qua.

Kết luận phiên thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thống kê, có 13/16 ý kiến ĐBQH tham gia phát biểu đồng tình với việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.