Đại học hay... học đại?

ANTĐ - Ý tưởng thiết kế một kỳ thi quốc gia nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho thí sinh nhưng hiệu quả cuối cùng không như Bộ GD-ĐT và người dân mong muốn. Đổi mới thi cử là phải làm thế nào để phân luồng tốt, để chốt được bao nhiêu thí sinh học đại học, bao nhiêu người học nghề. Chúng ta có tới 400 trường đại học, cao đẳng trong khi con số thất nghiệp mới công bố có tới 174.000 cử nhân. Điểm thi đỗ đại học năm nào cũng cao ngất ngưởng nhưng nền giáo dục Việt Nam vẫn thuộc vùng trũng của khu vực.

Thời điểm này, tình trạng thí sinh rút hồ sơ từ trường tốp trên có điểm cao nộp vào các trường tốp giữa và từ trường tốp giữa “nhảy” sang trường tốp dưới đang diễn ra theo chiều hướng “cao không tới, thấp không thông”.

 Những thí sinh có điểm cao một chút thì nghĩ tới Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương... Trong khi đó, điểm xét tuyển vào các trường này đang tăng lên từng ngày khiến cuộc “tháo chạy” của thí sinh từ trường này sang trường khác càng trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Hiện nay, ngoài áp lực đè nặng lên thí sinh, các trường cũng phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn, nếu không muốn chỉ trông chờ vào may rủi.

Một số hiệu trưởng các trường đại học cho rằng, sai lầm đầu tiên là từ Bộ GD-ĐT, khi cho mỗi thí sinh 4 nguyện vọng và có thể chọn 4 ngành khiến thí sinh bị rối. Bản thân các trường cũng không làm hết trách nhiệm của mình trong việc làm danh sách minh bạch, công bố rõ ràng. Theo phân tích của giới chuyên gia, cái gốc của vấn đề nằm trong quan điểm, triết lý giáo dục quốc gia tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới giáo dục toàn diện và căn bản, trong đó có đổi mới thi cử là để phân luồng.

Thái Lan cũng từng gặp tình trạng tương tự vì thí sinh thích vào đại học nhiều hơn học nghề trong khi chương trình đào tạo có khoảng cách với đòi hỏi của doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ Thái Lan đã có chương trình khuyến khích học sinh học nghề thay vì vào đại học bằng cách hỗ trợ tài chính cho sinh viên học nghề, tài trợ đặc biệt cho các trường nghề... Singapore cũng không kêu gọi suông mà thực hiện chương trình doanh nghiệp “đón tay” học sinh ngay sau khi tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp nghề. Nhật Bản đã định hướng rất rõ, đào tạo đại học, dạy nghề phải đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Chính phủ và doanh nghiệp ở nhiều nước “bắt tay nhau” hỗ trợ các trường nghề trang bị máy móc, thiết bị.

Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng, nhưng dù khác biệt thế nào thì việc đào tạo nguồn nhân lực vẫn phải cân đối, hài hòa, hợp lý với đòi hỏi của nền kinh tế. Chủ trương định hướng phân luồng đầu vào cho giáo dục-đào tạo đã có, nếu không có cơ chế thực thi, giám sát chặt chẽ thì khó thoát khỏi lối mòn: đại học là... học đại, không cần biết đầu ra ra sao…