Đại gia trong vụ án cựu hoa hậu Phương Nga có dấu hiệu "Vu khống", nếu…

ANTD.VN - Luật sư Trịnh Anh Dũng –Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, bày tỏ quan điểm liên quan đến tình tiết mới phát sinh ở phiên tòa xử cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.

Theo Luật sư Trịnh Anh Dũng, nếu CQĐT chứng minh được “bản hợp đồng tình ái” là có thật;  số tiền 16,5 tỉ đồng mà đại gia M. đưa cho Phương Nga là dựa trên hợp đồng tình ái, không phải để thực hiện giao dịch mua bán nhà đất như bị tố cáo, thì Phương Nga không những sẽ được đình chỉ điều tra về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", mà còn có quyền yêu cầu các cơ quan pháp luật xem xét xử lý đại gia M. và những cá nhân liên quan về hành vi có dấu hiệu "Vu khống".

Hai bị cáo Nga, Dung tại phiên xét xử

Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999, được sửa đổi bổ sung ngày 19-6-2009, “Vu khống” là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà người loan truyền biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. 

Trước đó, như ANTĐ thông tin, ngày 21-9, TAND TP.HCM tiến hành mở phiên tòa sơ thẩm xét xử Trương Hồ Phương Nga (29 tuổi) và Nguyễn Đức Thùy Dung (27 tuổi), tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, trong thời gian quen biết với ông M. từ 2009, đến tháng 7-2012, Nga nói với ông M. về người quen muốn bán căn hộ mặt tiền ở quận 5 với giá khoảng 8 tỷ đồng, nhưng Nga có thể mua giúp ông M. với giá 6 tỷ. Ông M. đồng ý mua căn nhà với thời gian thanh toán là 3 tháng.

Sau khi ông M. đồng ý mua nhà, Nga kể cho Nguyễn Đức Thùy Dung nghe và rủ Dung cùng tham gia chiếm đoạt tiền của ông M. 

Hình ảnh chụp được cho là trao đổi giữa đại gia M. và cựu hoa hậu Phương Nga

Từ tháng 7 đến tháng 12/2012, ông M. chuyển 2 lần với tổng số tiền 6 tỷ đồng vào tài khoản của Dung theo yêu cầu của Nga. Nhận đủ tiền, cuối tháng 4-2013, Nga và Dung bàn nhau nói với ông M. rằng căn nhà ở quận gặp sự cố không mua được và yêu cầu ông M. chuyển sang mua một căn hộ khác ở quận 2 với giá 16,5 tỷ đồng, trong khi giá thị trường là 20 tỷ đồng. Ông M. tiếp tục đồng ý và hẹn 3 tháng sẽ gửi tiền.

Đến tháng 7-2013, ông M. chuyển vào tài khoản của Dung (theo yêu cầu của Nga) thêm 544 triệu đồng. Sau đó, vị giám đốc này không chuyển tiền tiếp như thỏa thuận. Biết là bị nghi ngờ, Nga và Dung đã tìm cách mồi chài với thủ đoạn mới hơn. 

Cụ thể, cả 2 bàn nhau trì hoãn và giới thiệu với ông M. chuyển sang mua một căn hộ ở quận 1 với đầy đủ giấy tờ nhà. Nga hứa hẹn, số tiền 6 tỷ đồng ông M. đã đưa trước đó đã được chuyển đặt cọc mua căn nhà ở quận 1 với giá trị bằng căn nhà quận 2 (giá 16,5 tỷ đồng). 

Đầu tháng 11-2013, Nga nhận đầy đủ số tiền trên và viết giấy biên nhận cho ông M. để cam kết trong vòng 30 ngày sẽ sang tên căn nhà này cho ông M. Quá thời hạn 30 ngày nhưng không thấy Nga thực hiện theo thỏa thuận, ông M. biết mình bị lừa, đã yêu cầu Nga và Dung trả lại số tiền trên nhưng cả 2 đều trốn tránh, không nghe điện thoại, tin nhắn.

Đầu tháng 4-2014, ông M. đã làm đơn tố cáo với cơ quan Công an. Để đối phó lại, Nga và Dung đã dựng lên một hợp đồng mua bán nhà không thành và trả lại tiền cho ông M. 

Diễn tiến phiên tòa đã “nóng” hơn khi sau ngày khai mở, trên mạng Internet lan truyền gần 20 hình ảnh chụp về những trao đổi được cho là bản “hợp đồng tình ái” của hoa hậu Phương Nga và đại gia M. Dư luận cho rằng, những hình ảnh được cho là chụp từ 2 hộp thư điện tử (tức email) của ông M.

Gần 20 hình ảnh chụp thể hiện “đại gia” với “chân dài” có sự kỳ kèo về tình bạc và qua đó cũng thể hiện vị đại gia nọ có thú vui giường chiếu khá… khác người.

Được biết, Luật sư bào chữa cho cựu hoa hậu Phương Nga sẽ có kiến nghị đến các cơ quan tố tụng để làm rõ một số tình tiết quan trọng, như lời khai của Phương Nga tại tòa về bản “hợp đồng tình ái” với ông M, hay việc những nội dung trong email cá nhân của Phương Nga.