Đại gia lăn lội kiếm ăn

ANTĐ - Khi màn đêm vẫn còn ken đặc và mọi người đang chìm trong giấc ngủ thì tại chợ Phủ Lý – Hà Nam, hàng trăm con người từ khắp các vùng lân cận với đủ mọi số phận, hoàn cảnh vẫn miệt mài mưu sinh trong gió rét và sương muối. Trong những “thân cò lặn lội” ấy, có không ít người có thời là đại gia.

Chợ Phủ không những là địa điểm gom hàng đầu mối mà là nơi “gom” cả những phận người

Nhộn nhịp chợ đêm

Chợ Phủ Lý còn có tên gọi thân mật khác là chợ Phủ (còn có nghĩa là chợ Âm Phủ). Tuy được thành lập cách đây chưa đầy 5 năm để thay cho chợ Bầu bị giải tỏa, không khí buôn bán lúc nửa đêm luôn nhộn nhịp hơn bất cứ chợ đầu mối nào ở miền Bắc.

Kim đồng hồ vừa chỉ 0h, toàn bộ đoạn đường lớn trước cổng chợ Phủ đã ken đặc người và xe. Các thương lái từ khắp các vùng lân cận như Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Nội đã có mặt để mua hàng chuyển đi các tỉnh thành.

Chị Hoàng Thị Thảo – một tiểu thương địa phương bốc rau từ chiếc xe kéo xuống mừng rỡ: “Đây là xe thứ 3 tôi bán được trong đêm nay, “nhà tôi” đang về kéo tiếp một xe cà chua nữa...”.

Phía trong chợ, từng đoàn người với những bao tải lớn rau quả trên vai đang vội vã chuyển ra giao hàng cho khách quen. Anh Trần Văn Việt – người đứng đầu một hội tiểu thương cho hay, khách từ các vùng chủ yếu đặt mua rau quả, thịt gia cầm các loại với số lượng lớn để chuyển đi bán tại các chợ đầu mối. Sau mỗi đêm mua hàng, các thương lái phải thanh toán đầy đủ số tiền hàng và tiền công cho cửu vạn tại chợ. Đêm sau muốn mua hàng gì, số lượng bao nhiêu thì phải đăng kí và giao 1/3 số tiền để tôi cho người đi “săn” tại các lò mổ và mua rau quả tại các huyện lân cận như Bình Lục, Thanh Liêm...

Qua tìm hiểu được biết, hàng trăm thương lái chợ đầu mối Long Biên – Hà Nội đã tìm về chợ Phủ để mua hàng. Ông Nguyễn Tiến Trình, 5 năm nay chở hàng cho một lái buôn người Hà Nội không giấu giếm: “Chúng tôi phải xuất phát từ Hà Nội lúc 11h đêm để về chợ Phủ. Có đêm, ông Tằng (chủ thương lái) mua đến 3 xe tải hàng để đưa về chợ Long Biên bán lại cho các tiểu thương khác...”.

Phía Quốc lộ 1A đoạn rẽ vào chợ Phủ, từng đoàn xe tải các loại nối đuôi nhau tiến vào cổng chợ. Tiếng cười rộn rã xen lẫn cả những tiếng chửi bới ầm ĩ làm cả khu chợ náo động.

Một cán bộ thuộc Ban quản lý chợ cho hay, đêm cao điểm số lượng thương lái lên tới cả nghìn người. Xe chở hàng không vào được chợ nên phải xếp hàng nối đuôi nhau dài cả ki lô mét ngoài Quốc lộ 1A.

Nhộn nhịp chợ đêm đất Phủ

Đại gia lăn lội kiếm ăn ảnh 3
Mua rau về chợ quê bán kiếm lời

Chuyện đại gia xuống... ngựa

Theo giới thiệu của các thương lái, chúng tôi tìm gặp một tiểu thương tên là Trần Đình Vân. Dáng người bụi bặm, đầu húi cua, Vân đang co ro ngồi giữa mấy bao miến. Thấy chúng tôi, Vân đứng dậy bắt tay khách. Vân bảo, thói quen ấy không bỏ được vì trước đây quen bắt tay thiên hạ rồi. Giờ tuy chỉ là tay buôn bán quèn nhưng cách bắt tay của Vân vẫn rất đĩnh đạc.

Vân kể, trước đây anh là giám đốc một công ty khai thác đá ở huyện Thanh Liêm – Hà Nam. Vân có hàng nghìn công nhân, 3 biệt thự lớn ở thành phố, đi xe xịn và tiền tiêu không cần tính. Thế nhưng chỉ trong một năm mà anh gặp 3 hạn lớn: 2 công nhân ngã núi chết; nhiều hợp đồng bị... đứt; bè phái cấp dưới hè nhau đuổi anh ra khỏi ghế... Chưa hết, lắm của nhiều tiền, Vân sa vào nghiện ngập ăn chơi trác táng.

Giọng Vân buồn buồn: “Khi tỉnh lại thì đã muộn, tiền bạc không có, vợ con ruồng bỏ, gia đình từ mặt...”.

Cũng may, một người bạn trong chợ Phủ Lý biết hoàn cảnh của Vân nên giang tay cứu giúp. Vân được cai nghiện và vay được một số vốn nho nhỏ để buôn bán. Vân cho biết, mỗi sáng anh phóng xe xuống làng Đầm huyện Thanh Liêm lấy miến, khoảng 12h đêm chuyển ra chợ Phủ giao hàng cho lái buôn. Mỗi đêm như vậy, anh cũng kiếm được từ 100 – 300 nghìn đồng. 

Không giống như anh Vân, Nguyễn Thị Huyền Trang lại xuất thân từ nông dân nghèo khó. Chị quê ở làng hoa Phù Vân thuộc thị xã Phủ Lý cũ, từ nhỏ đã theo cha mẹ chở hoa đi khắp các chợ bán. Gặp thời, chị chuyển sang buôn bán bất động sản rồi thành lập công ty sản xuất chế biến gỗ nổi tiếng ở Hà Nội. Đang khi ăn lên làm ra, Trang bị bắt trong một chuyến buôn gỗ lậu từ Lào về thành phố Vinh (Nghệ An) tiêu thụ. Công ty phá sản, Trang chịu án 4 năm tù giam rồi trở về với hai bàn tay trắng. “Chẳng biết bắt đầu từ đâu, thôi thì sinh ra làm gì mình làm nấy, cũng may tôi còn mấy sào đất bố mẹ cho khi đi lấy chồng. Giờ tôi trồng hoa để bán, không giàu nhưng cũng đủ sống. Đêm nào ít thì cũng trăm nghìn, đêm nào bán được nhiều hàng thì sáng về mua cho chồng cân lòng lợn...” – chị Trang vui vẻ cho biết.

Quả thật, có tìm hiểu mới biết chợ Phủ không những là địa chỉ gom hàng đầu mối mà còn là nơi “gom” cả những số phận người. Những số phận ấy, dù vui hay buồn, giàu hay nghèo thì cũng chung nhau ở một điểm: cố gắng mưu sinh – sống lương thiện – tiêu bằng những đồng tiền chân chính.