- Đại biểu Quốc hội tranh luận về các báo cáo của cơ quan tư pháp
- Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm rõ việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học
- Tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80 nghìn tỷ đồng
Về cơ sở vật chất và chính sách chế độ đãi ngộ đối với Thẩm phán, Kiểm sát viên, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính nhận định, những năm qua dù cơ sở vật chất, chế độ chính sách của ngành tòa án, viện kiểm sát đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, đặc biệt là trong bối cảnh hòa nhập quốc tế.
Nhiều trụ sở tòa án, VKS chưa được xây dựng hoặc đã xuống cấp, lạc hậu. Mặt khác, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công chức ngành tư pháp hiện nay còn rất khiêm tốn, khiến nhiều cán bộ xin nghỉ việc nên không tận dụng được chất xám của thẩm phán và kiểm sát viên có kinh nghiệm, bề dày công tác.
Do vậy, Đại biểu Chính kiến nghị thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tân cơ sở vật chất, chế độ chính sách để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận |
Cùng thảo luận về nội dung trên, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cho rằng, hoạt động tư pháp có liên quan và đóng góp trực tiếp vào mục tiêu công bằng, song muốn có công bằng phải có công lý.
Thẩm phán, kiểm sát viên có nhiệm vụ giữ vững niềm tin của nhân dân vào chế độ thông qua hoạt động tố tụng của mình. Muốn vậy, họ phải giữ được liêm chính như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. Song, để giữ được liêm chính phải dưỡng liêm. Cách dưỡng liêm có hiệu quả nhất là cùng với việc tu dưỡng rèn luyện của từng cá nhân, Nhà nước phải đảm bảo thu nhập cho họ ít nhất là ở mức trung bình của xã hội.
"Nếu thẩm phán và kiểm sát viên được đãi ngộ tương xứng, trải qua quy trình tuyển chọn, thải loại nghiêm ngặt về đức và tài thì chắc chắn cử tri và nhân dân có được điều mà họ mong ước, đó là người lương thiện, người vô tội được công lý bảo vệ, dù họ giàu hay họ nghèo và công lý chắc chắn không bao giờ là đối tượng mua bán. Khi đó người dân không cần xem phim Bao Công mà đã có những quan tòa thanh liêm bằng xương bằng thịt trong mỗi tòa án của Việt Nam” – Đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.
Còn theo Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam), các báo cáo của ngành tư pháp đã đánh giá rõ nét kết quả đạt được và hạn chế cần khắc phục. Đây là những ngành đặc thù, có nhiều áp lực.
Đặc thù của ngành kiểm sát có cơ quan điều tra với áp lực lớn bởi đối tượng điều tra là các điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên…am hiểu rõ về pháp luật. Bên cạnh đó, trong ngành tư pháp, những quy định mới về tăng thẩm quyền, mở rộng phạm vi kiểm sát, xét xử, quy định về giám sát chặt chẽ về hoạt động điều tra, số lượng án ngày càng tăng, hành vi, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt, băng nhóm tội phạm ngày càng lớn song vẫn phải thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy nên áp lực càng lớn.
“Nhiều thẩm phán, kiểm sát viên đã xin chuyển ngành do áp lực công việc cao. Trong bối cảnh hiện nay, việc thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn bố máy là cần thiết nhưng phải đánh giá toàn diện, không phải chỗ nào cũng phải giảm, tinh gọn mà phải đủ số lượng nhân lực, cơ sở vật chất để hoạt động”- Đại biểu Bình bày tỏ quan điểm.