Đại biểu Quốc hội tranh luận về các báo cáo của cơ quan tư pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 30-3, Quốc hội thảo luận tại hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu đã tranh luận khá sôi nổi trước phát biểu của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) về “tỷ lệ án oan sai”.

Tham gia thảo luận, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ khó khăn áp lực của các cơ quan tư pháp, đặc biệt khi đứng trước ranh giới công lý công bằng và tiêu cực.

Nhất trí cao với các báo cáo của cơ quan tư pháp, vị Đại biểu này còn băn khoăn về tính độc lập của cơ quan tư pháp. Theo đại biểu, mỗi tòa án là cơ quan độc lập, thẩm phán, hội thẩm độc lập, không có sự can thiệp nào để ảnh hưởng đến công lý.

Bên cạnh đó, Đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng, chúng ta hay có các buổi làm việc liên ngành, điều này cần được khắc phục đảm bảo xét xử độc lập.

“Về chỉ tiêu, kế hoạch xét xử, cần nghiên cứu lại. Có phiên tòa ở một vài nước kéo dài cả năm. Việc nêu ra tỷ lệ oan sai rất nguy hiểm. Điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi, có hay không tỷ lệ công lý?” – Đại biểu Nhưỡng nêu vấn đề.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) phát biểu tranh luận

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) phát biểu tranh luận

Tranh luận về nội dung trên, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) cho rằng, công lý là giá trị phổ quát của loài người, mọi quốc gia đều hướng đến công lý, bảo vệ quyền con người.

“Công lý không có giá và việc Đại biểu Nhưỡng nêu ra chỉ tiêu về án oan sai là cách tiếp cận chưa hợp lý. Thực tế không chỉ Việt Nam có oan sai. Thời gian qua, vì có oan sai nên chúng ta đã tìm ra giải pháp, đưa ra mục tiêu, chỉ tiêu để phấn đấu. Điều đó không có nghĩa là đưa ra chỉ tiêu là mặc nhiên công nhận cho rằng trong nền tư pháp có oan sai” – Đại biểu Hồng nhấn mạnh.

Khi đặt ra chỉ tiêu, chúng ta đã đạt được kết quả là tỷ lệ án oan sai giảm, đây là điều chúng ta đã làm rất tốt. Việc lấy thời gian xét xử vụ án lấy đó đánh giá giá trị công lý là không toàn diện, không chính xác, không khách quan.

Cũng theo Đại biểu Hồng, việc phối hợp liên ngành nhằm thống nhất về nhận thức về pháp luật, đưa ra quan điểm để làm sao giải quyết 1 vụ việc đảm bảo yêu cầu chính trị, pháp luật, thực tiễn trong việc xử lý. Điều đó vẫn đảm bảo nguyên tắc độc lập, phân công phân quyền giữa các cơ quan nhưng vẫn có sự phối hợp.

Cùng tranh luận về phát biểu của Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn Hà Nội) nhất trí với ý kiến của Đại biểu Hồng. Theo Đại biểu Chính, không có chỉ tiêu oan sai mà chỉ có tỷ lệ án hủy, án phải sửa theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc tổ chức họp liên ngành thường diễn ra đối với các vụ án khó, phức tạp, giúp các cơ quan tư pháp tìm ra giải pháp, tìm ra yếu tố buộc tội, gỡ tội, nếu không đủ căn cứ phải để đình chỉ vụ án chứ không phải bàn nhau thống nhất xét xử.

Tham gia tranh luận lại, Đại biểu Nhưỡng phát biểu, “dù trong các báo cáo, Nghị quyết không nói về chỉ tiêu oan sai, song khi nói tỷ lệ xét xử đúng thì phần còn lại là gì, ai cũng hiểu là phần oan sai... Tôi cũng không nói liên ngành là xấu, không đảm bảo quá trình xét xử đúng người đúng tội đúng pháp luật, song trên thế giới không công nhận các cơ quan tư pháp ngồi lại với nhau”.