Đại biểu Quốc hội lo ngại "làn sóng" hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại trước tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần ngày một tăng cao, ảnh hưởng tới quyền lợi của chính người lao động và tác động lớn tới chính sách an ninh xã hội.

Lo ngại "làn sóng" hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần

Chiều 27-10, thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2020, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho rằng việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần là nhu cầu thực tế của người lao động do thu nhập khó khăn, song việc này “lợi trước mắt, hại lâu dài”, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế rất nhiểu so với người hưởng lương hưu.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhìn nhận hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần "lợi trước mắt, hại lâu dài"

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhìn nhận hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần "lợi trước mắt, hại lâu dài"

Qua số liệu thống kê, đa số người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần là lao động trẻ, nhu cầu chi tiêu tài chính lớn mà không tính tới việc tích luỹ bảo hiểm 20 năm để hưởng lương hưu, khi về già gặp nhiều khó khăn, tạo áp lực lên gia đình và xã hội. Dự báo số người hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần còn tăng cao thời gian tới.

Cùng lo ngại trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) nêu tình trạng bộ phận lớn người dân không muốn tham gia bảo hiểm xã hội, hoặc khi đã tham gia thì lại muốn thôi để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần.

"Điều này tác động lớn tới chính sách an sinh xã hội của nhà nước", ông Hoàng Ngọc Định nhấn mạnh và kiến nghị bên cạnh công tác tuyên truyền, Chính phủ xem xét, có phương án linh hoạt trong việc quy định thời gian tham gia đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động trực tiếp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Cần công khai đối tượng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chỉ ra, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện năm 2020 tuy có tăng so với 2019 nhưng mức đóng và số tiền đóng không cao, chủ yếu chọn đóng ở mức chuẩn nghèo nông thôn (700.000 đồng/tháng). Mặt khác, tổng số người tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện còn khiêm tốn, mới đạt 2,31% tổng lực lượng lao động trong độ tuổi của đất nước.

Một trong những nguyên nhân khiến bảo hiểm xã hội tự nguyện chưa như mong muốn là do chính sách chưa đủ hấp dẫn, thu hút người tham gia như quy định thời gian đóng còn tương đối dài (20 năm), chế độ hưởng còn hạn chế. Đặc biệt còn thiếu linh hoạt, đa dạng hình thức đóng so với các loại hình bảo hiểm thương mại trên thị trường.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Hải Anh đề nghị thời gian tới phải sớm xem xét, điều chỉnh về quy định chính sách; rút ngắn thời gian đóng và đa dạng hoá hình thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nhất là có những phương thức, cách tính theo giá trị dòng tiền để tăng sự hấp dẫn, thu hút ngày càng nhiều người tham gia.

Đề cập tới tình hình dừng đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cho biết tính tới ngày 31-12-2020, tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm y tế bắt buộc là trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019. Trong tỉ lệ chậm đóng này, khu vực hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể chiếm 1,5%, khu vực doanh nghiệp ngoài quốc danh chiếm 57,2%.

Bà Đặng Bích Ngọc đề nghị cần rà soát, công khai các doanh nghiệp, ngưởi sử dụng lao động chậm nộp, trốn đóng bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát.

Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, năm 2020, Bộ LĐ-TB&DL và ngành bảo hiểm đã thực hiện 8.619 cuộc thanh tra, vào cuộc quyết liệt và chỉ ra nhiều sai phạm, đề xuất nhiều nội dung cần truy thu.

“Tuy nhiên việc thực hiện khắc phục sau thanh tra, kiểm tra là chưa rõ. Chế tài xử phạt hiện nay chưa đủ mạnh nên tính răn đe không cao. Tình trạng chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính còn thấp, vì vậy, nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động vẫn còn vi phạm. Điều này ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của người lao động”, bà Đặng Bích Ngọc phân tích và đề nghị Chính phủ ban hành chế tài nghiêm khắc để triển khai việc đóng bảo hiểm xã hội được tốt hơn.

Tuổi thọ khoẻ mạnh của người Việt chỉ 64 tuổi

Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) dẫn số liệu hiện có hơn 500.000 người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có bảo hiểm y tế. Trong khi người cao tuổi có bảo hiểm y tế nhưng nếu sinh sống ở vùng sâu vùng xa, nông thôn, miền núi thì việc thụ hưởng chính sách nhân văn của bảo hiểm y tế còn rất bất cập và bất bình đẳng bởi cơ sở vật chất, nguồn lực hạn chế.

Chi phí điều trị, khám chữa bệnh cho người cao tuổi cao gấp 10 lần người trẻ. Đối tượng này dù chỉ chiếm 12% dân số cả nước nhưng chi phí điều trị chiếm tới 50%. Tuổi thọ trung bình của Việt Nam là 73 tuổi, nhưng tuổi thọ khoẻ mạnh của chúng ta còn thấp, chỉ khoảng 64 tuổi. Theo khảo sát, 95% người cao tuổi mắc bệnh nền, bệnh mạn tính. Nhiều địa phương chưa đủ kinh phí để chăm sóc sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi…

Từ phân tích trên, bà Châu Quỳnh Dao kiến nghị thực hiện đồng bộ, quyết liệt một số giải pháp để sớm hoàn thành 3 mục tiêu: Thứ nhất, công bằng trong khám chữa bệnh theo nhu cầu. Thứ hai, đảm bảo an toàn về tài chính, tức là không để gia đình nào khánh kiệt vì chi phí thuốc men, điều trị. Thứ ba, tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng.