Cứu sống bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng sốc nhiễm khuẩn nặng, đe dọa tử vong

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa tiếp nhận ca bệnh T.H.T (66 tuổi) vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê, nguy cơ tử vong cao 40-60% do sốc nhiễm khuẩn…
Một ca bệnh đái tháo đường biến chứng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Một ca bệnh đái tháo đường biến chứng nặng được điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương

Thông tin từ Bệnh viện Nội tiết trung ương ngày 7-8 cho biết, nữ bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, da niêm mạc nhợt, đại tiện phân đen.

Qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, người bệnh được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn - Viêm phổi – Xuất huyết tiêu hóa cao – đái tháo đường type 2 – tăng huyết áp – Đợt cấp suy thận mạn.

Tiên lượng tình trạng người bệnh rất nặng, nguy cơ tử vong cao, các y bác sĩ đã nhanh chóng hồi sức bệnh nhân tích cực theo phác đồ, sử dụng thuốc vận mạch để duy trì huyết áp ổn định, sử dụng kháng sinh phổ rộng, kiểm soát đường máu, mỡ máu và hỗ trợ điều trị triệu chứng… Hiện người bệnh đã tỉnh táo, các dấu hiệu sinh tồn ổn định trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó khoa Điều trị tích cực - Bệnh Viện Nội Tiết Trung ương cho biết, sốc nhiễm khuẩn (hay sốc nhiễm trùng) là giai đoạn nặng nhất của quá trình liên tục bắt đầu từ đáp ứng viêm hệ thống do nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng.

Khi chuyển sang giai đoạn sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân đã bị nhiễm trùng huyết kèm theo tụt huyết áp và rối loạn chức năng tim mạch. Ở giai đoạn này, tiên lượng nguy cơ tử vong có thể lên tới 40 - 60%.

Đáng chú ý, các triệu chứng và dấu hiệu của nhiễm trùng huyết thường khó phát hiện và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý cấp cứu khác, đặc biệt là ở người bệnh đái tháo đường.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, khi người bệnh (nhất là người bệnh đái tháo đường) nếu có các biểu hiện như sốt cao, thở nhanh, nhịp tim nhanh, khó thở, ho khạc đờm, đờm vàng/xanh, sau đó có thể tụt huyết áp kèm theo suy giảm tri giác, hoặc huyết áp giảm nhưng da vẫn ấm, các chi lạnh và nhợt nhạt, nổi vân tím ngoại biên… thì cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.