Cứu bất động sản: “Thuốc” uống phải đủ liều

ANTĐ - Là cơ quan quản lý Nhà nước về bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng lạc quan cho rằng, cùng với các giải pháp giải cứu mà Chính phủ đã áp dụng từ đầu năm, chắc chắn thị trường năm 2013 sẽ có nhiều cải thiện, tạo đà cho sự phát triển ổn định vào các năm sau. Trong khi đó, không ít ý kiến từ phía các doanh nghiệp vẫn tỏ ra lo lắng về một tương lai kém tươi sáng. 

Khách hàng tới xem căn hộ mẫu tại khu chung cư bán đảo Linh Đàm, Hà Nội

Còn nhiều khó khăn

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty BĐS Đất Lành dự báo, thị trường năm nay sẽ còn khó khăn. Ông phân tích: “Thị trường BĐS lúc này giống như một người bệnh rất nặng. Về cơ bản, bác sỹ đã chẩn đoán đúng bệnh, nhưng vấn đề quan trọng lúc này là liều thuốc phải đủ mạnh và đúng lúc mới mong khỏi được bệnh. Nếu thiếu một hoặc cả hai yếu tố đó thì thị trường không thể cứu được...”. Tương tự, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh chia sẻ, năm 2013 sẽ vẫn là năm đầy khó khăn đối với thị trường BĐS và các doanh nghiệp. Dù vậy, chuyên gia này tin rằng, với chủ trương chính sách mới của Chính phủ, các bộ ngành địa phương đang thực hiện sẽ giúp cho thị trường BĐS bớt khó khăn, các doanh nghiệp có thể tìm thấy đường ra để giải quyết hàng tồn kho trên thị trường. Đồng thời, các giải pháp đó sẽ giúp tái cơ cấu và xử lý nợ xấu cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ ổn định tình hình tài chính để tiếp tục tồn tại.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT Đặng Hùng Võ cho rằng, năm 2013, vốn cho thị trường BĐS tiếp tục là một trong những yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự lên – xuống của thị trường. Thêm vào đó, do BĐS lệ thuộc rất sâu vào ngân hàng nên quá trình tái cấu trúc ngân hàng sẽ tác động rất lớn đến các chủ đầu tư dự án BĐS. Một yếu tố đặc biệt quan trọng nữa là niềm tin của người dân, nhà đầu tư đối với thị trường. “Phải làm sao lấy được niềm tin từ người dân để họ mạnh dạn đầu tư thì thị trường BĐS sẽ sớm phục hồi” – ông Đặng Hùng Võ nói.

Băn khoăn việc dừng hoãn dự án

Là doanh nghiệp BĐS lớn của TP Hà Nội, đại diện Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) cam kết sẽ sử dụng có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. HANDICO cho biết, sẽ chủ động đề xuất việc mua lại các dự án nhà thương mại phục vụ tái định cư hoặc làm nhà ở xã hội để cho thuê hoặc thuê mua. “Chúng tôi sẽ rà soát toàn diện các dự án đầu tư, chỉ tập trung vào các dự án có triển vọng hiệu quả. Đồng thời, xem xét đề xuất TP chuyển một số dự án chung cư sang nhà ở thấp tầng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm” - vị này nhấn mạnh.

Trong khi đó, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, thực hiện các giải pháp cứu thị trường BĐS, Sở đang xây dựng các tiêu chí và thời gian gia hạn nộp tiền sử dụng đất trên nguyên tắc tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Tài chính sẽ cùng với các cơ quan chức năng rà soát lại các dự án phát triển nhà ở để phân loại dự án nào tiếp tục triển khai, dự án nào phải tạm dừng, dự án nào sẽ điều chỉnh cơ cấu sản phẩm... Thêm một lần nữa, vấn đề rà soát dự án không chỉ là bài toán hóc búa với các nhà quản lý mà đang là mối quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp BĐS. 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, tình trạng chung là các địa phương đề xuất các dự án BĐS thuộc diện phải thu hồi hay dừng, tạm hoãn là rất ít. Có nơi chỉ đưa ra 5-10 dự án thuộc diện vi phạm pháp luật đất đai để thu hồi trên tổng số mấy trăm dự án BĐS trên địa bàn. Đáng ra, để điều tiết lại cán cân cung - cầu đang bị lệch trên thị trường, số dự án phải dừng hoãn lên tới 30-40% chứ không chỉ ở mức 5-7% như các tỉnh, thành phố kiến nghị.

Tuy nhiên, việc dừng, hoãn dự án BĐS thực tế không đơn giản chỉ được giải quyết bằng các mệnh lệnh hành chính. Rất nhiều dự án, dù chỉ bắt đầu GPMB hay thậm chí ở mới dạng “phôi thai”, nhưng đã huy động vốn từ đối tác, người dân theo nhiều cách khác nhau. Nếu bây giờ, các dự án này bị dừng, tạm hoãn, hệ lụy pháp lý xảy ra sẽ hết sức phức tạp. Do vậy, việc thanh lọc thị trường rất cần sự thận trọng, tránh tạo thêm áp lực với những doanh nghiệp vốn đã “ngắc ngoải” từ hơn 2 năm nay.