Cưỡng ép gần 60 người ở lại nước ngoài trái phép có thể bị phạt tù tới 20 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mới đây, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bạc Liêu đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng cưỡng ép gần 60 người ở lại nước ngoài trái phép. Theo các chuyên gia pháp lý, kẻ thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù tới 20 năm.

Kẻ cưỡng ép gần 60 người ở lại nước ngoài trái phép là Phan Công Quốc (SN 1986, ngụ huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng).

Theo cơ quan công an, sau khi xuất cảnh sang Nga theo hình thức đi du lịch rồi ở lại mở xưởng may quần áo, Quốc liên hệ với bố mẹ ở Việt Nam tìm người đưa sang Nga lao động trong thời gian 3 năm với phí đưa trước là 40 triệu đồng.

Khi người lao động đến xưởng may tại Nga, Quốc thu giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân, khóa cửa xưởng không cho họ ra ngoài. Người nào muốn kết thúc hợp đồng trước thời hạn để về Việt Nam phải chuyển cho Quốc số tiền 60 triệu đồng. Hiện vụ án đang được CQĐT Công an tỉnh Bạc Liêu tiếp tục điều tra mở rộng.

Đối tượng Phan Công Quốc đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Đối tượng Phan Công Quốc đã bị khởi tố, bắt tạm giam

Trước đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam phối hợp với phía Campuchia giải cứu hơn 250 người Việt bị lừa sang Campuchia để cưỡng ép lao động trái phép, cưỡng đoạt tài sản, bán qua lại các chủ, đánh đập, ngược đãi, bắt gia đình nộp từ 3.000 - 30.000 USD để chuộc.

Những đối tượng cầm đầu việc cưỡng bức lao động Việt Nam, đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc và có sự tham gia, giúp sức của những người Việt đang ở Campuchia.

Thủ đoạn của chúng là đưa ra những lời mời, dụ dỗ sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao. Không ít người vì hoa mặt trước “bánh vẽ” do các đối tượng này tạo ra nên đã nhanh chóng sập bẫy.

Phân tích các vụ việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 350 BLHS 2015 về Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép quy định, người nào cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 120 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2-7năm. Phạm tội đối với 11 người trở lên hoặc làm chết người thì bị phạt tù từ 12-20 năm.

Có thể nói, Tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép xâm phạm hoạt động quản lý hành chính nhà nước về lĩnh vực xuất cảnh, cư trú và quyền tự do của công dân.

Hành vi khách quan của tội phạm gồm hành vi cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài và hành vi cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép.

Người bị cưỡng ép có thể về vật chất (cưỡng ép về thân thể) hoặc tinh thần. Trong đó, cưỡng ép về thân thể là việc một người bị bạo lực vật chất tác động (bị trói, bị giam giữ, bị bịt miệng) khiến họ không hành động được theo ý muốn của mình.

Cưỡng ép về tinh thần là việc bị đe doạ uy hiếp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản hoặc những lợi ích khác, nếu họ không trốn ra nước ngoài. Người bị cưỡng ép vì sợ bị thiệt hại nên đã miễn cưỡng phải trốn ra nước ngoài.

Cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép tương tự với hành vi trên, chỉ khác ở điểm người bị cưỡng ép là người đang ở nước ngoài đã hết hạn, lẽ ra họ phải về nước, nhưng do bị cưỡng ép nên họ buộc phải ở lại nước ngoài.

Hậu quả của tội phạm không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm hành vi khách quan xảy ra. Người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.