Cước vận tải sẽ về đúng giá trị thực

ANTĐ - Gần nửa tháng Bộ GTVT và các tỉnh, thành đồng loạt tiến hành cân xe trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm, hàng loạt doanh nghiệp (DN), ngành hàng kêu khó, kêu khổ vì thiếu xe, cước vận tải tăng mạnh. Thực trạng này cho thấy, đường sá bấy lâu đã phải “gồng mình” gánh xe quá tải trọng đến mức nào.

Nhiều doanh nghiệp kêu “khổ” vì phải chở đúng tải trọng!

Hàng hóa ùn ứ vì cân xe

Từ ngày 1-4, thực hiện đề nghị của Bộ GTVT, đồng loạt các tỉnh, thành đã triển khai cân xe bằng các trạm cân lưu động. Mới khoảng 1 tuần đầu áp dụng, nhiều DN, ngành hàng đã cho rằng gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Đầu tiên phải kể đến việc vận chuyển các nhóm hàng nông sản như xoài, dưa hấu, thanh long. Từ đầu tháng 4 đến nay bãi tập kết hàng nông sản ở Tịnh Biên (An Giang) thưa thớt, vắng lặng. Số lượng xe tải vận chuyển trái cây từ các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đổ về rất ít vì bị kiểm soát tải trọng. Cánh nhà xe cho rằng nếu chở đúng tải, cước vận chuyển sẽ tăng gấp 3 - 4 lần. 

Mặt hàng xoài cát có giá khá cao, đã bất ngờ giảm mạnh từ đầu tháng 4, nguyên nhân do cước phí vận chuyển tăng. Hiện cước vận chuyển ra các tỉnh phía Bắc đã ở mức từ 400.000 đến 450.000 đồng/thùng (mỗi thùng từ    50 - 60 kg), tăng gấp 3 - 4 lần so với cước phí vận chuyển trước đây và các điểm thu mua phải điều chỉnh lại giá để tránh  thua lỗ.

Tương tự, nhiều DN xuất khẩu gạo cũng đã kiến nghị tháo gỡ khó khăn do việc siết xe trọng tải. Theo một số DN xuất khẩu gạo, tình trạng gạo ùn ứ tại các cảng đang diễn ra do không xuất đi được. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng trên là do chủ các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ tăng giá thành vận chuyển hàng hóa 2 - 3 lần. Cảng Vật Cách, Duy Linh, (Hải Phòng)... những ngày này luôn tái diễn tình cảnh hàng chục thương nhân buôn gạo chạy đôn chạy đáo tìm xe, mối chở gạo. Theo thống kê toàn hệ thống cảng Hải Phòng, có gần 300.000 tấn gạo bị ùn ứ tại các cảng trong một tuần nay. Tuy vậy, ông Trương Văn Thái, Phó Tổng giám đốc cảng Hải Phòng cho rằng, vấn đề không phải các DN thiếu xe chở gạo mà nếu chở đúng tải trọng cho phép giá cước vận tải chắc chắn sẽ tăng lên. 

Thiết lập lại trật tự thị trường

“Trước kia các DN vận tải tính cước cho hàng quá khổ quá tải là giá ảo, khiến các DN vận tải cạnh tranh không lành mạnh, tính giá cước không đồng nhất. Khi có các quy định thắt chặt về hàng quá khổ quá tải với mức xử phạt rất cao, đánh vào túi tiền của chủ xe, đã buộc các DN phải chấp hành theo quy định. Vì vậy giá cước vận tải sẽ trở về đúng với giá trị thực. Về lâu dài sẽ tạo sự cạnh tranh công bằng trong ngành vận tải”, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng nhận định.

Còn ông Đỗ Xuân Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải   ô tô Việt Nam cho rằng, cước vận tải hàng hóa bằng ôtô ở Việt Nam hiện nay đang rất thấp. Nhiều đơn vị đưa ra mức cước thấp hơn giá thành nhờ chở quá tải hoặc sử dụng phương tiện đã hết khấu hao. Theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cước chở hàng khoảng 5.000-7.000 đồng/tấn/km, song hiện nay các DN vận tải hàng hóa đang chở với giá 1.800-2.200 đồng/tấn/km. Vì vậy, khi triển khai cân xe đồng loạt trong những ngày qua đã xuất hiện tình trạng xe né trạm hoặc tăng giá cước khi chở đúng tải. Nếu giá cước hiện nay đưa về giá trị thực thì tăng lên 2-2,5 lần. 

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết: “Tôi ủng hộ việc kiểm tra trọng tải xe ôtô, còn việc giá cước vận tải tăng là lẽ đương nhiên. Đây sẽ là cơ hội thiết lập lại trật tự thị trường, tránh việc DN tăng tải trọng quá mức để giảm giá cước, cạnh tranh thiếu lành mạnh”.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xử hơn 500 trường hợp xe quá khổ, quá tải và phạt tiền hơn 2 tỷ đồng, đã hạ tải 1.130 tấn. Chỉ trong tuần qua, Hà Nội đã xử lý 72 xe quá tải/175 trường hợp được kiểm tra và đều yêu cầu hạ tải. “Trước mắt, với các xe chở quá tải trọng thiết kế của xe, ngoài việc phạt tiền còn yêu cầu hạ tải. Hà Nội đã trang bị cân lưu động và kho bãi để hạ tải”, ông Nguyễn Hoàng Giáp, Chánh Thanh tra Sở GTVT khẳng định.