Xăng dầu 6 lần giảm giá, cước vận tải vẫn y nguyên

ANTĐ - Xăng dầu đã 6 lần giảm giá liên tiếp nhưng cước vận tải vẫn “án binh bất động”. Trong khi đó, mỗi lần xăng dầu tăng giá thì vận tải luôn tính chuyện “té nước theo mưa”. Người tiêu dùng rất bức xúc bởi chỉ thấy cước vận tải tăng mà không có giảm.
Xăng dầu 6 lần giảm giá, cước vận tải vẫn y nguyên ảnh 1
Người dân đi lại chưa thấy được lợi từ 6 lần giảm giá xăng dầu

Đổ tại giá xăng giảm nhỏ giọt

Chỉ trong tháng 9, giá xăng dầu đã có tới 3 lần điều chỉnh giảm, trong đó giá xăng giảm 2 lần còn các mặt hàng còn lại giảm 3 lần. Tính chung từ đầu năm 2014, giá xăng bán lẻ đã giảm 6 lần liên tiếp với tổng giá trị 2.080 đồng/lít. 

Mỗi lần giá xăng dầu biến động, cước vận tải đều có sự điều chỉnh. Song lâu nay, người tiêu dùng mới chỉ thấy cước vận tải tăng theo giá xăng dầu mà không có chiều ngược lại. Lý giải về sự bất thường này, đa số các doanh nghiệp vận tải đều chung câu trả lời: “Dù 6 lần giảm giá liên tiếp nhưng mức giảm không lớn nên các doanh nghiệp không tính đến chuyện giảm giá cước. Thông thường, giá xăng dầu phải giảm ở mức 10% trở lên thì vận tải mới có thể giảm giá cước”. 

Bên cạnh đó, không ít các doanh nghiệp đưa ra lý do, trước đó nhiều lần xăng dầu tăng giá với biên độ lớn nhưng vận tải không tăng cước mà cố cầm cự. Vì vậy, những đợt giảm giá gần đây mới chỉ giúp doanh nghiệp dễ thở hơn mà thôi. Một doanh nghiệp vận tải lý giải: “Thực tế, biên độ tăng giá xăng dầu khá lớn, có khi xăng tăng đến gần 30%, dầu tăng trên 20% nhưng khi giảm thì nhỏ giọt. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải đã không tăng giá cước khi tăng giá xăng dầu nên khó có thể giảm giá cước sau các đợt giảm giá vừa qua”.

Các doanh nghiệp taxi cũng cho biết, tăng giảm giá cước  taxi không dễ, bởi các doanh nghiệp phải thống nhất một mức giá chung, rồi mới điều chỉnh lại đồng hồ tính cước với mức phí mất khoảng từ 150 – 250.000 đồng/đồng hồ. Chưa kể các thủ tục khác như điều chỉnh lại bảng giá đồng hồ tính tiền, niêm yết giá cước trên các chặng đường… khá tốn kém, mất thời gian.

Sẽ giảm cước nếu xăng dầu ổn định hết tháng 10?

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, chi phí nhiên liệu trong giá cước vận tải lâu nay vẫn ở mức khoảng 40 - 45% đối với xe chạy dầu và 45 - 50% đối với xe chạy xăng. Vì thế, khi có biến động về giá nhiên liệu sẽ có điều chỉnh giá cước. Nhiên liệu cứ tăng, giảm bao nhiêu phần trăm thì cứ “cưa đôi” để điều chỉnh giá cước. Từ đầu năm đến nay, giá nhiên liệu đã giảm nhiều lần nhưng biên độ giảm chỉ vài ba phần trăm nên việc điều chỉnh rất khó. “Nhiều người đặt câu hỏi là nhiên liệu giảm giá rồi sao chưa thấy cước vận tải giảm, nhưng giá cước vận tải bao giờ cũng phải có độ trễ nhất định, kể cả khi tăng hay khi giảm”, ông Thanh cho hay. 

Còn ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, do xăng dầu giảm nhỏ giọt nên không có  tác dụng giúp giảm cước vận tải. Từ đầu năm đến nay, nhiều chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng mạnh. Dù vậy, ông Liên cũng nhìn nhận, cước taxi nên tính toán giảm. “Mỗi lần xăng dầu tăng giá thì cước taxi đều tăng, nay giá xăng đã giảm nhiều lần mà cước taxi chưa giảm, đó là một sự vô lý”.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho hay, giá cước vận tải được hình thành dựa trên sự thỏa thuận giữa các Hiệp hội vận tải. Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam và các Hiệp hội vận tải 3 miền để đàm phán giảm giá cước vận tải cho phù hợp. “Trong tháng 10 này, nếu giá xăng dầu giữ ổn định như hiện nay thì chắc chắn cước vận tải sẽ phải giảm”, Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định.