Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt sau 50 năm xa cách (1)

ANTĐ - Chị kể với tôi rằng, hồi chiến tranh chống Mỹ, chị cùng với một số con em của các cán bộ Miền Nam được gửi ra Bắc ăn học để bố mẹ ở lại yên tâm công tác. Mẹ chị là một cán bộ cách mạng, còn bố là ai, chị hoàn toàn không biết.
Cuộc gặp gỡ đầy nước mắt sau 50 năm xa cách (1) ảnh 1
Lần theo những kí ức mong manh, chị tìm về quê mong gặp lại mẹ thế nhưng mẹ đã không còn

Cũng như nhiều học sinh miền Nam lúc đó tập kết ra Bắc, ai cũng nghĩ rằng, chỉ hai năm sau là họ được trở về quê. Nào ngờ, thời gian xa quê của họ kéo dài hàng chục năm trời. Hàng chục năm đó, chị không hề nhận được một chút tin tức gì từ mẹ. Tuy vậy, chị luôn cố gắng học tập và hy vọng, cầu mong đến ngày chiến thắng để được về với mẹ…

Ngày chiến thắng, người trở ra Bắc, người về miền Nam. Lúc này, chị đã là mẹ của hai đứa con. Chị để lại các con cho chồng và mẹ chồng chăm sóc rồi lên đường vào Nam tìm mẹ.

Về lại quê nhà, nơi mà năm xưa chị đã sống với mẹ, nhưng buồn thay, mẹ không còn ở đó. Chị lần đến những người đã từng hoạt động cách mạng với mẹ hồi đó. Qua bao ngày, bao đêm vất vả chị mới có được tin tức chính xác về mẹ. Một tin thật đau buồn. Mẹ chị đã hy sinh. Những đồng đội của mẹ kể rằng, trong cuộc hành quân hôm đó mẹ chị và hai đồng chí nam giới là ba người chỉ huy đi sau cùng trong đoàn, họ cần hội ý về trận đánh tiếp theo nên lùi lại phía sau. Bỗng cả đoàn nghe một tiếng nổ lớn. Tất cả cùng quay lại. Mẹ chị và hai người đồng đội mỗi người một nơi, xương tan, thịt nát. Buốt lòng, những người còn sống chung tay chôn cất 3 đồng đội của mình...

Chị tìm đến ngội mộ có ghi đầy đủ tên, tuổi và ngày hy sinh của mẹ. Chị thắp hương cho mẹ trong niềm thương xót của đứa con duy nhất về với mẹ. Chị ngậm ngùi phải để mẹ nằm lại đó, nhờ vào sự chăm sóc của ủy ban nhân dân và bà con địa phương. Năm nào, vào ngày giỗ, chị lại về nơi mẹ yên nghỉ để chăm nom phần mộ cho mẹ.

Đã nhiều lần, chị xin được đưa hài cốt của mẹ ra Bắc để tiện việc hương khói cho mẹ. Nhưng không được phép, vì mẹ là liệt sĩ. Mà mộ liệt sĩ phải nằm dưới sự quản lý của chính quyền. Chỉ khi chị có kết quả giám định ADN, khẳng định giữa hài cốt với chị có quan hệ huyết thống, thì chị mới được nhận. Thế là chị phải chờ… chờ đến khi có một cơ quan khoa học làm xét nghiệm ADN giữa chị và bộ hài cốt của mẹ… Chị phải chờ, chờ lâu lắm. Vì hồi đó, việc xét nghiệm hài cốt liệt sĩ đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Chờ mãi rồi cũng đến ngày chị mong đợi. Những bộ hài cốt đầu tiên đã được gửi ra Hà Nội để xét nghiệm, trong đó có bộ hài cốt của mẹ chị và hai đồng đội của mẹ. Chị hy vọng rằng chẳng còn bao lâu nữa, chị sẽ được nhận phần mộ của mẹ và đưa mẹ về một nghĩa trang liệt sĩ gần gia đình ở ngoài Bắc…

Nhưng thật không ngờ, mẫu hài cốt được khai quật chính từ ngôi mộ có tấm bia khắc tên của mẹ chị khi được xét nghiệm với chị thì cho ra một kết quả đầy thất vọng: Chị và nữ liệt sĩ đó chẳng hề có quan hệ huyết thống với nhau.

Chị ôm nỗi tuyệt vọng trở về nơi mẹ đã hy sinh, mong sao mọi người quanh đó giúp chị kiểm tra lại một lần nữa, xem có sự nhầm lẫn nào không… Thật buồn cho chị, ai cũng khăng khăng, không có sự nhầm lẫn nào cả. Mọi chi tiết khiến họ khăng khăng như vậy vì: Hai liệt sĩ cùng hy sinh một lúc với mẹ, đã có chủ khi xét nghiệm với người nhà của họ. Ngôi mộ còn lại là của phụ nữ, chỉ có thể là của mẹ chị mà thôi …

(Còn nữa)