Cuộc đào thoát khỏi "địa ngục trần gian" của những phu vàng tuổi "teen"

ANTĐ - Vùng miền núi của tỉnh Quảng Nam, hàng chục năm qua là miền đất hứa của những ông chủ khai thác vàng sa khoáng. Để đào đất, xay đá, đánh mìn...ngày này qua tháng khác nhằm tìm kiếm vận may, những ông chủ bãi vàng sử dụng một lượng lớn lao động chân tay vào những công việc vô cùng nặng nhọc.

Để có được nguồn nhân lực này, những ông chủ bãi vàng phải liên kết với đội ngũ dẫn mối người làm công. Đám người dẫn mối thường tỏa đi đến những vùng quê xa xôi, hẻo lánh để săn tìm những thanh thiếu niên nghèo khó, cần có việc làm để mưu sinh.

Những kẻ dẫn mối lao động giở trò lừa bịp, vẽ ra một tương lai tươi sáng với những công việc nhẹ nhàng và đồng lương mơ ước... Vốn hiền lành, chất phác, những thanh thiếu niên xuất thân từ những vùng quê xa nghèo khó đã dễ dàng tin theo lời dụ dỗ ngọt ngào của đám người dẫn mối nên đã ngoan ngoãn theo chân họ đến những bãi vàng nơi rừng thiêng nước độc.

Ở đó, những thanh thiếu niên này phải lao động khổ sai trong điều kiện thiếu thốn miếng cơm, manh áo, đa số họ không ít lần lâm vào cảnh ốm đau, bệnh tật... một vài trường hợp may mắn thì đào thoát được khỏi nanh vuốt của giới chủ bãi vàng, rồi gặp được những người dân tốt bụng đưa về chăm sóc, báo cáo với chính quyền địa phương sở tại để tạo điều kiện cho trở về quê hương...

Bãi vàng “địa ngục trần gian”

Ngày 11-7-2016, UBND xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam cho biết, người dân vừa cứu thoát hai đứa trẻ làm việc khổ sai ở một bãi vàng thuộc xã Phước Hiệp, huyện Phước Sơn và bàn giao cho Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam để có chính sách giúp đỡ đưa hai em về với gia đình.

Theo ông Hồ Văn Hồng, trú xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam thì vào khoảng 18h ngày 7-7, ông cùng một lái xe múc đất để mở đường vào khai thác cây keo ở xã Phước Hòa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam thì phát hiện thấy 2 đứa trẻ chạy từ rừng sâu ra trong tình trạng sức khỏe đã suy kiệt, cả 2 rất mệt mỏi và đói khát. Ông Hồng gọi 2 đứa trẻ lại hỏi và được biết các em tên là Cụt Văn Toại (17 tuổi) và Hồng Văn Cầu (15 tuổi), cả hai cùng ở xã Lương Minh, huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Theo lời kể của em Toại thì vào thời điểm sau tết Bính Thân, có một người tên Mão, trú ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đến gặp rồi hứa hẹn sẽ dẫn các em vào tỉnh Quảng Nam để làm việc và trả lương 4 triệu đồng/tháng. Tin theo lời của ông Mão, Toại đã cùng với 6 người khác ở cùng quê vào làm việc cho một bãi vàng ở xã Phước Hiệp.

Vì lao động quá vất vả, cực nhọc nên chỉ chưa đầy một tháng thì 5 người trong số này đã bỏ trốn. Đến tháng 4-2016, Toại cũng đã tìm đường bỏ trốn nhưng bị bắt lại và bị chủ bãi vàng đánh đập rất dã man.

Phu vàng 15 tuổi Hồng Văn Cầu

Toại kể tiếp, từ khi đến bãi vàng, em và mọi người phải làm việc quần quật từ 6h sáng đến 23h đêm. Hằng ngày, các phu vàng như Toại phải chui vào hầm sâu để đào đất, vác đá, nổ mìn... Mọi người bị bắt làm việc rất nặng nhọc và không được nghỉ ngơi. Nếu ai chểnh mảng hay có ý định nghỉ việc sẽ bị chủ bãi vàng đánh đập. Chủ bãi vàng khống chế, không cho ra ngoài, cuộc sống của các phu vàng chỉ khép kín trong bãi vàng và bị theo dõi, giám sát chặt chẽ. Tất cả điện thoại của phu vàng đều bị chủ bãi vàng thu giữ nên không ai có thể liên lạc về gia đình.

Vì không chịu nổi cảnh lao động khổ sai ở chốn “địa ngục trần gian” này, nên Toại quyết tâm bỏ trốn một lần nữa. Sau nhiều ngày bàn bạc, đến sáng ngày 6-7, lợi dụng lúc chủ bãi vàng đang say rượu, Toại đã cùng với Cầu tìm đường bỏ trốn. Khi cả hai chạy thoát ra khỏi bãi vàng thì bắt đầu nhắm hướng đường dây điện để đi, đi hết một ngày, một đêm vẫn không thấy đường nên cả hai anh em phải bẻ lá cây làm chiếu ngủ qua đêm. May sao đến sáng 9-7 thì gặp được ông Hồng.

Ngồi đối diện với những người dân tốt bụng xã Bình Lâm, em Cầu kể: Gia đình rất nghèo, cha mẹ mất sớm, em có một chị gái nhưng đã sang Trung Quốc lấy chồng, ở quê, em sống cùng với người chị họ, đời sống rất kham khổ nên khi nghe người ta bảo vào Quảng Nam lao động sẽ được trả lương 4 triệu đồng/tháng là em theo các anh trong làng đi ngay. Ai ngờ, khi vào trong bãi vàng, em được giao nhiệm vụ đẩy xe đất và xay đá, công việc quá cực nhọc, ăn uống lại kham khổ nên sức lực ngày một suy kiệt...

Biết được hoàn cảnh hết sức thương tâm của Toại và Cầu, những người dân ở xã Bình Lâm đã cùng nhau quyên góp, người ít, kẻ nhiều với số tiền chừng 2 triệu đồng, họ mong muốn cùng với sự hỗ trợ thêm của các ban, ngành hữu trách, 2 em sẽ được tạo điều kiện để trở về quê hương một cách an toàn...

Hai thiếu nữ Xí và Khất

Trước đó, cũng vì không chịu nổi cảnh lao động khổ sai tại một bãi vàng nằm trên địa bàn huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam mà 2 thiếu nữ người dân tộc Khơ Mú là Mông Thị Khất (16 tuổi) và Lò Thị Xí (15 tuổi), cùng trú xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã cùng nhau bỏ trốn.

Rời bãi vàng, 2 thiếu nữ đã cùng nhau chạy thục mạng hơn một ngày trời mới ra đến đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đang đi bộ trên đường thì 2 em may mắn được một chiếc ô tô khách cho quá giang đến trụ sở Công an huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam để trình báo sự việc. Khi bước chân vào đến trụ sở Công an huyện, cả 2 em như ngã quỵ vì đói và khát.

Xí và Khất kể rằng, vì ở quê quá nghèo, nên khi nghe một người phụ nữ đến nhà bảo rằng đi làm ở Quảng Nam sẽ được trả lương cao thì đi chứ không hình dung là sẽ đến làm việc như khổ sai ở bãi vàng. Đến nơi, thấy có hàng chục đứa trẻ trạc tuổi các em phải lao động quần quật từ sáng sớm đến tối mịt trong tình cảnh thường xuyên bị quát mắng, đánh đập, nên 2 em hoảng loạn tìm đường thoát thân...

Khất kể: "Những phu vàng ở bãi các em làm hằng ngày phải lao động nặng nhọc trong một môi trường vô cùng nguy hiểm. Họ phải chui trong lòng giếng sâu đến hàng trăm mét để đào quặng nhưng không hề có hệ thống quạt gió giúp chống ngạt. Nhiều phu vàng bị ngất xỉu khi phải làm việc nhiều giờ liền trong lòng đất, tất cả họ đều bày tỏ sự lo sợ không biết họ sẽ chết khi nào khi phải làm việc trong một điều kiện khổ sai. Trong khi đó, khẩu phần ăn hằng ngày của họ thường xuyên là cơm nguội với muối và lá rừng…".

Trước Xí và Khất, hai chàng thanh niên người dân tộc Mường, quê ở thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cũng đã không chịu được cảnh lao động khổ sai ở bãi vàng đã cùng nhau tìm đường đào thoát. Do thất nghiệp và nghèo đói, cả hai cùng nhiều thanh niên cùng quê bị lừa đi lao động, rồi bị đẩy đến làm phu vàng ở xã Phước Thành, huyện Phước Sơn. Vì không chịu nổi cảnh lao động khổ sai trong đói rét và bệnh tật, họ đã liều chết để thoát thân trong sự truy đuổi quyết liệt của chủ bãi vàng...

Cho đến khi đã được cưu mang, chăm sóc ở Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, nhưng câu chuyện bị lừa đẩy vào làm phu vàng khổ sai cùng với hành trình trốn chạy trong hãi hùng vẫn là những cơn ác mộng kinh hoàng đối với họ…

Hôm ấy, ngồi trước cán bộ lãnh đạo và cán bộ tư vấn tâm lý của Trung tâm Công tác xã hội, hai phu vàng vừa trốn thoát khỏi chốn “địa ngục trần gian” Phạm Văn Hảo (SN 1997) và Phạm Văn Cường (SN 1995) cùng kể lại rằng: "Quê nhà của chúng em nghèo lắm, quanh năm quẩn quanh với đá sỏi gan gà nên chẳng đủ cái ăn. Nhà nghèo lại đông con, nên giấc mơ đến trường là điều không thể.

Tết vừa rồi, nghe mấy đứa bạn cùng thôn bảo: Có bác Ảnh là người cùng quê từ miền Nam về đây tuyển người đi lao động. Bác ấy hứa sẽ trả lương mỗi tháng 4 triệu đồng, nhà chủ sẽ lo thêm chuyện ăn uống và áo quần để mặc. Nghe thế, đứa nào cũng háo hức nên đến tìm bác Ảnh để đăng ký xin đi. Đến ngày hẹn, bác Ảnh dẫn Cường, Hảo và 36 thanh niên cùng trang lứa khác lên đường.

Lên xe ở quê nhà, sau hơn một ngày đêm trên đường thì đến Đà Nẵng. Ở đây, cả đoàn được sang một chiếc xe khác, rồi bác Ảnh đưa đến vùng rừng núi Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) để bàn giao cho một ông chủ bãi vàng...".

Tưởng rằng được thoát cảnh nghèo túng ở quê để đi lao động kiếm cơm một cách tử tế. Có ai ngờ, ở bãi vàng Phước Thành, những phu vàng như Cường, Hảo bị chủ bãi đối xử chẳng khác nào nô lệ giữa bốn bề núi rừng thăm thẳm.

Ở bãi vàng này, cả đoàn 38 người được chủ bãi chia làm 2 tốp phu, mỗi tốp làm 1 ca cả ban đêm lẫn ban ngày. Cường và Hảo do có thân hình nhỏ nên được chủ bãi bố trí vào vị trí đào quặng ở dưới hầm sâu cho dễ chui ra, chui vào.

Làm việc ở đây vô cùng cực nhọc, lại luôn bị giám sát bởi một người đàn ông rất hung dữ, đứa nào cãi lời là ngay lập tức bị ăn đòn đến nhừ tử mới thôi. Làm được một thời gian, người nào cũng bị bệnh do uống nước bẩn, ăn cơm lại chỉ toàn muối với rau tập tàng... lương lại không được trả. Hỏi ông chủ thì được trả lời là phải 6 tháng lao động mới tính đến chuyện nhận lương.

Nghĩ rằng, làm việc ở bãi vàng này thì trước sau gì mình cũng chết, vì vậy mà 10 đứa cùng làng bàn nhau bỏ trốn để tìm đường về quê. "Chúng cháu hẹn nhau, sau khi tan ca làm là cùng bỏ trốn vào rừng, rồi cắt rừng để tìm đường về xuôi. Đi phải đến mấy chục cây số, cả bọn mới tìm đường ra tới thị trấn Khâm Đức. Vì không có tiền, nên cả bọn lang thang ở đó để xin ăn rồi cố kiếm việc gì làm thuê để có tiền về quê...", Cường kể lại.

Anh Hồ Văn Hồng (trái), người cưu mang 2 phu vàng Toại và Cầu

Cường kể tiếp: "Lang thang được mấy hôm thì cả bọn gặp một người đàn ông nói giọng Bắc. Ông này bảo rằng sẽ đưa cả bọn về làm thuê ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) vì ở đó sẽ được đối xử đàng hoàng hơn. Tin lời ông ấy, cả bọn đi theo. Nhưng có ai ngờ, ông ấy lại bán cả 10 đứa vào một bãi vàng mới. Tưởng rằng trốn thoát khỏi nơi địa ngục ở Phước Thành, ai ngờ lại rơi vào địa ngục ở Tam Lãnh.

Những người cai quản bãi vàng ở đây rất dữ tợn, hễ đứa nào làm việc mà nghỉ tay là bị đánh không thương tiếc chút nào. Ăn uống thì kham khổ, công việc thì nặng nhọc quá sức chịu đựng của con người. Cùng quẫn, cả bọn lại bàn nhau bỏ trốn. Đúng hẹn, cả bọn lại chạy vào rừng, nhưng lần này bị chủ bãi vàng phát hiện nên truy đuổi quá gắt gao.

Chúng cháu chạy thục mạng hơn hai ngày đường thì đến được địa bàn của xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước (Quảng Nam). Khi đang đi lang thang xin cơm ăn ở Tiên Thọ thì bất ngờ chạm trán với chủ bãi vàng ở Tam Lãnh, khi ông ta đang truy lùng những đứa bỏ trốn. Cường và Hảo dù đang lúc kiệt quệ nhưng cũng đã biết la lên để mọi người chú ý. Thế rồi, cả hai được một cán bộ ở xã Tiên Thọ chở về nhà, đồng thời thông báo sự việc đến các cơ quan hữu trách..."

Tất cả những trường hợp phu vàng trốn thoát từ những bãi vàng, sau khi được những người tốt bụng báo cáo với chính quyền địa phương đều đã được các đơn vị hữu trách tạo điều kiện để trở về với quê hương, bản quán.

Tuy nhiên, điều chúng ta trăn trở là hiện tại để thỏa mãn cơn khát tìm vàng để làm giàu cho bản thân. Ngày ngày, các chủ bãi vàng ở những vùng rừng tít tắp vẫn đang hành hạ, bóc lột sức lao động của hàng trăm, hàng nghìn người lao động nghèo, trong số đó có những em thiếu niên chừng 14, 15 tuổi. Các em phải làm việc quần quật trong hoàn cảnh thường xuyên bị ngược đãi và đói rách.

Vì vậy, cần lắm những cuộc tấn công truy quét vàng tặc, cần lắm những đợt kiểm tra nghiêm túc của các lực lượng chức năng, để từ đó sẽ giải thoát cho những người lao động nghèo thoát khỏi cảnh làm thuê như nô lệ, giải thoát cho những đứa trẻ thơ khỏi cảnh khốn cùng dưới nanh vuốt của những chủ bãi vàng thừa tiền bạc, sự nhẫn tâm và máu lạnh...