Cuộc chiến khí thải

ANTĐ - Không để vấn đề khí thải hàng không trở thành một cuộc chiến giữa các quốc gia, tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) đã kêu gọi các hãng hàng không quốc tế xây dựng một thị trường khí thải CO2 toàn cầu.

EU quy định các hãng hàng không phải trả thuế khí thải khi bay tới 

không phận liên minh này

Ngày 20-3, Chủ tịch ICAO thuộc LHQ Roberto Kobeh đã kêu gọi các hãng hàng không quốc tế xây dựng một thị trường khí thải dioxide carbon (CO2) vào năm 2015 để bảo vệ khí hậu toàn cầu. Theo ông Kobeh, việc hình thành thị trường này vừa giúp bảo vệ bầu khí quyển Trái đất khỏi hiện tượng hiệu ứng nhà kính, đồng thời còn tháo ngòi nổ cho cuộc chiến khí thải có nguy cơ bùng nổ giữa Liên minh châu Âu (EU) với nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Lời kêu gọi của ông Kobeh được đưa ra trong bối cảnh khí thải máy bay đã trở thành một vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng. Tổng Thư ký ICAO Raymond Benjamin cho biết, khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ ngành hàng không hiện chiếm 2% tổng lượng khí thải toàn cầu song sẽ tăng nhanh khi số chuyến bay tăng gấp đôi hiện nay và đạt 5 tỷ chuyến mỗi năm vào năm 2020. 

Trong khi đó, các quốc gia công nghiệp phát triển nhất thế giới đang phải chịu nhiều sức ép trong việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) để thực hiện Nghị định thư Kyoto. Để đạt mức cắt giảm khí thải theo nghị định này, EU quy định, kể từ tháng 1-2012, các hãng hàng không có chuyến bay vào không phận của liên minh này đều phải chịu thuế khí thải CO2 (ETS).

EU cảnh báo, hãng hàng không nào không chấp hành sẽ chịu phạt 100 euro cho mỗi tấn CO2 xả ra và bị cấm bay trên không phận 27 quốc gia thành viên liên minh. EU cho rằng thứ thuế này là khá nhẹ, chỉ khiến các hãng hàng không phải tăng thêm từ 4 đến 24 euro tiền giá vé cho một chuyến bay đường dài khứ hồi đến và đi khỏi không phận liên minh, nên có thể chấp nhận được. 

Tuy nhiên, tất cả các hãng hàng không, kể cả các hãng hàng không của các thành viên EU, cũng như các quốc gia khác như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Canada... đều phản ứng ETS. Theo tính toán của nhiều hãng hàng không, luật thuế mới của EU sẽ gây thiệt hại 23,8 tỷ USD cho ngành công nghiệp hàng không toàn cầu trong vòng 8 năm tới.

Là một trong những nước phản ứng gay gắt nhất, Trung Quốc cho rằng, ngành hàng không nước này sẽ phải trả thêm khoảng 800 triệu nhân dân tệ (125 triệu USD) mỗi năm cho các chuyến bay cất cánh hoặc hạ cánh ở châu Âu và chi phí này sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2020. Gây áp lực đòi EU huỷ bỏ ETS, Trung Quốc đang từ chối hoàn thành đơn đặt hàng mua 45 máy bay Airbus A330 trị giá lên đến 12 tỷ USD. 

Hiện ICAO đang nỗ lực tìm kiếm các thoả thuận giữa các nước cũng như hãng hàng không vào cuối năm nay để có thể phê chuẩn thành lập thị trường khí thải hàng không toàn cầu vào tháng 9-2013. Cũng theo thoả thuận này, Ngân hàng Thế giới (WB) có thể đứng ra quản lý thị trường khí thải toàn cầu nhằm tránh nguy cơ một cuộc chiến tranh thương mại về hàng không.