Cùng thi đua yêu nước: "Khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt"

ANTĐ - Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đã khai mạc trọng thể sáng nay (7-12) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. Phát biểu khai mạc Đại hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức, cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt.

Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể đại biểu thực hiện nghi lễ chào cờ tại phiên khai mạc

Tới dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương.

Đặc biệt dự Đại hội có 1.800 đại biểu chính thức, với 167 đại biểu là đại diện tập thể và các cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”; 101 đại biểu là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.394 đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…

Cùng thi đua yêu nước: "Khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt" ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương phát biểu khai mạc đại hội

Nhiều kết quả thiết thực

Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020 do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương trình bày tại Đại hội khẳng định, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII đến nay, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng trong cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong lĩnh vực kinh tế, thi đua đã góp phần tích cực vào giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm soát lạm phát, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Phong trào thi đua trong lĩnh vực văn hóa, xã hội đã thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện đời sống nhân dân. Phong trào thi đua trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tư pháp và đối ngoại đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền quốc gia, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đã góp phần quan trọng vào tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” tạo động lực mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, được người dân đồng tình hưởng ứng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2011-2015, huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, tạo bước chuyển biến trong các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương…

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương trình bày Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2011-2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020

Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra những bài học kinh nghiệm lớn để công tác thi đua khen thưởng thật sự có hiệu quả hơn nữa. Theo đó, công tác thi đua, khen thưởng phải thường xuyên được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, có sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Phải kiên trì và thực hiện tốt phương châm “cả hệ thống chính trị làm công tác thi đua, khen thưởng”; Việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước phải gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực và sức mạnh tổng hợp trong tổ chức thực hiện. Các phong trào thi đua phải có chủ đề, nội dung tiêu chí cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm của mỗi cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, công tác thi đua khen thưởng phải luôn coi trọng công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn, gắn công tác tuyên truyền với nêu gương, giao lưu, trao đổi, học tập, nhân điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực của đời sống; Khen thưởng phải chính xác, công khai, công bằng, kịp thời; quan tâm tới việc hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng…

Tiết mục văn nghệ chào mừng đại hội

Khắc phục khó khăn, đẩy mạnh thi đua yêu nước

Phát biểu khai mạc Đại hội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương nhiệt liệt chào mừng 1.800 đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chiến sĩ thi đua toàn quốc, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, vùng, miền, dân tộc, tôn giáo, lực lượng vũ trang được đại hội thi đua yêu nước các cấp tôn vinh, lựa chọn và đại diện các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao, đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài về dự Đại hội lần này.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh đại hội là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; là nơi hội tụ, biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, gương điển hình tiên tiến, những nhân tố tiêu biểu, xuất sắc nhất trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tạo động lực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế. Kinh tế-xã hội nước ta đã đạt được những thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu.
Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện, nguồn nhân lực và khoa học công nghệ có bước phát triển; đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng, chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện. Sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng lên; phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được kết quả tích cực; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm; phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; cải cách hành chính có bước tiến bộ; quốc phòng, an ninh được tăng cường; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; chính trị, xã hội ổn định. Vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên tạo thêm điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cùng nhau đẩy mạnh thi đua yêu nước thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.