Cử tri Hà Nội đề nghị nghiên cứu điều chỉnh sách giáo khoa, quản lý việc dạy thêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gửi kiến nghị tới Quốc hội, nhiều cử tri Thủ đô đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp, hay đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại một cuộc tiếp xúc cử tri
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại một cuộc tiếp xúc cử tri

Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Hà Nội vừa có báo cáo tổng hợp 48 nhóm kiến nghị trọng tâm của cử tri Thủ đô gửi tới kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XV. Kỳ họp này sẽ khai mạc vào ngày mai, 23-10.

Theo đó, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm mức thuế thu nhập đối với Quỹ tín dụng Nhân dân từ 17% xuống 15%, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế.

Cử tri các huyện Quốc Oai, Thanh Oai cho rằng, việc quy định giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) từ 10% xuống 8% có thời hạn 6 tháng (kể từ ngày 1/7/2023 đến ngày 31/12/2023) theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ chưa thuận lợi trong việc kê khai thuế.

Do đó, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng cho các doanh nghiệp theo kỳ hạn tối thiểu là 12 tháng.

Cùng đó, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng quan tâm đến nhà ở cho công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp và chế xuất tại các thành phố lớn có đông công nhân ngoại tỉnh về làm việc.

Nhiều cử tri kiến nghị xem xét, sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế theo hướng người mua bảo hiểm y tế đủ 5 năm trở lên (thay vì quy định 5 năm liên tục) được hưởng 100% mức chi trả bảo hiểm y tế.

Cử tri Thủ đô đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng giảm tuổi nghỉ hưu đối với công nhân, người lao động trực tiếp làm việc tại một số lĩnh vực để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đáng chú ý, cử tri cũng đề nghị xem xét, sửa đổi các luật liên quan để điều chỉnh giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non cho phù hợp.

Vẫn liên quan đến giáo dục, tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng nghiên cứu phương án chuyển đổi cơ sở vật chất, nguồn lực của các trường đại học, cao đẳng sau khi di dời để xây dựng các trường phổ thông công lập, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập trên địa bàn thành phố.

Cử tri huyện Thanh Oai kiến nghị di chuyển một số trường đại học về huyện Thanh Oai. Cử tri huyện Thạch Thất thì mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch, bố trí kinh phí để tiếp tục giải phóng mặt bằng diện tích còn lại của Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhiều cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét, nghiên cứu điều chỉnh sách giáo khoa cho phù hợp; nghiên cứu lựa chọn kỹ lưỡng đội ngũ biên soạn sách giáo khoa và ban hành thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.

Đồng thời, cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm; đề xuất Chính phủ trình Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Đầu tư để đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để nâng cao tính cạnh tranh, tạo điều kiện cho học sinh chọn được nơi mình thích học, kiến thức mình cần bổ sung.

Cử tri huyện Mê Linh đề nghị Bộ GD&ĐT sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về công tác sử dụng cơ sở vật chất trường học và công tác thu - chi trong dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm...

Ngoài ra, cử tri Hà Nội đề nghị Chính phủ có chế tài và biện pháp quản lý mạnh hơn nữa để ngăn chặn kịp thời tình trạng lừa đảo trên không gian mạng; đề nghị Bộ Công an có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tội phạm công nghệ cao và các hình thức đánh bạc qua mạng…