Công việc cao cả
(ANTĐ) - Men theo con đường thôn Miêu Nha, xã Tây Mỗ, Từ Liêm một ngày ảm đạm, chúng tôi tìm đến Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong căn phòng đặc biệt dành riêng cho trẻ sơ sinh, những đứa trẻ bị mẹ chúng bỏ rơi đang được các “mẹ” ở đây mớm từng thìa sữa, thìa bột một cách nhẫn nại.
Có đứa đang khóc ngằn ngặt vì chưa đến lượt ăn, đứa lại đang thiêm thiếp ngủ ngon lành trong vòng tay che chở của các bà, các chị - những người “mẹ nuôi” của chúng.
Tấm lòng người mẹ
Chị Nguyễn Thị Thu Loan - một trong 8 người mẹ được giao nhiệm vụ chăm sóc trẻ sơ sinh bị bở rơi chỉ cho chúng tôi bé Hoàng Thái Dương, 14 tháng tuổi đang vừa khóc vừa đập đồ chơi trong chiếc cũi: “Các anh nhìn xem, bé đang đòi ăn đấy. Đến bữa mà không kịp cho chúng ăn là la toáng lên. Thật tội nghiệp…”. Nhìn những đứa trẻ đang được “mẹ” chúng cho ăn, tôi thực sự cảm thông với những người đang làm cái công việc thầm lặng mà thật cao cả này. Ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc trung tâm cho biết ở TTBTXH 3 có trên năm chục cán bộ công nhân viên thì đã có tới 8 người được bố trí chăm sóc, nuôi dưỡng các bé sơ sinh như thế.
Làm việc ở các trung tâm bảo trợ xã hội đã vất vả, nhưng làm cái công việc làm mẹ nuôi, thay người mẹ đẻ của những đứa nhỏ, rồi chăm sóc chúng từ khi mới lọt lòng thì quả không đơn giản chút nào. “Hầu hết các mẹ ở đây đều đã có gia đình” - Chị Nguyễn Thị Chi, một trong những người mẹ của trung tâm cho hay đó chính là một trong những tiêu chuẩn để được vào đây làm công việc đầy tính nhân đạo này. Cũng bởi chỉ những người đã có gia đình, có con nhỏ mới hiểu chúng đang cần gì, và có kinh nghiệm hơn trong việc chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là đối với những trẻ bị bỏ rơi trong hoàn cảnh bị thiếu tháng, suy dinh dưỡng.
Mà hầu hết những đứa trẻ bị mẹ chúng bỏ rơi, phải vào trung tâm đều là do đẻ thiếu tháng. Những hôm trở trời, những lúc đói ăn, chúng quấy khóc ầm ĩ. Vậy mà những người mẹ ở đây vẫn kiên nhẫn chăm sóc cho chúng, trong khi đứa con do mình dứt ruột đẻ ra thì phải đem gửi ông bà nội ngoại, phải ăn sữa ngoài. Cũng bởi thời gian làm việc tại trung tâm của các chị từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng ngày hôm sau, không có nhiều thời gian dành cho con đẻ của mình.
Mẹ đang ở đâu?
Ông Hoàng Anh Đức kể cho chúng tôi về một trường hợp độc nhất vô nhị từ khi trung tâm đón nhận các cháu nhỏ sơ sinh đến nay. Đó là trường hợp cháu Bùi H.A, bị người mẹ bỏ rơi ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau khi nhận được tin báo, trung tâm đã đưa cháu H.A về nuôi. Rồi căn cứ theo địa chỉ mà người phụ nữ để lại tại bệnh viện, trung tâm đã lần về Hải Phòng xác minh nhân thân của mẹ cháu.
Đồng chí Trưởng công an xã đã xác nhận là ở xã không ai có tên như thế. Nhưng sau đó chừng 3 tháng, trung tâm lại nhận được một lá đơn của chính người mẹ trẻ ấy với cái tên khác, được chính đồng chí Trưởng CA xã xác nhận hẳn hoi, xin được nhận lại con. Tại trung tâm, người mẹ mới 21 tuổi ấy trình bày rằng do phải sinh con một mình, lại sinh thiếu tháng nên đứa trẻ phải nuôi trong lồng kính. Thấy tiền viện phí hết nhiều quá, chị ta đã để đứa nhỏ lại và trốn mất! Cũng may TTBTXH 3 che chở cho cháu, nuôi dưỡng cháu. Ngày nhận con về, người mẹ trẻ cùng bà ngoại của H.A khóc rưng rức...
TTBTXH 3 thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được thành lập từ năm 1992. Nhiệm vụ của trung tâm là nuôi dưỡng những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Thế nhưng, từ năm 2003, trung tâm lại có thêm một nhiệm vụ mới là tiếp nhận nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa và đặc biệt là những đứa trẻ bị bố mẹ chúng bỏ rơi khi mới lọt lòng. Có thể nói, đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng là trách nhiệm thật cao cả của CBCNV trung tâm. Không phải ai vào đây cũng có đủ lòng kiên nhẫn, đủ tâm để làm “Mẹ” của hàng chục đứa con không phải ruột rà, thân thích.
Nhân thực hiện bài viết này, chúng tôi tìm kiếm thông thông tin, và không khỏi giật mình khi có rất nhiều địa chỉ nuôi dạy trẻ em đặc biệt, trẻ em bị khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa trên địa bàn Hà Nội cần sự hỗ trợ cứu giúp như Trường nuôi dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì, Nhà nuôi Hữu nghị III, quận Hai Bà Trưng, Trung tâm Bảo trợ xã hội số 1, 3 và 4… Xã hội đang có nhiều gánh nặng cần được san sẻ, và các cháu bé ở TTBTXH 3 nói riêng và các địa chỉ khác nói chung đang rất cần thêm nữa những bàn tay nhân ái đến với chúng. Còn những người mẹ đang tâm bỏ rơi con mình kia, họ không chỉ làm tăng gánh nặng cho xã hội mà còn phải lên án để những đứa trẻ vô tội không được sống trong vòng tay thương yêu của những người mẹ đích thực đã sinh ra chúng.
Hải Ngọc