Còng vẫn phải cõng

ANTĐ - Trong các môn thi đấu thể thao trên thế giới sao không có môn… cõng hoặc vác nhỉ?

- Chỉ có môn cử tạ, cử giật, cử đẩy là nặng nhọc nhất thôi. Sao bỗng dưng ông lại nghĩ đến cái môn khiến con người ta còng lưng, oằn vai, hạ thấp chiều cao, sức bật?

- Giá mà có cái môn thi ấy, chắc chắn dân ta sẽ độc chiếm toàn bộ huy chương vàng, bạc, đồng, không có đối thủ.

- Vẫn cứ cái giọng bỡn cợt, chọc ngoáy, chối tai. Có gì thì cứ nói toẹt ra đi.

- Cách đây mấy năm, một cuộc điều tra cho thấy, ngoài các khoản phí, lệ phí phải nộp theo quy định của Nhà nước, bà con nông dân còn phải “cõng” thêm 30 đến 50 khoản phí khác do địa phương tự đặt ra.

- “Đòn gánh tre chín rạn hai vai”, bà con quen gánh vác cả đời rồi, có chất thêm cũng phải cố nghiến răng mà chịu.

- Gánh nặng thuế, phí đó nay đã được chuyển sang vai bà con thành thị. Ở tổ dân phố, họ đến thu phí từng nhà. Thắc mắc kêu ca sao đóng nhiều thì được giải thích là “đóng góp tự nguyện”.

- Quá nhẹ so với những khoản “loạn phí” như viện phí, học phí, nhất là “lộ phí” sắp sửa phải è cổ ra mà gánh. Anh nào đi bốn bánh thì phải còng lưng “cõng” tới 7 loại phí và 3 loại thuế. Ấy là chưa kể còn 2 loại phí nữa “đánh” cả vào ô tô lẫn xe máy.

- Nghe giải thích mà khó lọt tai. Tăng các loại phí là có thêm tiền để tăng chất lượng dịch vụ tốt hơn, đường sá tốt hơn mọi thứ tốt hơn. Thử hỏi rồi có tốt hơn không hay đâu vẫn đóng đấy mà dân thì phải bóp mồm bóp miệng chi các khoản phí.

- Thế cho nên tôi mới nói nếu có môn thi cõng hoặc vác, chắc chắn người Việt Nam sẽ vô địch tuyệt đối. Còng lưng gập sát đất mà vẫn phải cõng.