“Chuyện lạ” ở Sơn Động (Bắc Giang):
Công ty Lâm nghiệp chặt phá rừng…!
(ANTĐ) - Chuyện lạ lùng ở Sơn Động, Bắc Giang, phá gần trăm hécta rừng tự nhiên để trồng rừng tái sinh. Những cây gỗ tự nhiên giá trị, to có, bé có, tầng rừng đang độ khép kín tán, vậy mà trong chốc lát nó đã bị con người tàn phá, đốt trơ trụi để trồng những cây keo gỗ tạp ẽo uột.
>>>Video: Công ty Lâm nghiệp chặt phá rừng…!
Gây rừng hàng trăm năm để phá trong vài giờ
Từ tháng 6 đến nay khoảng 70ha rừng tự nhiên ở huyện Sơn Động, Bắc Giang bị chặt phá, thiêu đốt trơ trụi. Đây là vùng rừng thuộc dải phía Tây Yên Tử nằm trong vùng quản lý của Công ty Lâm nghiệp Sơn Động.
Nói về giá trị lâm nghiệp thì đây là khu rừng còn rất ít loài gỗ quý, bởi nó đã bị khai thác từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, xét về vấn đề môi trường thì đây là khu rừng quan trọng trong việc bảo vệ đồi núi trọc, chống xói mòn hiệu quả.
Nằm trong dải diện tích rừng thiên nhiên quan trọng, cần được bảo vệ nên rừng ở Sơn Động còn khá nhiều gỗ nhóm 2,3. Đã 30-40 năm qua, Nhà nước đã chi ngân sách vào việc bảo vệ rừng Sơn Động là không hề nhỏ.
Số rừng bị chặt phá nói trên thuộc địa bàn các xã Bồng Am và Tuấn Đạo của huyện Sơn Động. Đây là khu rừng tự nhiên loại 1 được nuôi gây và bảo vệ nghiêm ngặt. Các loài cây tự nhiên và hệ sinh thái đa dạng đang dần hình thành trở lại.
Hầu hết các tầng rừng đã khép kín với nhiều loại gỗ giá trị như chò, dẻ, dổi, lim… và nhiều loài thảo dược quý hiếm. Trước đây, khu rừng tự nhiên này vẫn được bà con địa phương bảo vệ một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, khoảng từ tháng 6 đến nay, tình trạng chặt phá rừng tự nhiên lấy gỗ, đốt nương diễn ra một cách công khai, ồ ạt.
Vào thời điểm phóng viên ANTĐ có mặt tại khu rừng Bồng Am và Tuấn Đạo, tình trạng chặt phá đã tạm yên ắng trở lại sau những nỗ lực của lực lượng kiểm lâm, công an và chính quyền huyện Sơn Động.
Trước mặt là những triền núi chạy dài vô tận đã bị đốt cháy, dưới chân là những cây keo ẽo uột mới được trồng đang phất phơ lá vàng úa, bên cạnh là những gốc cây gỗ mới bị đốn hạ đang rỉ nhựa đỏ như máu.
Những thân cây gỗ to, nhỏ đều đã bị chặt hạ mang đi, chỉ còn trơ lại tua tủa những gốc cây bị cháy đen thui đứng trơ giữa núi đồi đất trọc. Nhiều người dân vi phạm không ngại ngùng, khi được hỏi, họ đều thừa nhận rằng, “ở đây tìm người không chặt phá rừng mới khó chứ tìm người chặt phá rừng thì cả làng, cả xã đều tham gia”.
Ông Nguyễn Đình Họp - Trưởng thôn Tuấn Bảo, xã Tuấn Đạo, thừa nhận: “Tôi biết đó là vi phạm, nhưng người dân nghe tin đồn, phá rừng tự nhiên trồng keo kinh tế hơn. Thế là họ ồ ạt đi chặt phá, đốt rồi mua keo của công ty lâm nghiệp về trồng”.
Chủ rừng đi phá rừng
Cái gốc của việc gần trăm hecta rừng bị tàn phá một cách công khai và ồ ạt ở Sơn Động, một phần là do chính chủ rừng gây nên - Công ty Lâm nghiệp Sơn Động. Việc tự do chặt phá rừng của công ty diễn ra đã làm cho người dân theo đó chặt phá lấy đất trồng rừng. Đây là nguyên nhân dẫn đến gần trăm hecta rừng tự nhiên bị thiêu rụi trong thời gian ngắn.
Những cây keo èo uột thế chỗ cho những cây lâu năm |
Trong báo cáo tình hình của Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động ghi rõ: “Năng lực quản lý, bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp còn hạn chế, chưa có giải pháp gắn với quyền lợi của người dân sống ven rừng”. Tuy nhiên, việc người dân vi phạm đã bị cơ quan chức năng huyện Sơn Động xử lý nghiêm khắc.
Song, cần phải nói rõ nguyên nhân nữa. Những người dân ở đây chủ yếu sinh sống từ những năm 1980, nhưng mỗi hộ gia đình chỉ được nhiều nhất là 5 sào Bắc bộ tổng diện tích nhà cửa vườn tược... Hầu hết trước kia họ đều là công nhân của Lâm trường Sơn Động (bây giờ là Công ty Lâm nghiệp Sơn Động). Ngần ấy đất đối với nhà nông sẽ rất khó xoay xở.
Trao đổi với phóng viên ANTĐ ông Vũ Văn Thắng - Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Động trả lời rằng: “Đó là khu rừng thuộc chúng tôi quản lý, nằm trong diện cải tạo để trồng rừng mới”. Khi được hỏi có quyết định hay văn bản nào về việc cải tạo rừng không, thì ông Thắng nói rằng, tôi mới trình Bộ, đã được Bộ đồng ý những chưa có văn bản hướng dẫn. Lý giải của ông Thắng thật khó chấp nhận.
Theo ông Từ Quốc Huy - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động: “Để có được tầng rừng khép tán kín như thế phải mất khoảng 30-40 năm đối với rừng gây tự nhiên. Còn rừng trồng mới lại thì mãi mãi sẽ không bao giờ đầy đủ thảm thực vật như nó đã có”.
Cũng theo ông Từ Quốc Huy, vụ việc này, nếu chiếu theo Nghị định của Chính phủ số 159/CP ngày 30-7-2007 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và lâm sản thì Công ty Lâm nghiệp Sơn Động đã vi phạm và cần bị xử lý. Điều 3 của Nghị định này đã ghi rõ: Cá nhân hay tổ chức vi phạm quy định về bảo vệ lâm sản đều bị xử lý”. Vụ việc này thì sao, thưa ông? “Chúng tôi chỉ được phép xử phạt từ 7ha trở lại, tương đương 7 triệu đồng, còn lớn hơn phải chuyển UBND huyện Sơn Động xin ý kiến. Chúng tôi đã gửi báo cáo UBND huyện”. Dư luận đang chờ câu trả lời việc xử lý thế nào đối với những vi phạm về thực trạng phá rừng tự nhiên một cách nghiêm trọng như ở Sơn Động.
Đức Tuấn - Minh Quân