Công trình xuống cấp… giá đền bù “trên trời”

ANTĐ - Gần 10 năm hầu như không hoạt động, mà cho một cá nhân thuê sử dụng vào mục đích kinh doanh. Khi Nhà nước thu hồi đất, giá đề bù công trình Trung tâm sinh hoạt thanh thiếu nhi (TTN) xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (Phú Yên) được “đẩy” lên hơn gấp hai lần so với giá trị thực tế khiến người dân bức xúc.

Công trình kém hiệu quả

Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho thanh thiếu nhi, tháng 10/2001, Đảng ủy và UBND xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa (Phú Yên) đồng ý cho Xã Đoàn Hòa Thịnh xây dựng Trung tâm sinh hoạt TTN trên đất do xã quản lý. Theo ông Tạ Tấn Công, nguyên Bí thư Xã Đoàn Hòa Thịnh, do không huy động được vốn nên phải đến năm 2003, trong dịp tổ chức hội trại, Tỉnh Đoàn Phú Yên kêu gọi tuổi trẻ miền Trung-Tây Nguyên đóng góp được 30 triệu đồng để xây dựng Trung tâm sinh hoạt TTN. Trên cơ sở đó, ngày 13/3/2013, Xã Đoàn Hòa Thịnh làm tờ trình xin quản lý sử dụng đất để xây dựng công trình trên diện tích hơn 2.095m2 trong khu vực Nhà hát và được UBND xã chấp thuận.

Ngày 8/4/2003, Tỉnh Đoàn Phú Yên cho phép Xã Đoàn Hòa Thịnh xây dựng Trung tâm sinh hoạt TTN bằng nguồn kinh phí vận động được. Đến ngày 24/4/2003 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng với các hạng mục, nâng cấp mặt bằng, một nhà cấp 4 có diện tích 26m2, cổng trung tâm và bảng tên, mái vòm diện tích 40m2, gạch thẻ lát nền. Số tiền còn lại, Xã Đoàn dùng để mua sắm một cây đàn ghita điện và một số phụ kiện.

Theo bản tường trình ngày 28/5/2012 của ông Tạ Tấn Công gửi Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tây Hòa, tổng kinh phí xây dựng công trình gần 41 triệu đồng, vượt gần 11 triệu đồng so với dự toán. Nguyên nhân là do xây thêm các hạng mục phát sinh như lát gạch thẻ sân ngoài, trang trí, quét vôi tường rào và chi khác. Toàn bộ số tiền phát sinh, ông Công tự lo liệu. Đến ngày 8/5/2003, Ban chấp hành Xã Đoàn Hòa Thịnh thống nhất giao Trung tâm sinh hoạt TNT cho Ban Thường vụ Xã Đoàn quản lý. Tuy nhiên, không hiểu sao chỉ hơn một tháng sau, Xã Đoàn lại ký hợp đồng giao cho cá nhân ông Công quản lý, nộp phí 100.000 đồng/tháng (?!).

Suốt thời gian gần 10 năm kể từ khi hoàn thành, thay vì thường xuyên tổ chức các hoạt động, như trại sáng tác trẻ, đọc sách, bóng bàn, cờ vua, hay lồng ghép công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên thanh niên… theo yêu cầu đề ra, thì Trung tâm sinh hoạt TNT lại trở thành nơi sinh hoạt gia đình, phục vụ kinh doanh, buôn bán cá nhân.  

Nâng cấp để...bán cà phê

Theo ông Tạ Tấn Công, để đáp ứng đủ điều kiện tổ chức các hoạt động theo mô hình Trung tâm sinh hoạt TTN huyện Tây Hòa, ngày 18/6/2003 đã làm đơn xin được phép xây dựng công trình phụ và phòng hát karaoke liền kề phía sau Trung tâm sinh hoạt TNT và được UBND xã chấp thuận.

Điều đáng nói là trước đó một ngày (17/6/2003), đại diện bên A gồm các ông Lê Thanh Quang (Phó Bí thư), Phạm Ngọc Lâm (Ban Thường vụ Xã Đoàn) và bên B là ông Tạ Tấn Công, với chức danh Bí thư Xã Đoàn, đã ký bản hợp đồng quản lý, sử dụng Trung tâm sinh hoạt TTN, nội dung ghi rõ: “Do kinh phí đầu tư của Tỉnh Đoàn có hạn, để đủ điều kiện đi vào hoạt động, đồng chí Tạ Tấn Công phải tự đầu tư hệ thống điện thắp sáng, bàn ghế, các công trình phụ, phòng hát karaoke… trên phạm vi đất được UBND xã giao quản lý. Mọi hoạt động diễn ra tại Trung tâm sinh hoạt TTN phải đảm bảo văn minh, không vi phạm pháp luật, thu hút được thanh niên. Mỗi năm, ông Công phải nộp cho Xã Đoàn 1.200.000 đồng”.

Công trình phụ và phòng hát karaoke của ông Công được xây liền kề nhà
Trung tâm sinh hoạt TTN xã Hòa Thịnh, hiện đã xuống cấp

Điều này cho thấy, trước khi xin phép UBND xã phê duyệt xây dựng công trình phụ và phòng hát karaoke, Xã Đoàn Hòa Thịnh đã “mở cửa” để ông Công với tư cách Bí thư Xã Đoàn thực hiện “ý đồ” cá nhân lâu dài theo yêu cầu của Xã Đoàn: “Đồng chí Tạ Tấn Công phải tự xây dựng...”. Và ngay sau đó, ông Công đã triển khai xây dựng mới một công trình phụ (bếp) rộng 26m2, một phòng hát karaoke rộng 20m2, tổng chi phí hơn 40 triệu đồng.

Dư luận bất bình là sau gần 10 năm xây dựng, các công trình phụ, phòng hát karaoke và nhà Trung tâm sinh hoạt TTN xã Hòa Thịnh gần như không hoạt động theo mục đích yêu cầu đề ra, mà chỉ dụng vào mục đích kinh doanh cá nhân. Ông Phạm Chủng (80 tuổi, trú ở thôn Mỹ Xuân 1, xã Hòa Thịnh) bức xúc, từ khi công trình hoàn thành đến nay, hoạt động đoàn gần như không được tổ chức tại đây. Trong khi nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của thanh thiếu niên địa phương vô cùng cần thiết, mà công trình thanh thiếu nên khó khăn lắm mới vận động xây dựng được, chỉ để phục vụ cho một cá nhân tổ chức bán cà phê, mở dịch vụ karaoke, gây lãng phí, bất bình trong nhân dân.

Đền bù trên trời

Để phục vụ dựa án Khu di tích lịch sử Đồng Khởi, xã Hòa Thịnh (đợt 2) theo đề nghị của Trưởng Phòng TN-MT huyện tại tờ trình số 44 ngày 30/3/2012, cùng ngày UBND huyện Tây Hòa cũng đã ra Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (?). Theo đó, ông Tạ Tấn Công được bồi thường tổng cộng hơn 145 triệu đồng, trong đó phòng karaoke (20m2) gần 45 triệu đồng, công trình phụ nhà cấp 4 (26m2) gần 56 triệu đồng... Các khoản hỗ trợ lắp dây điện, hộp công tắc điện, lắp đèn ống và đèn khác cũng được hỗ trợ từ 255.000-635.000 đồng. Riêng căn nhà của Xã Đoàn (24m2) được đền bù 66.380.000 đồng.

Trả lời báo giới, ông Công thừa nhận, giá đền bù nhà cửa, tài sản của cá nhân là khá cao so với giá trị thực tế. Theo ông Công, 25 cây bàng và 3 cây bằng lăng của gia đình cũng được Nhà nước được đền bù với giá 919.000 đồng. Số tiền này ông đã “hỗ trợ” cho Xã Đoàn để làm quỹ. Chuyện lạ là toàn bộ nhà cửa, vật kiến trúc trong Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Tây Hòa hoàn toàn trùng khớp đến từng cm về diện tích và số lượng tài sản so với biên bản xác định tài sản liên quan đến giải phóng mặt bằng ngày 13/12/2011 của Xã Đoàn Hòa Thịnh và ông Tạ Tấn Công?.

Điều dư luận quan tâm ở đây là phần nhà cửa, tài sản của cá nhân ông Công có nằm trong diện đền bù theo quy định của nhà nước?. Mặt khác, nhà cửa và vật kiến trúc của ông Công đã qua sử dụng gần 10 năm, hiện đã xuống cấp, mà sao lại được đền bù với giá cao ngất ngưởng, gấp hơn 2 lần so với giá trị ban đầu?.

Ông Nguyễn Thắng Cảnh, trú ở thôn Phú Hữa, cựu chiến binh xã Hòa Thịnh cho biết: “Trong tháng 6/2012, tôi đã làm đơn gửi Đảng ủy xã, yêu cầu làm rõ việc đền bù, hỗ trợ nhà Trung tâm sinh hoạt TTN và cá nhân ông Công. Tuy nhiên, cũng chỉ nhận được câu trả lời… chờ kết luận của Huyện ủy”.

Vụ việc gây bất bình trong nhân dân nhiều năm qua, nhưng theo ông Lê Minh Quang, Phó Chủ tịch HĐND xã Hòa Thịnh, huyện Phú Hòa, HĐND xã chưa hề tiếp nhận đơn, hay ý kiến phản ánh của cử tri về vấn đề này. Ông Quang cho biết thêm, ngày 29/6 vừa qua, trong cuộc họp sơ kết 6 tháng của Đảng ủy xã, một số cán bộ, đảng viên có ý kiến thắc mắc xoay quanh vấn đề sử dụng, đền bù, hỗ trợ Trung tâm sinh hoạt TNT, nhưng người chủ trì cũng chỉ trả lời… chờ kết luận của Huyện ủy.