Công tác đền bù dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa: Chậm vì thiếu… công bằng?

ANTĐ - Kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM dòng nước xoáy, nước chảy rất mạnh, nguy cơ sạt lở rất cao bao năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân trong khu vực. Dự án chống sạt lở bờ kênh được triển khai từ năm 2006 nhưng do mật độ nhà cửa của dân san sát bờ sông, khối lượng nhà cần giải tỏa quá nhiều nên dự án đã kéo dài đến tận bây giờ vẫn chưa hoàn thành.

Dân chưa chịu bàn giao

Công trình xây dựng với kỹ thuật ứng dụng kè mái nghiêng trên nền cọc bê tông cùng các hạng mục phụ trợ: cửa thoát nước, các bậc lên xuống, đường đi bộ và hệ thống chiếu sáng... với 7 tiểu dự án, tổng vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên ngoài công trình gói thầu 1.1 dài 478m được khánh thành, các đoạn bờ kênh khác chưa tiến triển, đơn vị thi công tập trung máy móc dọc theo đường Tầm Vu, nhưng không… hoạt động, kè được đổ từng đoạn nhỏ và khi thủy triều lên, hàng trăm hộ dân trong bán đảo Thanh Đa - Bình Quới vẫn phải sống chung với cảnh nước dâng ngập đường.

Ông Trần Văn Giàu, Phó giám đốc khu Đường sông TP.HCM cho hay, các gói thầu nhìn chung đã hoàn thành thiết kế thi công nhưng khó thực hiện bởi những vướng mắc từ khâu đền bù, GPMB với dân. Ngay cầu Kinh Thanh Đa - cây cầu độc đạo nối thành phố với ốc đảo Thanh Đa được triển khai thi công từ đầu năm 2011 song vẫn còn nhiều hộ dân chưa chịu bàn giao mặc bằng mặc dù phần lớn các hộ dân đều thừa nhận tính quan trọng của dự án.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, dự án được phê duyệt đã 6 năm song phương án đền bù vẫn có nhiều vấn đề không rõ ràng, việc áp mức bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng không thống nhất, nhất là ở dự án chống sạt lở bờ kênh Thanh Đa đoạn 1.4, phường 27, quận Bình Thạnh.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quang, Phó Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Bình Thạnh thông tin: Dự án chống sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4 thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng cho các hộ dân trong ranh giới giải tỏa, cụ thể việc xác định các loại đất, thời điểm sử dụng đất, thời điểm thay đổi mục đích sử dụng đất, thời điểm tạo lập nhà, công trình để làm căn cứ tính bồi thường, hỗ trợ về đất, UBND quận Bình Thạnh dựa vào: Tài liệu 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 1982 - 1984; bản đồ địa chính quy đo vẽ năm 2002; các tài liệu lưu trữ, xác minh của phòng TN-MT quận, UBND phường 27 và các giấy tờ do hộ dân cung cấp.

Cần đảm bảo quyền lợi của dân

Tuy nhiên như luật sư Phạm Minh Trí, Công ty luật Trí Phạm, vướng mắc trong việc đền bù là việc UBND các phường trong bán đảo Thanh Đa đã không hướng dẫn người dân trong việc kê khai. Nhiều hộ dân “tố”, họ phải chấp nhận… chung chi, cán bộ phường mới chỉ cách khai để nâng mức được đền bù GPMB. Luật sư Nguyễn Văn Trận, Công ty luật Phú Thọ thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng:

Theo quy định của Luật Đất đai về chế độ bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi thực hiện các dự án công trình công cộng, nhà đất của người dân được sử dụng ổn định trước ngày 15-10-1993 không tranh chấp và có nghĩa vụ đóng thuế hàng năm cho Nhà nước, khi thu hồi sẽ được bồi thường 100% đơn giá đất theo quy định. Do đó, việc chính quyền địa phương giải thích đất người dân không có tờ khai 299/TTg nên không được hưởng bồi thường 100% là không hợp tình, hợp lý vì tờ khai 299/TTg chỉ là một trong những cơ sở để xác định thời điểm nhà đất của người dân. Trong khi đó, các trường hợp nhà dân ở dự án sạt lở kênh Thanh Đa đoạn 1.4 có nguồn gốc đất tạo lập trước 15-10-1993, có tờ kê khai nhà đất năm 1999, sử dụng ổn định trong thời gian dài, nhất là có giấy xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng… là đủ điều kiện để được hưởng chế độ bồi thường theo quy định.

Để hạn chế hiện tượng sạt lở đất tại phường 25, 28, 26 và 27 quận Bình Thạnh, đoạn từ hạ lưu cầu Kinh đến cầu Bình Triệu; cải tạo đường Tầm Vu, các đường số quanh cư xá Thanh Đa… UBND TP.HCM giao Sở GTVT chỉ đạo khu Đường sông đẩy nhanh tiến độ dự án chống sạt lở bờ kênh và bán đảo Thanh Đa, kiên quyết ngăn chặn nạn khai thác cát trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng dòng chảy, gây sạt lở đất khu vực thi công dự án cũng như chất lượng các đoạn kè đã hoàn thành. Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo UBND quận Bình Thạnh xuống các phường hỗ trợ người dân các thủ tục cần thiết đảm bảo quyền lợi khi GPMB, tránh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dân, ảnh hưởng lớn đến công tác bảo vệ tính mạng và tài sản của dân, các công trình xây dựng tuyến bờ kè sông Sài Gòn.