”Công nghệ” đẻ thuê: ”Săn” trứng của nữ sinh thông minh, xinh đẹp

ANTĐ - “Những cô gái chúng tôi tìm kiếm đều khoảng 20 tuổi, đó là độ tuổi lý tưởng để trứng có chất lượng tốt nhất” – một người làm nghề môi giới đẻ thuê ở Trung Quốc tự tin giới thiệu về dịch vụ của họ. 

”Công nghệ” đẻ thuê: ”Săn” trứng của nữ sinh thông minh, xinh đẹp ảnh 1

Trứng của thiếu nữ xinh đẹp, thông minh đắt khách

Mới đây, truyền thông Trung Quốc đã phơi bày chân tướng của tình trạng đẻ thuê phi pháp đang diễn ra tràn lan tại nước này. Tại một công ty môi giới đẻ thuê ở thành phố Thượng Hải, một phụ nữ họ Trương thuộc phòng dịch vụ khách hàng nói rằng công ty đang tìm kiếm những phụ nữ trẻ, đẹp, trí tuệ cao để hiến trứng. Theo lời cô này, phần lớn khách hàng yêu cầu người hiến trứng phải có chiều cao trên 1m6 và da trắng. Mỗi người hiến trứng sẽ nhận khoản thù lao từ 6.000 tới 8.000NDT, gọi là “phụ cấp dinh dưỡng”. 

Theo một “cò” môi giới đẻ thuê khác, hiện nay, đẻ thuê không đơn giản là “nhờ”một phụ nữ mang thai hộ, đa số khách hàng muốn tự tuyển chọn trứng từ những phụ nữ mà họ cho là khỏe mạnh và thông minh. Người môi giới đẻ thuê thường tìm kiếm những phụ nữ muốn bán trứng ở độ tuổi 20, có cô đang đi làm, có cô đang học đại học, thậm chí có cả những nữ sinh học THPT. 

Do số lượng phụ nữ muốn bán trứng nhiều nên người làm trung gian trong hoạt động đẻ thuê đã thông qua internet gửi cho khách hàng hình ảnh và thông tin của những cô gái ứng tuyển. Sau khi khách hàng chọn, họ mới hẹn trực tiếp người muốn bán trứng. Thông tin về người bán trứng bao gồm: trình độ học vấn, hoàn cảnh gia đình, chiều cao, cân nặng, màu da, nhóm máu, thậm chí cả chu kỳ kinh nguyệt. 

Nguy hại sức khỏe khôn lường

Vì nhiều lý do, các cô gái trẻ không ngần ngại rao bán trứng, trong khi những bà mẹ mang thai thuê thì không ngần ngại liên tục đẻ hộ. Theo lời cô Trương ở cơ sở môi giới đẻ thuê tại Thượng Hải, “việc hiến trứng không gây tổn hại cho sức khỏe, trong khi người hiến trứng sẽ giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Đây là sự hợp tác mà hai bên đều có lợi. Quá trình kiểm tra sức khỏe và lấy trứng sẽ diễn ra ở các bệnh viện công”. Tuy nhiên, thực tế, các giao dịch mua trứng tồn tại không ít rủi ro về sức khỏe. Theo chuyên gia y tế, người hiến trứng phải tiêm lượng lớn hóa chất, quá trình phẫu thuật lấy trứng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nếu thao tác có sai sót sẽ ảnh hưởng tới việc sinh đẻ sau này, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.

Do các bệnh viện chính quy ở Trung Quốc cấm đẻ thuê, nên những “cò” môi giới tìm đến các cơ sở y tế chui để thực hiện quá trình lấy trứng, thụ tinh, cấy ghép. Một phóng viên đã theo chân “cò” đến một phòng khám “ma” tại Quảng Châu. Phòng khám này không treo biển, người bác sĩ tự xưng đưa họ qua 2 lớp cửa, rồi mới vào đến gian phòng có thiết bị sơ sài để lấy trứng và thụ tinh. Để thu hút khách hàng, “cò” môi giới đẻ thuê còn “tung chiêu” quảng cáo “bảo đảm thành công, đảm bảo con trai – chỉ 1 triệu NDT”. Những bà mẹ đẻ thuê đa phần xuất thân từ gia đình nông thôn nghèo, họ không biết trước rằng, phôi thai mình mang sẽ bị cưỡng bức phá bỏ nếu như giới tính đứa trẻ không đúng như khách hàng mong muốn. Đứa trẻ là con gái thì chắc chắn sẽ phải bỏ, “sau đó sẽ thuê một phụ nữ khác để tiếp tục quá trình cấy ghép trứng thụ tinh. Có khách hàng làm 4 lần, lần thứ 5 mới được con trai”. Những người mẹ mang thai hộ được phía trung gian sắp xếp nơi ăn chốn ở trong thời gian mang thai. 

Cần tăng chế tài xử phạt

Một cơ sở trung gian trong nghề này cho biết, một năm họ làm dịch vụ cho hơn 200 trường hợp mang thai hộ. Nếu tất cả quy trình từ kiếm trứng, tìm người mang thai thuê, liên lạc với phòng khám “ma”… thuận lợi, mỗi hợp đồng sẽ “ăn” chênh lệch khoảng 400.00 NDT. 

Tại Trung Quốc, tỷ lệ người không thể sinh đẻ là 7-10%, vì nhu cầu cao nên “nghề” mang thai hộ khó bị cấm triệt để. Năm 2001, các cơ quan y tế của Trung Quốc đã thực hiện quy định về quản lý kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và quản lý kho tinh trùng của chính phủ. Theo quy định, cấm mọi hình thức mua bán tinh trùng, trứng, bào thai và nghiêm cấm mọi hành vi mang thai hộ. Tuy nhiên trong đó không giải thích rõ ràng cụm từ “mang thai hộ”, cũng không quy định rõ hình phạt đối với những trường hợp này. Chuyên gia Bạch Tinh của cơ quan quản lý kỹ thuật hỗ trợ sinh đẻ thuộc Trung tâm Kiểm soát dự phòng bệnh Trung Quốc cho biết, hiện trạng mang thai hộ phổ biến là do chế tài xử phạt chưa nghiêm khắc. Chẳng hạn, các cơ sở môi giới đẻ thuê công khai đăng quảng cáo trên internet hoặc thả tờ rơi trên phố, nhưng rất ít cơ quan chức năng giám sát.

Hoạt động đẻ thuê diễn ra tràn lan, thiếu sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên dẫn đến nhiều vụ án dân sự phức tạp. Năm 2012, Tòa án nhân dân thành phố Quảng Châu đã thụ lý một vụ tranh chấp quyền nuôi dưỡng một đứa trẻ được sinh ra theo hợp đồng đẻ thuê. Phía nam giới chối cãi quan hệ cha con với đứa bé và trốn tránh trách nhiệm. Theo ông Bạch Tinh, ngoài nâng chế tài xử phạt, cũng cần tăng cường tuyên truyền về rủi ro có thể gặp phải đối với những phụ nữ đang ở độ tuổi sinh đẻ - những đối tượng mà “ngành” đẻ thuê luôn săn tìm.