Công nghệ “đầu độc” người tiêu dùng
(ANTĐ) - Hàng loạt vụ thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, “đầu độc” người tiêu dùng được lực lượng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đưa ra ánh sáng thời gian qua. Đây chỉ phản ánh phần nào bức tranh muôn màu các vi phạm VSATTP hiện nay, song đã giúp người tiêu dùng Thủ đô thận trọng hơn khi lựa chọn, sử dụng thực phẩm.
“Đầu độc” bằng hóa chất
Ngay tại chợ đầu mối Long Biên - chợ thực phẩm sầm uất bậc nhất Thủ đô, lực lượng Cảnh sát môi trường đã lật tẩy một công nghệ chế biến cá mực hôi, thối. Để “làm mới” các sản phẩm này, một số tiểu thương ngang nhiên hòa oxy già công nghiệp nồng độ cao vào nước để ngâm cá mực. Hóa chất sẽ khiến bề mặt ngoài cá mực bị ăn mòn, “đánh bay” các mùi hôi, thối của những sản phẩm kém chất lượng, bốc mùi...
Vụ việc bị phơi bày trước dư luận khi lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra hoạt động kinh doanh, chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, điều kiện VSATTP tại khu kinh doanh hàng thuỷ sản tươi sống tại chợ Long Biên. Kiểm tra kho tại khu vực chế biến hải sản, trong kho đông lạnh có hệ thống máy quay tạo lực ly tâm làm trắng cá mực đang hoạt động. Theo đó, mực sau khi được sơ chế sẽ cho vào máy quay cùng lượng hóa chất nhất định. Sau quy trình “đánh bóng” này, mực sẽ mất mùi hôi thối, trắng phau và được đóng thùng xốp mang đi tiêu thụ.
Cảnh sát môi trường kiểm tra một doanh nghiệp vi phạm quy định VSATTP |
Kinh hoàng không kém là công nghệ chế biến tương ớt có Rhodamine B - chất gây ung thư. Vụ việc nghiêm trọng trên vừa được Đội 2.1 Phòng Cảnh sát môi trường phát hiện vào trung tuần tháng 11-2010. Quá trình kiểm tra Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Tuấn Thành, địa chỉ tại phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, cơ quan công an đã ngẫu nhiên lấy 4 mẫu tương ớt tại cơ sở này, gửi đến Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia phân tích chất lượng. Kết quả cho thấy, mẫu tương ớt này có chứa chất Rhodamine B - chất gây ung thư với hàm lượng 2,56mg/kg. Rhodamine B là hóa chất công nghiệp tạo màu, độc hại, không nằm trong danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm.
Biến thực phẩm “bốc mùi” thành đặc sản
Không sử dụng hoá chất, nhưng một số cá nhân, đơn vị kinh doanh thực phẩm lại chọn cách thu mua hàng ôi thiu, kém chất lượng về chế biến và bán lại cho người tiêu dùng. Nhắc đến “công nghệ” chế biến thực phẩm ôi thiu thành đặc sản, chắc hẳn nhiều người nhớ tới vụ hóa phép bì lợn “bốc mùi” để thành nguyên liệu chế biến bóng bì và nem chua. Vụ việc xảy ra tại cơ sở, chế biến bì lợn, mỡ lợn của bà Nguyễn Thị Lý (SN 1964) trú tại xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Quá trình kiểm tra cơ sở này, chúng tôi chứng kiến hàng đống bì lợn đang được sơ chế bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đại diện cơ sở cho biết, mỗi ngày họ tiêu thụ ra thị trường từ 5-6 tạ bì lợn. Bì sau sơ chế được phân ra làm 3 loại: loại 1 bán cho các cơ sở làm nem chua; loại 2 làm bóng bì và loại 3 làm keo dán gỗ. Theo bà Lý, một phần bì lợn hàng ngày thu mua được cơ sở bán cho doanh nghiệp tư nhân thương mại Hoàng Hải, trụ sở tại huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Kiểm tra thực tế xưởng chế biến của doanh nghiệp Hoàng Hải, chúng tôi bất ngờ trước quy mô 7 lò sơ chế, trên diện tích khoảng 2.500m2. Tại các lò sơ chế, những miếng bì dù được luộc bằng nước sôi, song vẫn không thể mất thứ mùi ôi, thối. Bì lợn đều đã chuyển màu tím tái, màu của các sản phẩm ngâm nước đang ở giai đoạn phân hủy.
Cần tăng nặng hình phạt Thời gian qua, dù phát hiện, bắt giữ gần 100 vụ, việc các đối tượng có hành vi “đầu độc” người tiêu dùng, song Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội chưa chuyển cơ quan điều tra khởi tố được vụ việc nào. Vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Việt Tiến - Phó trưởng Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội cho biết: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực chế biến lương thực thực phẩm, có sử dụng chất phụ gia đều phải tuân thủ theo “Quy định danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm” - ban hành kèm theo quyết định số 3742/2001/QĐ-BYT ngày 31-8-2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên đến nay, Bộ Y tế mới ban hành danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng, mà chưa ban hành danh mục các chất phụ gia cấm sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, khi phát hiện cá nhân, tổ chức có hành vi sử dụng chất phụ gia ngoài danh mục quy định, lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt hành chính mà không truy tố được họ tội “sử dụng hàng cấm”. Thiếu “cây gậy” pháp lý là nguyên nhân khiến lực lượng làm nhiệm vụ không ngăn chặn hiệu quả các vi phạm về VSATTP lâu nay. Dẫn chứng từ vụ bê bối sữa nhiễm melamine (melamine được cho vào sữa nguyên liệu để tăng hàm lượng protein một cách giả tạo) ở Trung Quốc, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nhiều người. Liên quan đến vụ án này, 2 trong số 12 bị cáo bị đưa ra xét xử đã bị toà tuyên án từ hình. Tuy nhiên, theo Thượng tá Tiến: nếu vụ việc tương tự xảy ra ở Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong xử lý... Theo Điều 224, Bộ luật Hình sự: “Người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm...” Quy định là vậy, nhưng ai cũng biết sử dụng thực phẩm “bẩn” về lâu dài mới phát sinh bệnh tật, gây hậu quả nghiêm trọng cho người dùng. Đợi đến khi hậu quả xảy ra, khó có thể quy trách nhiệm, xử lý được tổ chức, cá nhân nào. Nó giống một số vụ việc xảy ra trước đây như: giò chả có hàn the, bánh phở có formadehyt. |
Thu Hạnh