- Được minh oan sau 34 năm ngồi tù
- Ngồi tù oan 28 năm vì một giấc mơ của nạn nhân
- Các tòa án đã khẩn trương xin lỗi, bồi thường người bị kết án oan
Cụ ông Trần Văn Thêm (80 tuổi, trú tại thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), được giải oan sau 46 năm mang thân phận tử tù
Dự lễ công bố có ông Bùi Ngọc Hoà, Phó Chánh án TAND tối cao; Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, bà Nguyễn Thị Yến, Vụ trưởng Vụ 7, VKSND Tối cao; cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh và hàng ngàn người dân thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh.
Thiếu tướng Vũ Quang Hưng, Phó Thủ trưởng CQ CSĐT Bộ Công an công bố quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với ông Trần Văn Thêm. Quyết định này được gửi cho VKSND Tối cao, TAND Tối cao và ông Trần Văn Thêm.
Đại diện TAND tối cao đọc lời xin lỗi
Tại buổi xin lỗi, đại diện cơ quan tư pháp liên ngành cũng cho biết, theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, việc xin lỗi sẽ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và sắp tới sẽ tiến hành bồi thường oan sai cho ông Thêm theo quy định của pháp luật...
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Văn Thêm xúc động bày tỏ lòng cảm ơn đối với Chủ tịch nước, các cơ quan liên quan, các luật sư, những người đã giúp đỡ ông được minh oan. Đặc biệt, ông Trần Văn Thêm mong muốn gia đình ông Nguyễn Khắc Văn chia sẻ nỗi oan uổng mà ông phải gánh chịu trong 46 năm qua, mong hai gia đình hàn gắn vết thương, đoàn kết và giải quyết hậu quả nỗi oan cho cả dòng họ...
Trao quyết định đình chỉ điều tra cho ông Thêm
Chia sẻ với PV, ông Thêm cho biết, mấy đêm nay ông không ngủ được vì vui mừng, phấn khởi. Ông bày tỏ niềm vui vì hôm nay mình chính thức được minh oan sau 46 năm đằng đẵng mang thân phận người tử tù.
Luật sư Vũ Văn Lợi, người đã góp công tìm được hai bản án của ông Trần Văn Thêm tại Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Đây là một kết quả công bằng, ý nghĩa đối với không chỉ ông Thêm”.
Ông Trần Văn Thêm phát biểu tại buổi xin lỗi công khai
Trở lại vụ án này, đêm 23-7-1970, ông Thêm và người em họ là ông Nguyễn Khắc Văn cùng nhau đi bán thuốc lào và mua quả trám đen. Khi về tới địa bàn xã Đông Tĩnh, huyện Tam Dương (Vĩnh Phú - sau này tách ra thành 2 tỉnh: Vĩnh Phúc và Phú Thọ) thì trời tối nên cả hai vào chòi ven đường để ngủ. Khoảng 1 giờ sáng, khi đang ngủ thì ông Thêm thấy choáng váng vì ai đó đã đập búa vào đầu mình. Cùng lúc tên cướp cũng đã kịp đập một nhát vào đầu ông Văn.
Bị hai anh em đánh lại, tên cướp lao xuống sông biến mất. Dân làng nghe tiếng kêu cứu chạy đến thấy trên tay ông Thêm vẫn cầm chiếc cọc thồ dính máu. Cả hai được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng ông Văn đã tắt thở trên đường.
Sau đó ông Thêm bị cơ quan tố tụng tỉnh Vĩnh Phú cáo buộc giết em họ để cướp của.
Mọi người đến động viên, chia vui cùng ông Thêm
Năm 1973, TAND tỉnh Vĩnh Phú (nay là tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ) xét xử sơ thẩm và tuyên phạt ông Thêm tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản dù tại tòa ông kêu oan và trình bày ông cũng là nạn nhân như những gì đã diễn ra. Một năm sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội bác kháng cáo kêu oan của ông và y án tử hình.
Cuối năm 1975, ông Thêm được giám thị trại giam Đức Phú gọi ra khỏi phòng biệt giam để đi thực nghiệm hiện trường. Khi ra đến hiện trường, ông mới biết là có nghi phạm khác bị bắt và khai nhận hành vi giết chết ông Văn cũng như đánh ông bị thương.
Sau đó, ông Thêm được đưa về trại giam của Bộ Công an ở Hà Nội. Hai ngày sau, ông được một cán bộ giải thích là do có vết thương ở đầu nên ông được cấp giấy miễn lao động nặng và được đưa ra Bến xe Gia Lâm để bắt xe khách về nhà ăn tết với gia đình.
Từ đó không ai đoái hoài gì đến ông nữa. Cũng từ đó, ông Thêm vẫn cứ mang thân phận tử tù trên hành trình kêu oan không mệt mỏi của mình.
Ông cùng gia đình gửi đơn kêu oan đến khắp nơi. Tuy nhiên, các cơ quan mà ông Thêm gửi đơn đều trả lời rằng việc kêu oan của ông không có cơ sở vì... không tìm được hồ sơ về vụ án của ông.