Cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sau trận động đất gây thương vong lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tính đến chiều tối 6-2, trận động đất có độ lớn 7,8 độ richter làm rung chuyển và làm sập nhiều tòa nhà ở miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ và miền Tây Bắc Syria vào rạng sáng cùng ngày đã khiến trên 700 người thiệt mạng và gần 5.000 người bị thương. Số nạn nhân thương vong sẽ còn tăng mạnh khi lực lượng cứu hộ đang ra sức tìm kiếm người bị nạn trong những đống đổ nát.

* Trên 1.200 người thiệt mạng và gần 6.400 người bị thương

Trận động đất xảy ra lúc 4h17 (giờ địa phương) sáng 6-2. Tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 17,7km, cách Gaziantep, một thành phố lớn ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng 32km. Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận thêm một dư chấn mạnh 6,7 độ richter sau trận động đất khoảng 10 phút. Khu vực phía Nam Gaziantep - một trong những trung tâm sản xuất và công nghiệp quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ - giáp với Syria. Người dân ở Lebanon, Hy Lạp, Syria, Israel và Cộng hòa Cyprus có thể cảm nhận được rung chấn.

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh 7,4 độ richter ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường một tòa nhà bị sập sau trận động đất mạnh 7,4 độ richter ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria thiệt hại nặng nề

Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay cho biết, nước này đã ghi nhận 912 người thiệt mạng và 5.383 người bị thương, trong khi lực lượng chức năng đang gấp rút triển khai lực lượng, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn tới các khu vực bị ảnh hưởng. Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết, nhà lãnh đạo này đã có cuộc điện đàm với Thống đốc của 8 tỉnh bị ảnh hưởng để thu thập thông tin về tình hình và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ.

Lãnh đạo Trung tâm Động đất quốc gia Syria đánh giá đây là trận động đất lớn nhất từng được ghi nhận trong lịch sử hoạt động của cơ quan này. Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng các chuyến bay dân sự tại sân bay Gaziantep do có hư hại sau trận động đất. Trong khi, đường ống dẫn dầu nối Kerkuk và Ceyhan vẫn vận hành bình thường. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6-2 cho biết các lực lượng vũ trang nước này đã thiết lập một hành lang hàng không để hỗ trợ các nhóm tìm kiếm, cứu nạn tới khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất gây thiệt hại lớn vào rạng sáng cùng ngày.

Thổ Nhĩ Kỳ nằm tại khu vực thường xuyên xảy ra động đất. Hồi năm 1999, một trận động đất mạnh 7,4 độ richter đã khiến hơn 17.000 người thiệt mạng. Tháng 10-2020, trận động đất mạnh 7,0 độ richter tấn công khu vực ven biển Aegean, khiến 114 người thiệt mạng và hơn 1.000 người bị thương.

Tại Syria, một quan chức y tế nước này cho biết, trận động đất với tâm chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã cướp đi sinh mạng của trên 326 người và khiến trên 1.000 người bị thương. Phần lớn các trường hợp thương vong ghi nhận tại các tỉnh Hama, Aleppo và Latakia là nơi có nhiều tòa nhà cao tầng bị sập do ảnh hưởng của trận động đất.

Văn phòng Tổng thống Syria Bashar al-Assad thông báo, nhà lãnh đạo nước này đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đánh giá thiệt hại và thảo luận về các biện pháp tiếp theo để khắc phục hậu quả của trận động đất. Hình ảnh phát sóng trên đài truyền hình Syria cho thấy lực lượng cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong tình hình thời tiết mưa rét. Các quan chức y tế Syria kêu gọi người dân tham gia hỗ trợ đưa người bị thương tới các phòng cấp cứu.

Cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ

Trước tình hình khẩn cấp hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế khắc phục hậu quả của thảm họa động đất này. Hiện Liên minh châu Âu, Nga, Đức, Pháp... đã đưa ra tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hệ thống các nhóm y tế khẩn cấp được “kích hoạt” để hỗ trợ chăm sóc y tế cho những người bị thương và bị tổn thương nhất do trận động đất.

Quan chức phụ trách xử lý thảm họa của Liên minh châu Âu (EU), ông Janez Lenarcic cho biết, các nhóm cứu hộ từ Hà Lan và Romania đã sẵn sàng lên đường và Trung tâm điều phối ứng phó tình trạng khẩn cấp chịu trách nhiệm giám sát triển khai các đội cứu hộ. EU cũng đã kích hoạt Cơ chế bảo hộ công dân để ứng phó trong tình huống khẩn cấp hiện nay. Bỉ, Ba Lan, Tây Ban Nha và Phần Lan cũng đã thông báo sẵn sàng triển khai lực lượng cứu hộ.

Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ chia buồn sâu sắc đến đất nước và người dân Thổ Nhĩ Kỳ trước những mất mát về người và thiệt hại về vật chất. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố sẵn sàng cung cấp trợ giúp cần thiết để Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả của thảm họa này.

Chính phủ Ấn Độ cùng ngày thông báo 2 nhóm cứu hộ của nước này gồm khoảng 100 nhân viên cùng các trang thiết bị và chó nghiệp vụ đã sẵn sàng tới khu vực thảm họa để tham gia vào các chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ cử các đội chuyên gia y tế và thuốc men tới Thổ Nhĩ Kỳ.