Kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước LHQ về Luật biển:

Công cụ pháp lý quan trọng hàng đầu

ANTĐ - Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 12-8 đã công bố sáng kiến “Thỏa thuận đại dương” để bảo vệ các đại dương nhân dịp kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Bảo vệ đại dương là chìa khóa để duy trì sự sống trên Trái đất

Phát biểu tại lễ kỷ niệm được tổ chức tại thành phố cảng Yeosu của Hàn Quốc, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh, “Thỏa thuận đại dương” nhằm bảo vệ các đại dương bị ô nhiễm cũng như việc đánh bắt hải sản quá mức đồng thời ngăn chặn hiện tượng mực nước biển dâng cao đe dọa cuộc sống của hàng trăm triệu người trên thế giới. “Hy vọng” rằng sáng kiến này có thể giúp bảo vệ môi trường của Trái đất chúng ta và giúp nhân loại tiếp tục phát triển trong tương lai trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường” - Tổng thư ký LHQ phát biểu. “Thỏa thuận đại dương” nhằm đưa ra một tầm nhìn chiến lược về một hệ thống của Liên hợp quốc để giải quyết hiệu quả hơn “tình trạng bất ổn” của các vùng biển trên thế giới. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Các đại dương trên thế giới là chìa khóa để duy trì sự sống trên hành tinh này”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển là một trong những văn kiện pháp lý quan trọng nhất thế giới và là công cụ để phát triển bền vững mà tất cả các quốc gia nên phê chuẩn. “UNCLOS đóng góp quan trọng vào hòa bình, an ninh quốc tế, đảm bảo sử dụng công bằng và hiệu quả các nguồn tài nguyên của đại dương, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển và hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng và hợp lý” - ông Ban Ki-moon nói.

Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) hay còn gọi là Công ước Luật Biển là một hiệp ước quốc tế được ra đời năm 1982. Công ước Luật Biển là một bộ các quy định về sử dụng các đại dương của thế giới, chiếm 70% diện tích bề mặt Trái đất. UNCLOS có hiệu lực năm 1994, và đến nay, 154 quốc gia và Cộng đồng châu Âu đã tham gia Công ước này. Công ước quy định quyền và trách nhiệm của các quốc gia trong việc sử dụng biển, thiết lập các hướng dẫn rõ ràng cho các hoạt động kinh doanh, bảo vệ môi trường và cải thiện quản lý các tài nguyên thiên nhiên đại dương. 

(Theo Wikipedia)