Công chứng 'ẩu', chứng thực 'bậy' gây hệ lụy khôn lường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như ANTĐ thông tin, Sở Tư pháp TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Cơ quan điều tra làm rõ, xử lý nghiêm một số công chứng viên do có những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng. Vụ việc này khiến dư luận xã hội không khỏi lo ngại về hoạt động công chứng, chứng thực hiện nay.

Liên tiếp những vụ công chứng viên làm liều...

Đầu tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Quảng Nam đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Văn Ần (67 tuổi, công chứng viên, trú tại phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) để điều tra hành vi "Thiếu trách nhiệm trong công việc gây hậu quả nghiêm trọng".

Cơ quan Công an xác định, bị can Ần liên quan đến vụ án làm giả "sổ đỏ", lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Phan Đình Tín (33 tuổi, trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) - Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn vận tải Tín Rin và Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Ding Dong - cầm đầu.

Bị can Phí Văn Thành - cựu Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt

Bị can Phí Văn Thành - cựu Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt

Cụ thể, khi Tín đưa hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho Ần ký; bị can Ần với vai trò là Công chứng viên (CCV) đã không yêu cầu bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng; người ủy quyền và người được ủy quyền có mặt tại phòng công chứng để chứng kiến việc ký kết hợp đồng. Trong khi ấy, hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng tài sản đã bị Tín giả chữ ký của các chủ đất.

Chính chữ ký công chứng của bị can Ần là yếu tố để một số bị hại tin tưởng đủ thủ tục pháp lý nên đã đưa tiền cho Tín. Hành vi thiếu trách nhiệm của Ần trong quá trình thực hiện quy trình công chứng đã tạo điều kiện cho Tín chiếm đoạt tài sản với số tiền 13,7 tỷ đồng.

Tương tự, Viện KSND tỉnh Bình Thuận mới đây đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Phí Văn Thành (SN 1959, trú tại TP.Phan Thiết, Bình Thuận) - Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trong vụ án này, Hồ Thị Ngọc Yến (SN 1993, trú huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, tháng 9-2018, Hồ Thị Ngọc Yến ký một hợp đồng vay 10 tỷ đồng của ông L. bằng hình thức sử dụng lô đất 367 m2 ở phường Phú Hài, TP. Phan Thiết của ông L. (lô đất có giá 7 tỉ đồng) làm tài sản bảo đảm. Yến cam kết trong 6 tháng nếu không trả lại đất cho ông L. thì chị ta sẽ trả lại 10 tỷ đồng. Sau khi được chuyển nhượng lô đất trên, Yến bán được hơn 8 tỷ đồng và chiếm đoạt.

Cũng trong năm 2018, Yến còn lừa chủ một căn nhà tại TP. Phan Thiết cho mượn giấy tờ nhà để đưa cho bà N. xem. Yến nói dối là đã mua căn nhà này nhưng chưa sang tên. Sau đó, Yến giả chữ ký, chữ viết của chủ nhà trong hợp đồng chuyển nhượng được công chứng tại Văn phòng công chứng Tiến Đạt để chiếm đoạt của bà N. 7,1 tỷ đồng.

Chưa dừng lại, Yến tiếp tục thế chấp căn nhà trên cho ông N. để vay tiền. Cũng tại Văn phòng công chứng Tiến Đạt, Yến tiếp tục giả chữ ký, chữ viết của chủ nhà trong hợp đồng ủy quyền được công chứng, chiếm đoạt của ông N. tổng cộng 6 tỉ đồng. Tổng giá trị tài sản mà Hồ Thị Ngọc Yến lừa đảo, chiếm đoạt của những bị hại nói trên hơn 21 tỷ đồng.

Đối với bị can Phí Văn Thành - Trưởng Văn phòng công chứng Tiến Đạt, quá trình thực hiện công chứng hợp đồng, Thành đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công chứng; không yêu cầu chủ đất xuất trình bản gốc giấy tờ tùy thân, cũng không yêu cầu phải có giấy xác nhận độc thân của chủ đất để kiểm tra, đối chiếu.

Bị can Thành cũng không yêu cầu các bên công chứng ký trước mặt mình. Ngoài ra, khi ký hợp đồng ủy quyền với căn nhà tại TP Phan Thiết, Thành không yêu cầu các bên phải hủy hợp đồng chuyển nhượng trước khi ký hợp đồng ủy quyền. Phí Văn Thành đã bỏ qua nguyên tắc về chỉnh sửa hợp đồng nên đã làm lại hợp đồng ủy quyền và không phát hiện việc Hồ Thị Ngọc Yến giả chữ ký của chủ đất trên các hợp đồng nói trên.

Cáo trạng khẳng định, hành vi của Phí Văn Thành đã xâm phạm tính đúng đắn của hoạt động cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm thực hiện, làm mất an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, gián tiếp gây thiệt hại cho người khác.

Gây thiệt hại, văn phòng công chứng phải bồi thường!

Và như ANTĐ đã thông tin, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội vừa ký Kết luận số 637/KL-STP giải quyết tố cáo của người dân đối với công chứng viên Nguyễn Văn Thu thuộc Văn phòng Công chứng Hoàng Bích Diệp (nay là Văn phòng công chứng Nguyễn Thu; phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) trong việc chứng nhận Hợp đồng ủy quyền số công chứng 1261/2020/HĐUQ.

Văn phòng công chứng gây thiệt hại sẽ phải bồi thường.

Văn phòng công chứng gây thiệt hại sẽ phải bồi thường.

Hợp đồng ủy quyền này thể hiện các ông, bà: Bạch Thị Vòng, Nguyễn Văn Huy, Nguyễn Văn Tâm, Nguyễn Thị Sớm, Nguyễn Thị Hương, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Thị Hải (ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) "là chủ sử dụng hợp pháp một phần quyền sử dụng đất" có tổng diện tích 1.895 m2.

Tuy nhiên, mảnh đất nêu trên chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), chưa có quyết định giao đất cho cá nhân, hộ gia đình. UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng khẳng định, các ông/bà Vòng, Huy, Tâm, Sớm, Hương, Lương, Hải không có quyền ủy quyền cho bên được ủy quyền thực hiện các công việc nêu tại Hợp đồng ủy quyền số công chứng 1261/2020/HĐUQ.

Kết luận của Sở Tư pháp khẳng định, mặc dù trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng này không đầy đủ, không phù hợp với quy định của pháp luật nhưng công chứng viên Nguyễn Văn Thu đã cố tình làm trái thủ tục, nguyên tắc hành nghề công chứng, nghĩa vụ của công chứng viên theo quy định của Luật Công chứng.

Do đó, việc công chứng Hợp đồng ủy quyền số 1261/2020/HĐUQ là không hợp pháp, không xác thực, vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, góp phần tạo điều kiện để hoàn thành hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật... Từ đó, Sở Tư pháp Hà Nội đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Nói về hoạt động công chứng hiện nay, luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đây là loại hình dịch vụ công được Nhà nước ủy nhiệm cho các tổ chức hành nghề công chứng và nó có ý nghĩa rất lớn trong giao dịch dân sự và đời sống xã hội.

Thực tế cho thấy, hầu hết người dân khi thực hiện giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính trong trường bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì đều coi, đồng thời tin tưởng chữ ký của Công chứng viên cùng "triện đỏ" của phòng công chứng là chuẩn mực, chắc chắn. Họ luôn rất yên tâm và gần như tuyệt đối tin vào các hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.

Thế nhưng không ít người dân đã lâm vào cảnh "dở khóc dở cười", bị thiệt hại nặng nề về tài sản và nhiều hệ lụy khác khi thực hiện giao dịch với công chứng trái luật. Thậm chí từng có vụ việc người dân được Tòa án tuyên bố thắng kiện, văn phòng công chứng phải bồi thường khoản tiền rất lớn do vi phạm gây ra nhưng họ vẫn "tiền mất tật mang".

Còn theo Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), mọi vi phạm trong hoạt động công chứng, chứng thực đều phải bị xem xét, xử lý và cao nhất là xử lý bằng hình sự nếu sai phạm của Công chứng viên là nguy hiểm đối với xã hội.

Theo đó, trường hợp Công chứng viên biết rõ người tham gia giao dịch sử dụng tài liệu giả, chữ ký giả, người giả hoặc dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thông qua giao dịch này mà vẫn công chứng và cùng chung ý chí, mục đích chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xem xét, xử lý với vai trò đồng phạm.

Trường hợp hành vi của Công chứng viên độc lập mà gây thiệt hại cho người tham gia giao dịch và gây nguy hiểm đối với xã hội thì sẽ bị xem xét, xử lý với những tội danh tương được quy định trong Bộ luật hình sự.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 38 - Luật Công chứng 2014 thì: “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng".

"Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.” - Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp viện dẫn.

Còn về hậu quả pháp lý của những văn bản, hợp đồng, giao dịch vi phạm pháp luật về công chứng, luật sư Thiệp cho rằng, về nguyên tắc mọi giao dịch này đều vô hiệu. Và tất cả những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch ấy đều có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.

Trường hợp người có quyền lợi liên quan không yêu cầu, trong khi bản thân Công chứng viên và văn phòng công chứng nhận thức, nhận biết được những vi phạm của mình cũng có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu. Và sau cùng là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động công chứng, chứng thực cũng có thể đề nghị Tòa án giải quyết khi phát hiện ra những giao dịch, hợp đồng được công chứng trái pháp luật.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp, trong một số trường hợp, khi bị Tòa án tuyên bố giao dịch, hợp đồng vô hiệu thì những thiệt hại của một trong các bên hoặc của tất cả các bên tham gia giao dịch đôi khi vô cùng lớn. Thậm chí là khó có thể "cân đong, đo, đếm" được.