Công chức làm sai, Nhà nước bồi thường

(ANTĐ) - Ngày 25-9, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Bồi thường Nhà nước. Theo tờ trình của Chính phủ, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật về trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ.

Phiên họp thứ 12 của UBTVQH:

Công chức làm sai, Nhà nước bồi thường

(ANTĐ) - Ngày 25-9, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Luật Bồi thường Nhà nước. Theo tờ trình của Chính phủ, Nhà nước đã ban hành hệ thống pháp luật về trách nhiệm bồi thường của cơ quan Nhà nước đối với các thiệt hại do cán bộ, công chức Nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ.

Tuy nhiên, các quy định hiện hành còn có nhiều hạn chế, có hiệu lực pháp lý không cao nên việc giải quyết bồi thường không đạt được kết quả như mong muốn. Số lượng vụ việc được giải quyết bồi thường không tương xứng với yêu cầu.

Trong 10 năm thực hiện Nghị định 47/CP (từ 1997-2007), mới có khoảng 170 vụ việc được giải quyết với số tiền bồi thường khoảng 16 tỷ đồng. Các loại vụ việc được yêu cầu bồi thường tập trung ở các lĩnh vực đất đai, thuế, ngân sách, xử lý vi phạm hành chính, xây dựng... Do đó, việc ban hành Luật Bồi thường Nhà nước là rất cần thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, dự thảo Luật quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với các thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra cho tổ chức, cá nhân trong 3 lĩnh vực hoạt động chủ yếu là quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.

Dự thảo xác định cơ quan giải quyết bồi thường là cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Kinh phí bồi thường được lấy từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Phan Trung Lý cho rằng, cần cân nhắc thêm quy định này nếu không sẽ phát sinh nhiều trường hợp không khả thi.

Ông Phan Trung Lý nói: “Ngân sách Nhà nước ở cấp xã, cấp huyện rất hạn hẹp. Nếu phải chi trả cho những hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ ở cấp này thì e rằng không đủ khả năng chi trả, nhất là những bồi thường lớn liên quan  tới bất động sản, tài sản có giá trị lớn, tính mạng con người...”.

Cũng trong ngày 25-9, UBTVQH cũng đã cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2009; điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008. Nhiều ý kiến đề nghị đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình các dự án luật kinh tế quan trọng như Luật Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi, Đấu thầu... vì thời gian chuẩn bị cũng đã lâu và đây là những hành lang pháp lý rất quan trọng cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô.

Chính Trung