Công bố xếp hạng đại học trong nước: Tín hiệu tích cực dù gây nhiều tranh cãi

ANTD.VN - Nhiều tranh cãi xung quanh việc xếp hạng đại học trong nước vừa được một nhóm chuyên gia độc lập công bố, tuy nhiên, bảng xếp hạng cũng cho thấy những tín hiệu tích cực.
Công bố xếp hạng đại học trong nước: Tín hiệu tích cực dù gây nhiều tranh cãi ảnh 1ĐH Kinh tế quốc dân có giảng đường hiện đại bậc nhất nhưng chỉ được xếp hạng trung bình trong bảng xếp hạng vừa công bố

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ, kể cả bảng xếp hạng thế giới uy tín cũng gây tranh cãi. Vì vậy, việc nhóm các nhà khoa học tổ chức đánh giá độc lập, xếp hạng các trường đại học trong nước dù còn nhiều bàn cãi về tính chính xác nhưng vẫn là điều đáng trân trọng.

Nhu cầu có thật về thứ hạng

Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, hiện nay, các trường đại học đều đang tham gia kiểm định chất lượng, tự đánh giá và đánh giá ngoài để được công nhận chất lượng theo cam kết với người học. Tuy nhiên, việc xếp thứ hạng để đánh giá một cách khách quan xem mình đang ở vị trí nào thì vẫn chưa  thực hiện được. “Tôi đánh giá việc công bố xếp hạng các trường đại học trong nước do nhóm chuyên gia độc lập vừa thực hiện là điều đáng trân trọng vì họ là những người tâm huyết với giáo dục” - ông Huỳnh Quyết Thắng cho biết.

Liên quan đến bảng xếp hạng, ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng nhận xét, trong lúc cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục vẫn loay hoay và chưa tìm được một giải pháp nào thuyết phục để xếp hạng đại học trong nước nhằm cung cấp thông tin có thể tin cậy cho xã hội và người học dựa vào mà chọn nơi học, nơi làm việc thì việc các nhóm phi lợi ích, phi Chính phủ, độc lập và không bị tác động của lợi ích nhóm nào tiến hành thử làm việc này là rất tốt và có ích cho người học, cho xã hội, ít nhất theo ý nghĩa tham khảo.

Theo ông Lê Vinh Danh, nếu các năm tiếp theo, nhóm này hoàn chỉnh hơn các tiêu chí và cách làm, quy trình đánh giá cũng như giữ vững tính khách quan trước các loại sức ép, thì sẽ giành được niềm tin của xã hội. Lúc đó, các đại học sẽ phải đầu tư nghiêm túc hơn về thời gian, công sức và tiền bạc để tự chấn chỉnh mình và cố gắng thăng hạng vì chẳng hiệu trưởng có trách nhiệm nào lại chịu để đại học của mình nằm ở thứ hạng thấp.

Nhiều thắc mắc về dữ liệu để xếp hạng

Tuy thừa nhận việc cần thiết được xếp hạng và đánh giá việc công bố bảng xếp hạng các trường đại học đem lại những tín hiệu tốt khi tác động đến các trường nhưng ông Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, nhóm chuyên gia cần công khai dữ liệu thu thập từ các trường để đảm bảo tính chính xác, công khai. 

“ĐH Bách khoa Hà Nội chưa hề nhận được yêu cầu trao đổi dữ liệu với nhóm đánh giá. Chỉ tính riêng tiêu chí nghiên cứu khoa học thì ĐH Bách khoa 1 năm trở lại đây có hàng trăm công trình khoa học đăng trên tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng thuộc danh mục ISI. Vậy thông tin nhóm chuyên gia thu thập được về số lượng công trình này của các trường là từ bao giờ khi đưa ra đánh giá về tiêu chí nghiên cứu khoa học?” - ông Huỳnh Quyết Thắng thắc mắc.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, thông tin chưa chính xác do dữ liệu đầu vào chưa được cung cấp đầy đủ mà nhóm đã công bố thì sẽ đem lại những tác động không tốt đến chính uy tín của nhóm cũng như của các trường đại học. Hơn nữa, đây lại là những thông tin có tính định hướng xã hội nên cần đảm bảo tính khoa học, khách quan, chính xác. Nếu chưa đạt các điều kiện mà đã công bố là sự vội vàng. Theo đó, việc có được nguồn dữ liệu xác thực do các trường có tên trong danh sách xếp hạng cung cấp thì kết quả xếp hạng mới đáng tin cậy.

PGS.TS Đỗ Văn Xê - Phó hiệu trưởng ĐH Cần Thơ cho rằng, việc xếp hạng trường đại học chỉ mang tính tương đối nên không thể đòi hỏi sự chính xác được. Vì thế, chúng ta không nên tranh cãi nhiều về kết quả xếp hạng này. Theo tôi, việc đánh giá xếp hạng các trường đại học ở Việt Nam rất quan trọng. Việc này cần được thực hiện bởi một tổ chức độc lập và có uy tín để kết quả đánh giá được công nhận một cách chính thức.

TS Lưu Quang Hưng, thành viên của nhóm chuyên gia cho biết, nhóm tiến hành nghiên cứu này là do họ nhận thấy các trường ĐH Việt Nam yếu về tính cạnh tranh, thiếu động lực trong việc minh bạch thông tin, hội nhập quốc tế.  Đại diện nhóm cũng giải thích nhu cầu và sự thôi thúc cần xếp hạng trường đại học là cần thiết nhưng họ chờ đợi đã lâu chưa có một tổ chức nào làm việc này mà chỉ có phân tầng chung chung. 

Các chuyên gia cũng lường trước các phản ứng trái chiều sau khi công bố kết quả này nhưng vẫn quyết tâm làm với mong muốn góp phần tạo nên động lực cho các trường ĐH Việt Nam nhìn nhận lại mình và chuyển động.