Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải đáp khúc mắc tuyển sinh đại học 2017

ANTD.VN - Ngày 11-8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã trả lời về những vấn đề nóng trong tuyển sinh như thắc mắc về mất công bằng trong cộng điểm ưu tiên hay điểm đầu vào ngành Sư phạm quá thấp.

Cần chấp nhận cạnh tranh, phân tầng chất lượng khi có trường tuyển nhiều, trường ít thí sinh

Kết thúc đợt 1 xét tuyển đại học, hiện tượng nổi bật là mức điểm chuẩn tăng vọt vào các trường Công an, Quân đội khiến thí sinh đạt 3 điểm 10 tuyệt đối vẫn trượt đại học. Trái ngược với tình trạng này là ngành Sư phạm có trường phải tuyển dưới điểm sàn vì không thu hút được người học. Bên cạnh đó, hàng loạt các vấn đề về thí sinh ảo, không công bằng trong cộng điểm ưu tiên… cũng thu hút sự chú ý của dư luận.

110.000 thí sinh trúng tuyển không nhập học

Dù Bộ GD-ĐT đã đầu tư mạnh cho phần mềm lọc thí sinh “ảo” trên nền dữ liệu xét tuyển đại học chung cả nước nhưng việc hơn 110.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học khiến các trường vẫn phải đối mặt với vấn đề không nhỏ.

Nhìn nhận về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, không quá khó hiểu bởi theo điều tiết của thị trường, trường đại học nào chất lượng tốt sẽ được nhiều người học quan tâm, lượng thí sinh trúng tuyển đăng ký nhập học cao hơn. “Chúng ta cũng phải chấp nhận rằng các cơ sở giáo dục phải có sự cạnh tranh, phân tầng chất lượng. Các trường có chất lượng tốt thì thí sinh sẽ yên tâm hơn khi đăng ký nhập học” - Bộ trưởng phân tích.

Bên cạnh đó, thị trường lao động có phân tầng khác nhau nên mỗi trường sẽ có một sứ mệnh, phân khúc đào tạo khác nhau. “Chúng ta đang cố gắng để tuyển sinh đủ chỉ tiêu đăng ký nhưng dần dần phải làm quen với việc thí sinh đăng ký mà không vào học”.

Bộ trưởng cho rằng, giáo dục đại học sẽ phát triển khi nền kinh tế phát triển, vì nền kinh tế chính là nơi tạo ra nhu cầu vừa là nơi sử dụng sản phẩm của giáo dục đại học. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào năng lực đào tạo và sở thích của người học như lâu nay là chưa đủ. Các trường đại học cần phải nhìn vào thị trường để đào tạo, chứ không phải ngành nào có thế mạnh thì đào tạo mà không quan tâm tới thị trường. “Có như vậy chúng ta mới giải tỏa được những bức xúc lâu nay là sau mỗi kỳ tuyển sinh lại lo không có người vào học” - Bộ trưởng cho biết.

Khảo sát để điều chỉnh điểm ưu tiên

Về việc nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải do tuyển sinh 2017 ứng dụng công nghệ thông tin tốt, tính minh bạch cao nên nhiều thí sinh đã tập trung xét tuyển vào số ngành “hot” dẫn đến điểm chuẩn một số trường tăng vọt. Việc các trường Quân đội, Công an giảm chỉ tiêu cũng là nguyên nhân khiến điểm chuẩn lên cao. 

Riêng về điểm ưu tiên, Bộ trưởng cho rằng, việc duy trì là cần thiết nhưng Bộ sẽ khảo sát thực tế để điều chỉnh. Khi tình hình kinh tế xã hội thay đổi, việc cộng điểm ưu tiên theo vùng cũng cần phải cân nhắc thay đổi. Chẳng hạn, mức độ chênh lệch giữa các khu vực gần hơn thì cũng phải điều chỉnh chế độ cộng điểm ưu tiên cho phù hợp. 

Về lo lắng điểm chuẩn đầu vào trường Sư phạm thấp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thực tế, điểm chuẩn ngành Sư phạm của các trường đại học không thấp, chỉ thấp ở một số trường cao đẳng và trường không chuyên về Sư phạm. 

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, Bộ GD-ĐT chưa hoàn thành quy hoạch riêng cho các trường Sư phạm, chưa ban hành bộ quy chuẩn đánh giá cơ sở sư phạm, chưa kiểm soát được trình độ đầu vào và đầu ra cũng còn nhiều băn khoăn, gây bức xúc cho dư luận. 

Trước thực trạng này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết sẽ giải quyết nhanh vấn đề này, quy hoạch lại các trường Sư phạm, chỉ tập trung một số đại học sư phạm lớn, còn những trường khác làm vệ tinh, ban hành chuẩn giáo viên để các trường Sư phạm triển khai. Ngay trong tuần tới, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các trường Sư phạm để đưa ra giải pháp.