Công an và quân đội là lực lượng nòng cốt chống khủng bố

ANTĐ - Tờ trình dự án Luật Phòng, chống khủng bố do Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại phiên họp toàn thể của Quốc hội sáng 29-10 đã nêu bật điều này. 

Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang

Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, nhưng trong hơn 10 năm qua, đã có 4 vụ khủng bố do các đối tượng phản động lưu vong người Việt được phát hiện, điều tra, xử lý. Bên cạnh đó, cũng có một số đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam với các mục đích khác nhau. Trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam đang mở rộng quan hệ với nhiều quốc gia, nên có thể trở thành đích nhắm tới của hoạt động khủng bố quốc tế. Do đó để đảm bảo đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này cần thiết phải có sự ra đời Luật Phòng chống khủng bố, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới. 

Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã quy định lực lượng phòng chống khủng bố trong dự thảo Luật với 8 điều (từ điều 9 - điều 16). Theo đó, trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân đã có lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố. Do đó, quy định trong dự thảo Luật về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố không làm phát sinh về biên chế và tổ chức, mà chỉ tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn cho hoạt động của lực lượng hiện có. Việc giao thẩm quyền tổ chức lực lượng chuyên trách chống khủng bố cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng sẽ tạo điều kiện linh hoạt trong việc bố trí, sắp xếp lực lượng phù hợp với yêu cầu phòng, chống khủng bố.

Có ý kiến đề nghị đổi tên Luật thành “Luật Phòng, chống khủng bố và tài trợ khủng bố” vì cho rằng, “phòng, chống khủng bố” và “phòng, chống tài trợ khủng bố” có sự khác nhau về chủ thể thực hiện, đối tượng áp dụng và các biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tán thành với tên gọi của dự luật do Chính phủ trình, vì cho rằng, tài trợ khủng bố là một loại hành vi gắn với các hoạt động khủng bố, do đó, không nên tách bạch khủng bố và tài trợ khủng bố ngay trong tên gọi của luật.