- Lực lượng Công an nhân dân đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp
- Luôn bảo vệ và hướng đến sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân
Đảm bảo an ninh, trật tự trong mọi tình huống
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã giành được những thắng lợi to lớn. Cách mạng nước ta bước vào thời kỳ mới với nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách. Sự lớn mạnh của Liên Xô, sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới, thắng lợi mới của phong trào độc lập dân tộc cùng với xu thế hòa bình là những yếu tố thuận lợi cho sự phát triển của cách mạng.
![]() |
Cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô tham gia cứu sập, cứu thương sau trận bom phá hoại của giặc Mỹ |
Song, ngay sau khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam, thực hiện âm mưu xâm lược Việt Nam. Ở miền Bắc, sau ngày hòa bình lập lại, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết tuyển chọn, huấn luyện, sử dụng tình báo, gián điệp cài cắm vào những địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự và vùng mới giải phóng; chúng tung hàng trăm toán gián điệp, biệt kích móc nối với tàn quân phỉ và bọn phản động trong nước hòng gây chia rẽ, bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng; sử dụng bọn tình báo, gián điệp, đặc vụ tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc.
Trước tình hình đó, lực lượng Công an nhân dân đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động, tiến hành đấu tranh dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gây bạo loạn của bọn phản cách mạng. Từ tháng 11 đến tháng 12-1959, lực lượng Công an nhân dân đã phối hợp với Quân đội nhân dân mở chiến dịch đập tan âm mưu gây bạo loạn, cướp chính quyền tại tỉnh Hà Giang, làm tan rã lực lượng phản động gồm 1.112 tên phỉ, tiêu diệt, bắt sống 152 tên, gọi hàng 139 tên, thu 335 súng các loại.
Từ tháng 6-1961 đến năm 1970, lực lượng Công an nhân dân đã đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại của Pháp, bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ và bè lũ tay sai tung ra phá hoại miền Bắc (triệt phá 78 toán gián điệp, biệt kích, bắt giữ 463 tên, thu nhiều tấn vũ khí, chất nổ, phương tiện hoạt động). Bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, các công trình văn hóa - xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân.
Tổ chức cho nhân dân sơ tán khỏi vùng có chiến sự ác liệt. Đấu tranh đàn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm. Kịp thời dập tắt các vụ cháy lớn, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ gây ra, góp phần giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt!”, lực lượng Công an nhân dân đã vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, bảo vệ an toàn các kế hoạch, địa điểm chuyển quân, chuyển hàng, kho tàng, bến bãi và các cuộc hành quân của bộ đội ta vào chiến trường miền Nam.
Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam, lực lượng Công an miền Bắc đã tuyển chọn, huấn luyện, đưa hàng vạn cán bộ, chiến sĩ cùng hàng trăm tấn vũ khí, tài liệu, phương tiện thông tin liên lạc chi viện cho An ninh miền Nam; sát cánh cùng lực lượng An ninh miền Nam tiến hành công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và khu căn cứ cách mạng; tổ chức nhiều trận đánh tiêu diệt địch ngay trong sào huyệt của chúng, trấn áp bọn phản động, trừng trị bọn ác ôn; phá tan nhiều kế hoạch tình báo của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, tiêu biểu như: Năm 1973, lực lượng Công an nhân dân đã đập tan các kế hoạch “Hải Yến 1”, “Hải Yến 2” của Tình báo Mỹ và Đặc ủy Trung ương tình báo ngụy, bắt toàn bộ các toán gián điệp chuẩn bị tung ra miền Bắc; bắt và vô hiệu hóa toàn bộ bọn gián điệp cài lại ở miền Nam theo con đường trao trả tù binh.
![]() |
Tiễn cán bộ chiến sĩ lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam |
Lực lượng Công an nhân dân đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến, bờ biển, biên giới, hải đảo, góp phần đánh thắng các kế hoạch xâm nhập, gián điệp, biệt kích của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Ở miền Nam, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Cục và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, lực lượng An ninh miền Nam đã phát động sâu rộng phong trào “Bảo mật phòng gian”; phối hợp với các lực lượng vũ trang trên khắp các chiến trường, đồng loạt mở nhiều chiến dịch, bẻ gãy các cuộc tấn công, lấn chiếm, đưa kẻ địch vào tình thế bị động, bất ngờ, hoang mang, rối loạn và tan rã; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não, chỉ huy chiến dịch, bảo vệ các cuộc hành quân, vận chuyển vũ khí, phương tiện, lương thực ra chiến trường; bảo vệ bí mật các kế hoạch và các mũi tấn công chiến lược.
Lực lượng điệp báo, tình báo Công an nhân dân đã chui sâu, leo cao, tiến sâu vào hang ổ của địch, thu thập, cung cấp nhiều tin tức có giá trị chiến lược, chiến thuật, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lần lượt đánh bại các chiến lược “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Viết tiếp những trang sử hào hùng của Công an nhân dân
Công tác xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong thời kỳ này luôn được Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm xây dựng, củng cố, phát triển. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị có nhiều nghị quyết quan trọng chỉ đạo xây dựng lực lượng Công an nhân dân trở thành công cụ chuyên chính sắc bén, tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, là lực lượng chiến đấu vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo về nghiệp vụ, có trình độ khoa học - kỹ thuật và đặt lực lượng Công an nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
Ở miền Nam, những năm 1961 - 1962, Thường vụ Trung ương Cục quyết định thành lập Ban Bảo vệ An ninh Trung ương Cục; Ban Bảo vệ An ninh khu và các trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ, với biên chế hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ.
Ngày 20-7-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 34/LCT công bố Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh sát nhân dân và Pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc sĩ quan, hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy của Bộ Công an từ Trung ương đến địa phương, với tổng biên chế hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ Công an chính quy, được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ tương đối hiện đại và hàng chục vạn cán bộ Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp.
Những thành tích, chiến công đặc biệt xuất sắc của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã ghi tiếp vào truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân những trang sử vàng oanh liệt. Hàng trăm tập thể, cá nhân cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tiêu biểu như các đồng chí: Hồ Bá Thọ (Công an tỉnh Quảng Bình); Nguyễn Văn Đẹp (Công an tỉnh Long An); Nguyễn Thị Lý (Công an tỉnh Quảng Trị); Phạm Thành Lượng (Trung đoàn 180, An ninh vũ trang miền Nam)...
(Còn tiếp)