Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân và 20 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc:

Lực lượng Công an nhân dân đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong mỗi thời kỳ, giai đoạn lịch sử của dân tộc, lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng. Trong cuộc kháng chiến 9 năm đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an nhân dân đã có những đóng góp quan trọng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Chiến công vang dội đánh dấu bước trưởng thành của Công an nhân dân

Nhìn lại chặng đường lịch sử trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (12/1946 - 5/1954), lực lượng Công an nhân dân đã có những bước ngoặt đánh dấu sự phát triển, trưởng thành trong cả về mô hình tổ chức cũng như năng lực, nghiệp vụ.

Trở lại giai đoạn 1946-1954, sau khi thất bại trong âm mưu câu kết với bọn phản động để lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, thực dân Pháp điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ, đồng thời tiến hành đánh chiếm Hải Phòng và khiêu khích ta ở Thủ đô Hà Nội.

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng Công an nhân dân đã cùng với quân và dân cả nước nhất tề đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Với tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, lực lượng Công an xung phong Hà Nội và Công an các địa phương đã tham gia tiến công, tiêu diệt, vây hãm địch, bảo vệ an toàn các cơ quan chính quyền, đoàn thể, bảo vệ vận chuyển tài liệu, kho tàng, tài sản quốc dân và tản cư nhân dân ra khỏi vùng có chiến sự. Trong vùng địch tạm chiếm, lực lượng Công an nhân dân đã xây dựng cơ sở nắm tình hình, tham gia diệt ác, phá tề, trừ gian, trấn áp bọn mật thám, phản động nguy hiểm, tổ chức nhiều trận đánh ngay trong lòng địch. Tổ Điệp báo A13 của Ty Điệp báo, Nha Công an Trung ương đã đưa người vào hàng ngũ địch, nắm được nhiều tin tức có ý nghĩa chiến lược phục vụ công tác đánh địch.

Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi và Tổ điệp báo A13

Anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi và Tổ điệp báo A13

Ngày 27-9-1950, tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, Tổ Điệp báo A13 đã sử dụng một khối lượng lớn thuốc nổ đánh đắm Thông báo hạm Amiôđanhvin (Thông báo hạm lớn nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ), diệt hơn 200 sĩ quan, thủy thủ và binh lính Pháp. Chiến công vang dội đó đánh dấu bước trưởng thành của Công an nhân dân và sự thất bại thảm hại của các cơ quan tình báo, phản gián Pháp, đập tan âm mưu đánh chiếm vùng tự do Khu IV.

Đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn

Thực hiện chủ trương biến hậu phương địch thành tiền phương của ta, phát triển chiến tranh du kích, phá kế hoạch lập tề của địch, lực lượng Công an nhân dân dựa vào nhân dân, đẩy mạnh các phong trào “Ba không”, “Phòng gian bảo mật”; khám phá nhiều tổ chức phản động, làm tan rã nhiều tổ chức phỉ ở vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc; bảo vệ vùng tự do, các khu du kích, căn cứ địa cách mạng, các cơ quan của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, bảo vệ các chiến dịch.

Lực lượng Công an đóng góp tích cực trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ
Lực lượng Công an đóng góp tích cực trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ

Ngày 6-12-1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ những kinh nghiệm bảo vệ chiến dịch trước đây, lực lượng Công an nhân dân đã thành lập “Ban Công an tiền phương” bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội, dân công, bảo vệ kho tàng, bảo vệ lực lượng vũ trang.

Trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch, lực lượng Công an nhân dân luôn chủ động nắm tình hình, bảo vệ các lực lượng ở tiền tuyến cũng như trung tuyến, bảo vệ bí mật các kế hoạch quân sự, vận chuyển. Cùng với công tác bảo vệ, lực lượng Công an nhân dân đã bắt hầu hết các toán gián điệp biệt kích do địch tung xuống để điều tra, phá hoại kho tàng, cầu cống, nơi xung yếu trên các tuyến đường giao thông quan trọng từ Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình lên Điện Biên Phủ.

Đặc biệt, lực lượng Công an nhân dân đã phát hiện và lập chuyên án (bí số TN25) đấu tranh thắng lợi với toán gián điệp Pháp ở Thái Nguyên, góp phần bảo đảm an toàn kế hoạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Thống nhất tổ chức lực lượng Công an từ Trung ương đến địa phương

Song song với cuộc đấu tranh bảo vệ trật tự, trị an, một vấn đề đặt ra là lực lượng Công an cần được thống nhất tổ chức từ Trung ương đến địa phương. Ngày 19-1-1946, Bộ Nội vụ ra Nghị định số 14-NV về tổ chức của Bộ Nội vụ, trong đó có Nha Công an làm nhiệm vụ phụ trách công việc trị an.

Tiếp đó, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23-SL “Hợp nhất các Sở Cảnh sát và Liêm phóng toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ”. Đồng chí Lê Giản được cử phụ trách Việt Nam Công an vụ. Ngày 18-4-1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Nghị định số 121-NV/NĐ quy định tổ chức, nhiệm vụ của Việt Nam Công an vụ. Theo Nghị định, Việt Nam Công an vụ chia làm ba cấp: Ở Trung ương gọi là Nha Công an Việt Nam, đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của Tổng Giám đốc Việt Nam Công an vụ; ở cấp kỳ gọi là Sở Công an, đặt dưới quyền điều khiển của một Giám đốc Công an kỳ; ở cấp tỉnh gọi là Ty Công an, đặt dưới quyền điều khiển của một Ty trưởng.

Sở Liêm phóng Bắc Bộ đổi thành Sở Công an Bắc Bộ; Sở Trinh sát Trung Bộ đổi thành Sở Công an Trung Bộ; Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ đổi thành Sở Công an Nam Bộ. Ở các tỉnh, thành phố đều đổi thành Ty Công an.

Việc hợp nhất các lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Quốc gia tự vệ cuộc và xây dựng tổ 5 chức bộ máy theo Sắc lệnh số 23-SL, ngày 21-2-1946 và Nghị định số 121 NV/NĐ, ngày 18-4-1946 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu sự thống nhất về cơ cấu tổ chức bộ máy Công an trong cả nước, là cơ sở quan trọng để lực lượng Công an nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn trật tự, trị an.

Tại kỳ họp từ ngày 27 đến ngày 29-8-1953, Hội đồng Chính phủ ra Nghị quyết đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Công an nhân dân Việt Nam.

Trải qua chín năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng Công an nhân dân luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nhiều chiến công thầm lặng nhưng vô cùng oanh liệt, đấu tranh làm thất bại mọi hoạt động đảo chính, lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân của các thế lực tay sai, phản động; bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân; đấu tranh bài trừ lưu manh, trộm cướp, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ tính mạng, tài sản và cuộc sống của nhân dân.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an nêu cao khí phách kiên cường, dũng cảm, lập công xuất sắc, tiêu biểu như các đồng chí: Võ Thị Sáu (Công an huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); Nguyễn Thị Lợi (Điệp báo Công an Hà Nội); Cao Kỳ Vân (Công an tỉnh Bắc Giang); Trần Thành Ngọ (Công an thành phố Hải Phòng); Phan Khắc Trình, Trần Bình (Công an thành phố Hà Nội)...

(Còn tiếp)