- Giám đốc Công an Hà Nội chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ
- Huy động các lực lượng, phương tiện, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với các tình huống về thiên tai, sự cố
Tập trung tối đa nguồn lực
Đêm 7-9, bão Yagi đổ bộ “càn quét” Thủ đô Hà Nội. Liên tục nhiều ngày sau, bão gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản. Trước tình hình đó, Đảng ủy, Ban giám đốc CATP đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực 100% quân số, huy động trên 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ thực hiện các nhiệm vụ ứng phó, xử lý hậu quả sau bão nhằm đảm bảo tình hình ANTT trên địa bàn. Công tác cứu hộ, cứu nạn, di dời người dân tới các nơi an toàn và công tác khắc phục hậu quả sau bão được triển khai đồng bộ, kịp thời. CATP đã huy động trên 2.000 lượt phương tiện, trên 1.000 lượt trang bị phục vụ công tác ứng phó, xử lý hậu quả của cơn bão số 3.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP Hà Nội trực tiếp thị sát công tác ứng phó với bão số 3 tại 2 huyện Mê Linh và Mỹ Đức |
Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, chia sẻ với những đau thương, mất mát của nhân dân, ngày 10-9, CATP Hà Nội đã tổ chức Lễ phát động, ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Bắc bị thiệt hại do cơn bão số 3. Hoàn lưu bão Yagi đã gây lũ lụt, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tại Hà Nội, nhiều địa phương cũng bị ngập úng nghiêm trọng như Đông Anh, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức… khiến người dân điêu đứng bởi nhiều diện tích trồng hoa màu, cây nông nghiệp bị nước nhấn chìm. Huyện Đông Anh có 11 xã ven sông bị ảnh hưởng do lũ lụt. Để đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản, vật nuôi, công an huyện đã phối hợp với các địa phương, đoàn thể hướng dẫn và hỗ trợ từng nhà dân di dời người, tài sản, vật nuôi khỏi các khu vực nguy hiểm; cung cấp đồ ăn, nơi ngủ nghỉ trong thời gian sơ tán cho toàn bộ người dân; bố trí nơi chứa tài sản, vật nuôi an toàn khi lũ lụt.
Tại huyện Thanh Trì, trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, công an huyện cũng kịp thời huy động cán bộ, chiến sĩ, phương tiện phối hợp với các lực lượng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ di chuyển người, tài sản của người dân bị ngập lụt tại các xã Duyên Hà, Vạn Phúc, Yên Mỹ đến nơi tránh trú an toàn.
Còn tại thị xã Sơn Tây, công an thị xã huy động tối đa lực lượng, phương tiện phối hợp cùng các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng do nước lũ, bị ngập úng di dời tài sản, thu hoạch hoa màu. Những cán bộ, chiến sĩ hàng ngày thầm lặng trên mặt trận đấu tranh, phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự cho địa phương đã không ngần ngại xuống ruộng gặt lúa giúp bà con “chạy” lũ.
Những hình ảnh này cũng được bắt gặp tại huyện Mỹ Đức. Công an huyện đã huy động lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương gia cố đê điều ngăn lũ; giúp các gia đình chính sách, neo đơn bằng mọi biện pháp, kịp thời di chuyển nhiều tài sản và đẩy nhanh việc thu hoạch lúa chín, hoa màu, sát cánh cùng nhân dân vượt lũ.
Ghi nhận tại huyện Quốc Oai, ngay khi mực nước sông Tích dâng cao trên mức báo động 3, tuyến đê ven sông huyện Quốc Oai đã tràn tại một số khu vực thuộc các xã Hòa Thạch, Đông Yên, Tuyết Nghĩa, Cấn Hữu, Ngọc Liệp gây ngập úng trên diện rộng. Công an huyện đã lập tức huy động toàn lực lượng hỗ trợ người dân nhanh chóng rời khỏi khu vực ngập úng, đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản.
Tại huyện Ba Vì, trong suốt quá trình bão đổ bộ, lực lượng công an xã tại các điểm nóng đã xung phong, có mặt kịp thời tại những khu vực bị thiệt hại để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Các cán bộ, chiến sĩ không quản ngại khó khăn, trực tiếp tham gia giải phóng các tuyến đường bị cây đổ chắn lối, giúp dân sửa chữa nhà cửa để đảm bảo an toàn tạm thời, cùng người dân đưa tàu, thuyền vào nơi neo đậu an toàn.
Người dân xúc động trước tình cảm của những chiến sĩ Cảnh sát giao thông đường thủy |
Vì nhân dân phục vụ
Liên tiếp những ngày qua, các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đã trực tiếp đi thị sát, chỉ đạo và động viên người dân cùng các lực lượng tham gia công tác ứng phó, xử lý sự cố mưa bão, ngập lụt. Các ngày 11 và 12-9, Trung tướng Nguyễn Hải Trung thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã Tráng Việt, Thanh Lâm (huyện Mê Linh); và An Phú, An Tiến, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức). Cùng thời điểm, Đại tá Phạm Thanh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc CATP Hà Nội đi kiểm tra, động viên nhân dân và lực lượng Công an cơ sở tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh.
Trước tinh thần khẩn trương, trách nhiệm của người dân và chính quyền địa phương đối với công tác ứng phó, phòng chống bão lụt tại các điểm trọng yếu, lãnh đạo CATP Hà Nội đánh giá cao và ghi nhận sự vào cuộc chủ động, khẩn trương, trách nhiệm của các lực lượng, đặc biệt là lực lượng thường trực ứng phó với mưa lũ cũng như cán bộ chiến sĩ công an cơ sở và lực lượng được tăng cường. Đặc biệt qua kiểm tra, các đồng chí lãnh đạo CATP Hà Nội yêu cầu các lực lượng thường trực, công an huyện, công an xã và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần thực hiện khẩn trương các biện pháp tức thời để các tuyến đê trên địa bàn được đảm bảo, thể hiện đúng tinh thần “còn đê là còn người, còn tài sản”; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông; kiểm tra, khởi động xuồng máy để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong thời điểm này.
CAH Ba Vì hỗ trợ người dân đưa các tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn |
Trong suốt những ngày bão lũ không thể không nhắc đến hình ảnh những chiến sĩ Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội ngày đêm dầm mưa, đảm bảo người dân đi lại an toàn trên mọi cung đường. Những chuyến xe cứu hộ đưa người dân qua khu vực ngập úng, hay hình ảnh các chiến sĩ CSGT đường thủy hỗ trợ bà con vạn chài đã khiến nhiều người xem xúc động. Cũng không thể nói hết những vất vả của cán bộ chiến sĩ Công an phường Chương Dương, Phúc Tân trắng đêm giúp bà con gia cố lại nhà cửa, tài sản trước khi “chạy” lũ. Những hình ảnh đó trong những ngày mưa lũ lịch sử này có lẽ sẽ không thể nào quên đối với mỗi người dân Thủ đô Hà Nội. Giữa dòng nước lũ đục ngầu, ý chí kiên cường, không ngại gian khó giúp đỡ người dân trong thiên tai là minh chứng rõ nét cho sự hy sinh thầm lặng, tinh thần trách nhiệm và lòng nhân ái của các cán bộ chiến sĩ Công an Thủ đô. Trong cơn bão tố, tình người càng thêm ấm áp và hình ảnh những chiến sĩ công an sẽ mãi khắc sâu trong lòng mỗi người dân về sự tận tụy, vì nhân dân quên mình.
NSND Công Lý: Các chiến sĩ công an đã phát huy cao nhất tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”
Trong những ngày vừa qua, chứng kiến nhiều tỉnh thành miền Bắc nước ta phải gánh chịu những thiệt hại và mất mát nặng nề từ cơn bão số 3, tôi thật sự rất xót xa. Tôi thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin qua các chương trình thời sự trên tivi, các kênh mạng xã hội về tình hình mưa lũ cũng như công tác cứu nạn, cứu hộ, cứu trợ của các cấp chính quyền cũng như người dân cả nước hướng về đồng bào các vùng bị bão lũ. Tôi thật sự cảm động, nhiều lúc trào nước mắt trước những hình ảnh đậm nghĩa tình đồng chí, đồng bào của dân tộc Việt Nam. Đúng là trong khó khăn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của chúng ta càng mạnh mẽ và tỏa sáng hơn bao giờ hết.
Cũng trong hoàn cảnh mưa lũ nguy hiểm trăm bề đó, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các lực lượng vũ trang, các chiến sĩ Công an nhân dân đã không quản ngại gian khó, bất chấp mọi hiểm nguy, góp phần quan trọng trong việc giúp người dân khỏi cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”. Các chiến sĩ đã phát huy cao nhất tinh thần “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Hình ảnh các anh dầm mình trong biển nước mênh mông, lao mình vào dòng lũ, thậm chí cũng đã có chiến sĩ hy sinh vì cứu người dân, tôi không biết nói thế nào để bày tỏ sự biết ơn và ngưỡng mộ vô cùng tới các anh. Phía trước các anh là nhân dân, sau lưng các anh cũng là nhân dân. Các anh thật sự là những người hùng giữa thời bình. Dù cơn bão đi qua, nhưng tình quân dân sẽ mãi còn đọng lại.