Công an chính quy về xã - Vững vàng thế trận an ninh trong lòng dân (1): Sự chuẩn bị kỹ càng, bài bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 25-10-2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, xác định những yêu cầu, nhiệm vụ hết sức cụ thể, quan trọng đối với các ngành, các địa phương. Và, Đảng ủy Công an Trung ương, luôn với tâm thế tiên phong, sẵn sàng đương đầu, vượt qua khó khăn, thách thức để ngày càng hoàn thiện, cống hiến, đã cụ thể hóa Nghị quyết số 18 bằng sự chủ động lãnh đạo, chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng Đề án “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (Đề án 106). Có thể khẳng định đây là một cuộc cách mạng về tổ chức của lực lượng Công an nhân dân theo hướng “tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chuyên môn”; với một trong những dấu ấn lớn là đưa Công an chính quy về xã, bằng phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”.

Niềm vui lớn ở Yên Bài

Từ trung tâm Hà Nội về “thủ phủ” của huyện Ba Vì - thị trấn Tây Đằng gần 70km. Và từ Tây Đằng về xã Yên Bài, cũng thuộc huyện Ba Vì, phải đi thêm khoảng 40km. Sở dĩ kể những địa danh ấy để bạn đọc chia sẻ niềm vui lớn từ nhiều tháng nay của bà con cơ sở, khi mà những nhu cầu thiết thân đã được các chiến sĩ Công an “về tận nơi, đáp từng lời”, như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, công dân thôn Quảng Phúc, xã Yên Bài.

Chị Tâm là một trong những công dân đầu tiên ở Yên Bài, được cấp đăng ký xe máy ngay tại xã tính từ ngày 21-5-2022, mà “lại còn được biển số đẹp hơn nhiều người khác”, người phụ nữ chân chất dí dỏm khoe biển số 29V1-858.85. Số đẹp đã vui, mừng hơn cả là tiện, rất tiện. Chị Tâm kể: “Gia đình tôi ấp ủ mua chiếc xe máy mới; tiền tiết kiệm có rồi, nhưng lần lữa mãi, vì ngại đường xa. Khoảng cách từ nhà ra trung tâm huyện không phải lúc nào cũng thu xếp được, bởi chỉ rảnh vào chủ nhật, chưa kể hình dung ra việc phải xếp hàng chờ đợi. Người trong thôn, trong xã cũng có nói chuyện, muốn được việc phải đi từ sớm để còn xếp hàng, xong bên Công an còn đi nộp thuế. Nhận được biển số có khi mất cả ngày”.

Công dân xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhận biển số xe máy ngay tại trụ sở Công an xã

Công dân xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) nhận biển số xe máy ngay tại trụ sở Công an xã

“Tôi nhớ hôm ấy giữa tháng 5, người nhà nói vừa có đồng chí Công an xã xuống thôn, thông báo bà con tới đây chỉ cần đi bộ cũng đăng ký được xe máy, mô tô, xe máy điện. Tôi bảo làm gì có chuyện…”, người phụ nữ thôn Quảng Phúc cười rổn rang.

Vậy mà cái sự “gì có chuyện” của chị Tâm đã thành sự thật, khi lực lượng Công an triển khai cấp đăng ký xe máy cho công dân ngay tại nơi sinh sống. Thời điểm này khi bài viết đến tay bạn đọc, 100% các xã tại Hà Nội đều triển khai cấp đăng ký mô tô, xe máy, xe máy điện cho công dân. Nhưng trước đó, chủ trương này mới được làm thí điểm ở những xã đáp ứng đủ tiêu chí về số lượng xe máy, mô tô đăng ký hàng năm. Xã Yên Bài đáp ứng đủ tiêu chí, mà như chị Tâm thì “chúng tớ sướng trước mấy tháng rồi”. “Sướng” vì đỡ được quá nhiều quãng đường đi lại; “sướng” vì có xe mới rồi, rảnh lúc nào ra Công an xã, chỉ bấm nút là xong, lại không phải xếp hàng chờ đợi.

Không chỉ vậy, nhiều tháng nay, bà con xã Yên Bài còn phấn khởi rủ nhau đi cấp đổi, cấp mới căn cước công dân gắn chíp, mã định danh điện tử cũng ngay tại trụ sở Công an xã. Đại úy Nguyễn Tiến Lợi - Phó trưởng Công an xã Yên Bài tâm sự: “Có ở xa mới thấm thía giá trị của sự rút ngắn quãng đường giải quyết các thủ tục hành chính. Những chiến dịch lớn về căn cước, dữ liệu dân cư, hộ chiếu và đăng ký phương tiện đã và đang được Bộ Công an chỉ đạo triển khai, dù anh em có tận tâm tận lực đến mấy nếu không đáp ứng được tiêu chí tối quan trọng: hướng dẫn, phục vụ nhân dân ngay tại nơi cư trú, sẽ rất khó để hoàn thành trọn vẹn”.

Giải nhiều “bái toán” khó

Niềm vui của bà con Yên Bài không hoàn toàn tự nhiên mà đến! Đó là kết quả bước đầu của sự tâm huyết, trách nhiệm, nhất quán và hết sức quyết liệt của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, trong việc xây dựng, hoàn thiện lực lượng luôn hướng về cơ sở, nghĩ về nhân dân để phục vụ tốt nhất.

Tham gia xây dựng và đóng góp ý kiến nhiều văn bản pháp lý quan trọng của không chỉ riêng lực lượng CAND, Trung tướng - Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), chia sẻ: Bao quát chung Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2018 và Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 15-3-2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, để thấy rằng lực lượng CAND hết sức vinh dự và tự hào khi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, cả những mong muốn, kỳ vọng từ Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Khi chủ trương đưa Công an chính quy về xã, Đảng ủy Công an Trung ương quán triệt kỹ yêu cầu Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Trước mắt, bố trí Công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, tiến tới thực hiện thống nhất trong toàn quốc sau khi hoàn thiện các văn bản liên quan”.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh nhớ lại, Đề án 106 được Đảng ủy Công an Trung ương chỉ đạo rất chặt chẽ nhằm xây dựng, tổng kết một cách cơ bản công tác của ngành Công an trong thời gian qua. Đề án sau khi trình đã được Bộ Chính trị đánh giá cao nỗ lực của Đảng ủy Công an Trung ương; một trong những Đảng ủy đi đầu trong việc nghiên cứu, sắp xếp lại tổ chức, bộ máy của Bộ Công an. Mấu chốt ở đây là, dù tổ chức bộ máy tinh gọn thế nào, vẫn phải đảm bảo được yêu cầu “Công an nhân dân phải làm nòng cốt” trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

Thực tiễn những năm qua chứng minh, Công an chính quy về xã là chủ trương hết sức đúng đắn. Nó không chỉ đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới mà còn để đảm bảo cho CAND gần dân hơn, bảo vệ nhân dân tốt hơn, đồng thời cũng được nhân dân đùm bọc và thương yêu hơn.

Quá trình triển khai, Bộ Công an đã giải nhiều bài toán khó, một trong số đó là phải làm sao để không tăng biên chế trong suốt quá trình tổ chức, triển khai thực hiện. Cùng với đó là những vấn đề lớn như bố trí Trưởng công an xã trước đây là công chức cấp xã; tính toán số Công an viên sao cho phù hợp... Thực tế, trong những tháng vừa qua, nhân dân rất ghi nhận, biết ơn lực lượng Công an xã. Họ ở ngay gần sát với dân, thường xuyên lo lắng an ninh trật tự của cơ sở…

Trên 60.000 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân về xã

Theo cục nghiệp vụ Bộ Công an, đã có trên 60.00 cán bộ, chiến sĩ về nhận nhiệm vụ tại các xã ở 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc; với bình quân thấp nhất 5 cán bộ, chiến sĩ/xã. Việc chính quy hóa lực lượng Công an xã, thị trấn là chủ trương đúng đắn và cần thiết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, đồng thời tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân. Việc bố trí Công an xã chính quy còn tạo chuyển biến tích cực về ANTT tại cơ sở; tội phạm và vi phạm pháp luật giảm đáng kể, những vấn đề liên quan lợi ích thiết thân của người dân được giải quyết kịp thời hơn, nhân dân yên tâm và tin tưởng hơn vào lực lượng Công an cơ sở.

Ngày 15-9-2022, tại phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định: “Năm 2022, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục đạt được những kết quả tích cực trong tình hình có nhiều diễn biến khó khăn, phức tạp. Một trong những điểm nhấn quan trọng là đã giảm được 9,75 tội phạm, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5% và nhiều năm liên tục đều vượt. Trên toàn quốc, nhiều tỉnh cả ngày không xảy ra vụ phạm pháp hình sự nào. Đặc biệt có địa phương, tổng kết 9 tháng năm 2022 chỉ có khoảng 200 vụ phạm pháp hình sự, tức là khoảng 160 ngày không có vụ phạm pháp hình sự nào. Kéo giảm tội phạm, quyết tâm và kết quả rất nhân văn, mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống người dân ấy hướng đến mục tiêu xây dựng xã hội lành mạnh, an toàn, kỷ cương, để mọi người dân được sống trong khuôn khổ pháp luật, hòa bình, ổn định, hạnh phúc. Đánh giá khách quan là: Tội phạm giảm, có đóng góp đặc biệt quan trọng của chủ trương đưa Công an chính quy về xã, để xây dựng thành trì an ninh vững chắc ngay từ cơ sở”.

(Còn tiếp)

Bài 2: Không đơn giản chỉ là “phép” điều chuyển