Con trẻ phạm tội - lỗi của người lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Nhiều vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên, có ông bố, bà mẹ tỏ ra rất kiên quyết với điều tra viên: Trăm sự nhờ các anh dạy bảo, các anh cứ tát chúng nó thật đau vào. Chúng tôi chịu rồi, nói nó không nghe nữa…” - Chỉ huy CAQ Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện mà thực sự không biết nên cười hay khóc...

Bỏ học, bỏ nhà và… đi cướp

Hành trình xót xa này hội tụ đủ ở cặp đôi Nguyễn Gia Huy (SN 2006, trú ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) và Nguyễn Tùng Lâm (SN 2006, trú ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Nếu như Gia Huy còn thi thoảng tạt qua nhà với bà nội thì Tùng Lâm chủ yếu sống… lang thang. Một đứa mẹ bỏ đi từ nhỏ, bố lao động tự do chưa ráo mồ hôi đã hết tiền nên việc học hành của con cái là thứ gì đó xa xỉ lắm. Hôm được cơ quan công an mời đến thông báo về việc con trai bị bắt vì đi ăn cướp, ông bố ra trụ sở công an phường với “tâm trạng chẳng buồn chẳng vui” - như lời kể của Trung tá Lê Thủy Trường, Phó trưởng CAP Vĩnh Hưng.

Buổi tọa đàm do Công an quận Hà Đông tổ chức với mong muốn giúp con trẻ không hư hỏng, phạm tội

Buổi tọa đàm do Công an quận Hà Đông tổ chức với mong muốn giúp con trẻ không hư hỏng, phạm tội

Gia cảnh Nguyễn Tùng Lâm cũng cám cảnh không kém. Bố mất, Lâm tuy ở với mẹ nhưng cuộc sống cũng không đủ để trang trải học hành. Học hết lớp 5, đến giờ 17 tuổi, nó có quá nhiều thời gian sống ở các quán nét, nhà đám bạn hư, hay vạ vật nơi công cộng. Khi nào hết chỗ ăn, chỗ chơi, nó thoáng mò về nhà, rồi mất dạng. Hôm Lâm đột ngột mang 1 chiếc xe máy về, mẹ nó lạ lắm nên hỏi, Lâm nói dối là vay tiền mua để đi làm, bao giờ mẹ có tiền thì hỗ trợ con để trả góp. Bà mẹ bán tín bán nghi và đâu biết đó là tang vật vụ cướp mà con mình là thủ phạm. Cho đến khi nhận tin báo từ cơ quan công an…

Các bậc phụ huynh nghĩ gì khi đối diện những gương mặt còn non nớt mà đã gây án, phạm tội?

Các bậc phụ huynh nghĩ gì khi đối diện những gương mặt còn non nớt mà đã gây án, phạm tội?

Bố Huy và mẹ Lâm mỗi người một tâm trạng, song có lẽ họ đều chung sự choáng váng. Đó là con họ sau khi trộm cắp được chiếc xe đạp đã bàn nhau sử dụng làm phương tiện đi… cướp xe máy. Động cơ gây án chỉ là do nghiện game nhưng lại không có tiền. Sáng 23-2-2023, Lâm và Huy đi tìm trong đám bạn hay lang thang hỏi mượn con dao tông. Không cần quan tâm đến mục đích dùng dao để làm gì, đứa bạn lập tức đồng ý. Chiều tối hôm ấy, Lâm và Huy lấy trộm được chiếc xe đạp Thống Nhất ở phường Vĩnh Hưng.

“Tôi mong các bác phụ huynh ở đây, đừng như tôi, đừng quá vì mưu sinh cuộc sống mà bẵng đi con mình. Chúng ta hãy dành thời gian làm bạn của các con nếu muốn chúng không hư. Hãy trông cây để sửa đất, trông con để sửa mình”.

Hãy chậm lại, hãy dừng lại một chút trong cuộc sống bộn bề để nghĩ và lo cho con cái mình, nhất là với những đứa trẻ đang trong cảnh sống thừa điều kiện để… hư. Liệu người lớn chúng ta có sẵn lòng làm như thế?

Chờ tối hẳn, chúng chở nhau theo đường tắt sang khu đô thị Gamuda (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) vì đoán bên đó sẽ dễ thực hiện được hành vi phạm tội. Khoảng 20h30 cùng ngày, khi đi ngang qua khu vực nghĩa trang Gò Sành (tổ 14 phường Vĩnh Hưng), 2 đứa phát hiện ra “con mồi” là anh Đ.N.L (SN 2003, quê quán Bắc Giang, sinh viên 1 trường đại học tại Hà Nội) đang ngồi trên xe Honda Wave đợi bạn gái. Với con dao tông sáng loáng và những lời đe dọa, 2 tên cướp đã khiến anh L phải… “bỏ của chạy lấy người”. Tuy nhiên, chưa đầy 24h sau đó, 2 tên cướp đã bị bắt. Nhưng cũng trong từng ấy thời gian, chúng đã kịp thay đổi ngoại hình chiếc xe máy tang vật bằng cách tháo biển số, vặt gương…

Con đường trở thành kẻ cướp của nhóm choai choai đều sinh năm 2006, 2007, gồm: Dương Minh Đức, Đào Tuấn Toàn, Nguyễn Đức Gia Bảo, Vũ Hải Đăng và Nguyễn Đình Tiến Đạt lại có điểm khác biệt. Trong lúc ngồi tán gẫu, cả nhóm nhìn thấy một nam thanh niên điều khiển xe máy không biển số. Đang trong cảnh thiếu phương tiện đi lại, đứa cầm đầu đã gọi điện, bàn bạc với các thành viên trong nhóm đi cướp xe máy. Trên đường đi, 2 trong 5 đứa bị bố mẹ gọi về nên không trực tiếp tham gia vụ cướp. Còn lại 3 đứa với dao và gậy đã di chuyển đến khu vực ngõ 248 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, chặn đường cướp xe máy của một đôi nam nữ. Sự việc xảy ra rạng sáng 24-2 vừa qua và ít ngày sau cả nhóm đã bị CAQ Hai Bà Trưng bắt giữ.

Giải pháp nào cũng cần sự căn cơ, đồng bộ

Nói chuyện với chúng tôi về những vụ án, đặc biệt án được xác định nghiêm trọng có liên quan đến trẻ vị thành niên, Thượng tá Lê Xuân Hanh - Phó trưởng CAQ Hoàng Mai trăn trở: “Có cách nào cơ bản, triệt để, để trong bản án, đối tượng bị điều tra, truy tố, xét xử, sẽ không là con trẻ?”. Trên địa bàn quận Hoàng Mai thời gian vừa qua, cứ 10 vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên thì ít nhất có 9 vụ được điều tra, làm rõ, bắt giữ toàn bộ đối tượng gây án. Nhưng tất cả các trinh sát, cán bộ điều tra đều không nghĩ đó là chiến công. Một vụ án liên quan đến trẻ vị thành niên đều khiến tâm lý cán bộ, chiến sĩ thêm trĩu nặng.

Những tên cướp trẻ con ấy thậm chí còn rất giản đơn trong suy nghĩ và động cơ phạm tội. Và không đứa trẻ vị thành niên nào đi cướp đến lúc bị bắt lại ý thức được cái giá phải trả. Tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) phân định 4 khung hình phạt. Nhẹ nhất là án phạt tù từ 3 - 10 năm. Cao hơn là phạt tù từ 7 - 15 năm. Cao hơn nữa là khung chịu án tù từ 12 - 20 năm (tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%). Cuối cùng là phạt tù từ 18 - 20 năm hoặc tù chung thân (gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe nạn nhân, chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên). Đặc biệt, vì được xếp trong nhóm tội danh nghiêm trọng nên cướp tài sản sẽ chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự mà không có xử phạt vi phạm hành chính.

Đầu tháng 3-2023, CAQ Hà Đông đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục quận, Ban Giám hiệu các trường trên địa bàn quận, tổ chức buổi “Tọa đàm để đánh giá, thông tin và bàn cách cứu con trẻ khỏi các hành vi vi phạm pháp luật”. Buổi tọa đàm hôm ấy có các thầy cô, các học sinh ngoan và cả học sinh từng bị xử lý kỷ luật do vi phạm pháp luật cùng các bậc phụ huynh. Tất cả mọi người dự tọa đàm có cơ hội để thấy được cái “dở” của bản thân mình và tâm sự một cách thẳng thắn, chân thành. Hội trường CAQ Hà Đông hôm ấy có rất nhiều khoảng lặng vì những chia sẻ thật lòng: “Tôi mong các bác phụ huynh ở đây, đừng như tôi, đừng quá vì mưu sinh cuộc sống mà bẵng đi con mình. Chúng ta hãy dành thời gian làm bạn của các con nếu muốn chúng không hư. Hãy trông cây để sửa đất, trông con để sửa mình”; “Ở góc độ người thầy, tôi biết cái yếu của nhiều thầy cô là việc sử dụng mạng xã hội không bằng con trẻ. Mà đã yếu hơn thì làm sao có thể kiểm soát, định hướng cho các em…”.

Những suy nghĩ, những câu chuyện quản lý con cái theo cách giản đơn, thậm chí là chưa tròn trách nhiệm của người lớn, còn được chỉ huy CAQ Hà Đông minh chứng: “Có ông bố, bà mẹ khi được mời đến cơ quan điều tra đã tỏ ra rất kiên quyết với điều tra viên: “Trăm sự nhờ các anh dạy bảo, các anh cứ tát chúng nó thật đau vào. Chúng tôi chịu rồi, nói nó không nghe nữa”. Lời nhờ cậy ấy nghe có vẻ thật lòng, nhưng hãy tự hỏi liệu đó có phải là chuyện bình thường không khi con mình sinh ra, nuôi lớn, mà lại không dạy dỗ được để rồi phải “trăm sự nhờ công an” hay phó thác cho xã hội?

Trước hiện tượng trẻ hư và phạm tội, người lớn chúng ta hay nói đến công thức “gia đình - nhà trường - xã hội” và luôn yêu cầu vế nào của công thức ấy cũng mạnh như nhau. Điều này không sai, và thực tế là lâu nay “vế” nào cũng đổ lỗi cho vế kia mà hiếm ai được như vị phụ huynh đã chia sẻ thẳng thắn ở buổi tọa đàm: “Hãy đừng lao vào mưu sinh. Hãy làm bạn với con trẻ”. Từ những lần tiếp xúc với trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, quan điểm người viết bài này cho rằng, mấu chốt quan trọng đầu tiên chính là gia đình, là các ông bố, bà mẹ. Thương con, có trách nhiệm với con thì khó khăn đến mấy cũng sẽ quyết tâm không để con mình thành kẻ xấu. Chỉ khi có được trọn vẹn sự quan tâm của bố mẹ, của gia đình thì sự bổ trợ của “vế” nhà trường - xã hội mới phát huy tác dụng tối đa.

Hãy chậm lại, hãy dừng lại một chút trong cuộc sống bộn bề để nghĩ và lo cho con cái mình, nhất là với những đứa trẻ đang trong cảnh sống thừa điều kiện để… hư. Liệu người lớn chúng ta có sẵn lòng làm như thế?