Con trẻ phạm tội có lỗi của mẹ cha

ANTĐ - Đằng sau mỗi bản án gắn vào cuộc đời các bị cáo khi tuổi đời còn quá trẻ, những người làm cha, mẹ luôn phải gánh một phần lỗi và trách nhiệm… 

Nghiện game, thiếu sự quản lý của gia đình là con đường đẩy nhiều trẻ vị thành niên đến phạm tội  

(Ảnh minh họa)

Đêm 25-1, Trịnh Trung Hiếu (SN 1984, trú tại phường Ngọc Hà, quận Ba Đình) đến rủ Đỗ Hoài Nam (SN 1991, ở xã Vân Hà, huyện Đông Anh) đi cướp. Rình ở đoạn đường thôn Giao Tác, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hiếu và Nam phát hiện anh Nguyễn Văn Ninh (SN 1968, ở xã Dục Tú, huyện Đông Anh), đi xe máy ngang qua. Chờ đến gần, Hiếu cầm gậy lao ra, vụt liên tiếp vào đầu khiến anh Ninh bất tỉnh. Tưởng nạn nhân đã chết, chúng dừng tay rồi lục soát cướp đi 400USD và 6 triệu đồng cùng một số giấy tờ tùy thân. Hậu quả của vụ cướp khiến anh Ninh gẫy xương hàm dưới, gãy gò má trái, chấn thương sọ não với tỉ lệ thương tích 43,8%. 

Chẳng kém gì toán cướp trên, ngày 11-4 vừa qua, TAND TP Hà Nội cũng ra quyết định tuyên phạt Trần Minh Đức (SN 1991, trú tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) 10 năm tù về tội “Cướp tài sản” và 18 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”, Trần Anh Tuấn (SN 1993, trú tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì) 8 năm tù và Đình Quang Đạo (SN 1996, ở Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì bị cáo này khi phạm tội mới 15 tuổi, cùng về tội “Cướp tài sản”.

Tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận, từ 1 đến 5-1-2011, Đức  rủ Tuấn và Đạo lên tuyến đê Sông Hồng thuộc địa bàn huyện Thanh Trì, gây ra hàng loạt vụ cướp tài của những phụ nữ qua đây. Thời gian gây án được 3 bị cáo này thực hiện thường vào rạng sáng và đêm khuya vắng. Khi phát hiện những phụ nữ đi máy một mình qua tuyến đê này, bọn chúng liền phóng xe áp sát, khống chế bằng cách kề dao vào cổ bị hại, đe dọa rồi cướp. 

Phân tích những vụ án trên, có thể thấy một điểm chung: Chỉ vì sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, các đối tượng còn trẻ tuổi dần dần sa vào con đường phạm tội lúc nào không biết. Tại phiên tòa mới đây, ông Đình Văn Đàm (bố của bị cáo Đạo) thừa nhận, vợ chồng ông sinh được 4 đứa con, Đạo là con lớn trong nhà. Do hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày, vợ chồng ông “đầu tắt, mặt tối” vào mấy sào ruộng. Cũng vì thế, việc quản lý, giáo dục con cái bị lơi lỏng. Đạo sa đà vào trò chơi điện tử (game online) và suốt ngày tụ tập, đàn đúm với đám bạn hư hỏng. Cùng với “lý do” thiếu sự quản lý của gia đình, trước Tòa, bị cáo Đức khai, chán cảnh nhà nghèo, đã thế sống trong hoàn cảnh bố mẹ ly dị nhau, thiếu vắng sự quan tâm, dạy bảo từ bố, mẹ nên Đức thích đua đòi. Để có tiền ăn tiêu và chơi game, Đức tụ tập những đối tượng có cùng hoàn cảnh đi cướp.

 

Trước thực tế này, Thẩm phán Nguyễn Hồng Hạnh (thuộc TAND TP Hà Nội) đã phải thốt lên: “Nhiều vụ án liên quan đến tội cướp tài sản chủ yếu do các đối tượng là trẻ vị thành niên sống thiếu sự quản lý của gia đình. Không được cha mẹ dạy bảo biết phân biệt đúng-sai, chỉ đến khi ra đứng trước vành móng ngựa, được sự giải thích cặn kẽ của HĐXX thì chúng mới nhận rõ hành vi phạm tội của mình”.

Chuyên gia tâm lý Trần Văn Thành cũng nhận định, sự buông lỏng quản lý của gia đình và sự giáo dục lỏng lẻo của phía nhà trường chính là những nguyên nhân để  nhiều trẻ vị thành niên phạm tội. Đằng sau những tội lỗi của con trẻ gây ra, chúng ta không thể phủ nhận một phần lỗi do người lớn.