Con trai là phải mạnh mẽ, nhưng cũng có quyền được khóc

ANTĐ - Cuộc sống luôn có thắng và thua, con đừng buồn khi thua mà hay nghĩ rằng mình còn có những cơ hội khác. Chấp nhận thua để cố gắng hơn cũng là một chiến thắng rồi. Là con trai, con có quyền khóc nhưng con phải bản lĩnh hơn...

Tôi năm nay 23 tuổi, tôi cảm giác đã là chàng trai trưởng thành và có thể tự quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình một cách chín chắn. Tất nhiên, nếu nói chín chắn thì không hoàn toàn đúng, nhưng tôi nghĩ, tôi mạnh mẽ hơn nhiều cậu bạn khác. Điều đó, tôi luôn cảm ơn mẹ tôi, người đã cho tôi sức mạnh của người đàn ông từ khi tôi còn nhỏ...

Thực sự khi viết lại những dòng chữ này, tôi không còn quá nhớ đến việc mẹ đã ở bên cạnh tôi, dạy dỗ tôi trưởng thành một cách tỉ mỉ như thế nào. Bởi tôi nghĩ, điều đó là tất cả những mối tổng hòa trong cách dạy con của mẹ, từ những việc rất nhỏ. Và bây giờ, tôi luôn được khen là người đàn ông biết sống mạnh mẽ mà như bạn tôi hay nói vui "người đàn ông đích thực”. Nếu cứ nói về mình như vậy, hẳn sẽ chẳng ai tin, hoặc nghĩ rằng tôi khoa trương, tôi cũng không dám nhận những gì bạn bè khen ngợi, nhưng tôi tự hào một điều rằng ít nhất, tôi luôn lịch sự và trân trọng phụ nữ. Với người đàn ông, điều đó có thật sự đáng khen?

 

Tôi nhớ câu chuyện đầu tiên mẹ nói để tôi ý thức mình là con trai là khi tôi còn nhỏ lắm. Tôi không nhớ chắc rằng khi ấy mình bao nhiêu tuổi, nhưng chỉ nhớ là tôi và chị hàng xóm giành nhau quyết liệt một món đồ chơi. Chị ấy dùng rất nhiều "chiêu" như nắm tóc, kéo áo rồi... cào khiến tôi bị xước mặt. Trẻ con bị đánh thì đương nhiên là cáu và quyềt liệt cho bằng được, tôi cũng gồng lên để đánh trả chị. Mẹ tôi ở trong bếp nghe tiếng khóc của chị liền chạy ra, mẹ dàn hòa giữa hai bên và nói với tôi: "Con hãy nhìn xem, chị là con gái, bàn tay chị rất nhỏ và mềm, làm sao tranh giành được với con. Con là con trai, con hãy nhường chị ấy vì con khỏe hơn rất nhiều, con sẽ làm đau chị ấy...".Tất nhiên, khi đó tôi không hiểu lắm mọi việc, chỉ nhớ rõ một điều đại khái là con trai thì sẽ mạnh hơn con gái, khỏe hơn con gái thôi.

Nhưng sở dĩ tôi nhớ câu chuyện đó vì ngay sau thời điểm đó, mẹ rất hay cho tôi xem phim hoạt hình. Những lúc xem, mẹ luôn ngồi bên cạnh và hay giải thích cho tôi rằng tại sao cô chuột Mickey gái lại luôn được chuột Mickey trai chăm sóc, tại sao nhân vật hoạt hình nữ lại luôn được nhân vật hoạt hình nam bảo vệ, che chở khỏi những khó khăn trong cuộc sống, thậm chí người con trai có thể chiến đấu để bảo vệ người con gái... Tự trong đầu tôi đã sớm biết nghĩ rằng, mình là con trai, mình phải mạnh mẽ, mình... không thèm chấp bọn con gái.

Cũng có nhiều khi tôi ức lắm, ức đến nỗi khóc tướng lên: "Con không muốn làm con trai, tại sao con trai cứ phải nhường con gái?". Cũng có lúc tôi đã "chiến đấu" chống lại quan điểm của mẹ rằng phải biết nhường con gái, nhưng mẹ kiên trì lắm, qua cái "cơn" của tôi lần sau mẹ lại tiếp tục nói rằng nên nhường nhịn một chút, vì "con gái rất ngoan dễ thương và xứng đang được nhường".

Nhà tôi là 2 anh em trai, không có em gái. Em gái hay chị gái đều là của nhà... hàng xóm. Mẹ tôi và cô giúp việc là hai người phụ nữ trong nhà. Cô giúp việc ở với nhà tôi khá lâu, có lẽ cũng đến hơn chục năm chứ không ít. Từ khi tôi học lớp mấy trường làng, cô còn hay đón đưa tôi đi học. Mẹ luôn nói với chúng tôi, đây là người cô ở quê ra sống chung với chúng tôi chứ không phải người giúp việc. Mỗi khi cô nấu cơm, nhìn thấy chúng tôi rảnh, mẹ nói: "Các con nhìn kìa, cô nấu cơm mồ hôi ra có vất vả không, các con là con trai, hãy vào nhặt rau giúp cô đi...". Cùng với việc bảo chúng tôi nhặt rau thì mẹ cũng luôn vào bếp để làm việc chung.

Trước đây, có lần, ngồi ăn cơm, thiếu đũa trong mâm, em trai tôi bảo cô giúp việc. Cô vào lấy cho cháu". Mẹ tôi lắc đầu: "Con là con trai, việc như vậy con phải là người vào lấy đũa chứ". Dân dần, chúng tôi hình thành thói quen là việc dọn mâm bát ăn cơm thì con gái là người dọn mâm cho đẹp, nhưng bưng mâm ra thì phải là đàn ông. Mẹ không bắt chúng tôi rửa bát, nhưng mỗi khi cô giúp việc mệt, đau đầu, mẹ đều nói hai anh em chúng tôi xắn tay áo rửa bát hỗ trợ cho cô. Mẹ bảo, dù là con trai nhưng việc gì cũng phải làm được, bởi vì sau này các con sẽ phải hỗ trợ người phụ nữ của các con trong cuộc sống. Sự chia sẻ, hỗ trợ mới làm nên hạnh phúc. Tôi nhớ, hình như mẹ luôn nói thế mỗi khi có dịp thủ thỉ trò chuyện với chúng tôi, cũng có khi tôi chán nghe, nhưng tự dưng nó cứ thấm vào đầu và trở thành suy nghĩ của riêng mình một cách tự nhiên.

Cả bố và mẹ tôi dường như có sự phối hợp rất nhịp nhàng trong việc để hình ảnh của bố tôi tác động tới chúng tôi. Tôi luôn thần tượng sự chăm sóc của bố mẹ dành cho nhau và tôi luôn ước sau này mình cũng có được một gia đình như thế. Cho đến tận bây giờ, khi vào mâm cơm, bố vẫn luôn gắp một món ăn ngon nhất để mẹ ăn trước, bố hay nói đùa: "Bố nhiều lỗi lầm nên phải bù trừ cho mẹ bằng đồ ăn". Có những khi bố nói rất chân thành: "Mẹ con vất vả nhiều rồi, mẹ phải được món ngon nhất".

Bố tôi chẳng bao giờ nề hà việc gì trong nhà, chủ nhật, ông sẵn sàng để cả mẹ và bà giúp việc nghỉ ngơi để ông đi lau dọn nhà cửa, chỉnh sửa lại món đồ này, món đồ kia. Thậm chí, thi thoảng, ông mời cả mẹ và cô giúp việc ra xem phim Hàn Quốc và ông hò dô chúng tôi cùng vào bếp để nấu ăn cho "hai bà". Bố tôi nói rất vui: "Phụ nữ thích được nịnh nọt, chăm sóc, bố con mình nịnh tí để cả tuần mình được họ chăm sóc các con ạ". Những lúc đấy chúng tôi thấy vui lắm, vui nhất là khi được mẹ khen món này ngon, món kia quá tuyệt vời. Được chăm sóc cho người phụ nữ thân yêu của mình thật sự hạnh phúc biết bao.

Anh em chúng tôi lớn lên bằng tình yêu thương, sự chăm sóc của bố mẹ, và lớn lên bằng những bài học cuộc sống đầy nam tính. Năm lớp 6, tôi đi thi học sinh giỏi. Tôi cũng tự tin với khả năng của mình và luôn tin rằng mình sẽ vượt qua cấp Quận để đi thi Thành phố. Thế những, tôi đã không may bị trượt. Nhận kết quả, tôi buồn bã đến nỗi không nói được lời nào, ngồi câm lặng trên ghế đợi mẹ đến đón. Vừa nhìn thấy mẹ, tôi òa khóc. Xung quanh, nhiều phụ huynh xì xào hỏi không hiểu vì sao, vài bác còn đến xoa đầu tôi: "Con trai ai lại khóc thế". Càng nói, tôi càng khóc. Mẹ dựng xe một góc, kéo tôi đến ghế đá sân trường, mẹ ôm đầu tôi nói: "Con trai, con là con trai nhưng con có quyền được khóc. Ai cũng có quyền khóc nếu khóc làm vơi đi nỗi buồn. Biết khóc là sẽ biết vượt qua. Con khóc hết đi rồi sẽ thoải mái".

Đúng là khóc xong tôi cũng thấy thoải mái thật. Mẹ đợi cho tôi với nỗi buồn sau 1-2 ngày, mẹ bảo tôi: "Cuộc sống luôn có thắng và thua, con đừng buồn khi thua mà hay nghĩ rằng mình còn có những cơ hội khác. Chấp nhận thua để cố gắng hơn cũng là một chiến thắng rồi. Là con trai, con có quyền khóc nhưng con phải bản lĩnh hơn để thấy việc thi trượt là bình thường thôi, lần sau sẽ phải "phục thù". Mẹ làm tôi thấy nhẹ nhàng từ giây phút ấy. Sau này, anh em tôi trải qua rất nhiều những sự cố thắng - thua, thất bại, mẹ luôn khuyên chúng tôi có thể làm gì đó ngay lúc ấy cho đỡ buồn như khóc hay uống bia chẳng hạn (khi lớn), nhưng sau đó phải cười lên để tiếp tục với những cuộc chiến mới, chinh phục những đỉnh cao khác.

Và tôi luôn hy vọng sẽ trở thành người đàn ông như bố tôi, người luôn biết chăm sóc người phụ nữ của mình rất đúng lúc, kịp thời...