"Con rể lừa mẹ vợ" hay "lừa tiền của chính mình"?

ANTĐ - Sáng 20-10, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xem xét lại quyết định tuyên vô tội của TAND TP Hà Nội đối với bị cáo Trần Minh Anh. Tuy nhiên, do vắng mặt người có quyền lợi liên quan đến vụ án nên phiên xử buộc phải hoãn…

"Con rể lừa mẹ vợ" hay "lừa tiền của chính mình"? ảnh 1Ông Trần Minh Anh (bên trái) sau phiên tòa sơ thẩm, hồi tháng 9-2014

Vụ án kéo dài 5 năm, qua 8 lần mở phiên tòa

Sau nhiều lần mở phiên tòa và vụ án kéo dài hơn 5 năm, ngày 17-9-2014, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên bố ông Trần Minh Anh (SN 1961, trú tại phố Ngọc Hà, phường Đội Cấn, Ba Đình) không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng truy tố. Theo đó, ông Trần Minh Anh bị VKSND Tối cao (nay là VKSND cấp cao tại Hà Nội) truy tố đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt của Công ty CP chứng khoán Bảo Việt Hà Nội (gọi tắt là Công ty Bảo Việt) hơn 3 tỷ đồng. 

Cụ thể, cuối tháng 1-2007, bà Bùi Thị Minh (trú ở quận Hai Bà Trưng) và con rể là Trần Minh Anh  đến Công ty Bảo Việt mở tài khoản, rồi chuyển hơn 3 tỷ đồng vào tài khoản để kinh doanh cổ phiếu. Hơn 1 năm sau, bà Minh đến Công ty Bảo Việt rút tiền thì phát hiện trong tài khoản chỉ còn lại 9,1 triệu đồng. Số tiền trong tài khoản mang tên bà Minh đã bị Minh Anh 19 lần làm thủ tục rút gần hết.

Cho rằng con rể lợi dụng sự thiếu hiểu biết của mình để chiếm đoạt tiền, ngày 31-7-2008, bà Minh có đơn tố cáo Trần Minh Anh. Quá trình xét xử sơ thẩm, tòa cho rằng, về danh nghĩa bà Minh là chủ tài khoản mở tại Công ty Bảo Việt, song thực tế thì mọi thủ tục giấy tờ, ký tá và các lần rút, chuyển tiền đều do ông Minh Anh thực hiện. Các lần ông Minh Anh giao dịch, mua bán chứng khoán tại Công ty Bảo Việt hầu hết đều có mặt bà Minh. 

Đối với số tiền đưa vào tài khoản mang tên bà Minh, nhiều tài liệu chỉ rõ đó là tiền của ông Minh Anh và vợ là chị Trần Kim Ngân (con gái bà Minh, hiện cư trú tại CHLB Đức) gửi về để chơi chứng khoán. Trong khi đó, bà Minh và con gái thì khẳng định toàn bộ số tiền ông Minh Anh rút ra từ tài khoản tại Công ty Bảo Việt là tiền riêng của chị Ngân gửi về trả nợ mẹ đẻ. Tuy nhiên, trong nhiều tài liệu cùng lời khai của những người liên quan lại chỉ ra rằng số tiền hơn 3 tỷ đồng được đưa vào tài khoản mang tên bà Minh vốn có nguồn gốc từ việc chị Ngân bán ngôi nhà chung với ông Minh Anh ở bên Đức, sau đó gửi về cho chồng để chơi chứng khoán.

Ở một số bút lục, không chỉ có ông Minh Anh mà ngay cả chị Ngân cũng thừa nhận do sợ bị cơ quan chức năng Đức truy thu tiền thuế nên khi gửi tiền về nước, gia đình đã thống nhất lấy tên cháu ngoại (con trai vợ chồng Minh Anh) gửi cho bà Minh. Và vụ án càng trở nên phức tạp hơn ở chỗ, ban đầu bà Minh được xác định là bị hại, nhưng về sau lại được coi là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 


Người tố cáo không đến dự tòa

Cũng theo bản án sơ thẩm, khi tuyên bố Trần Minh Anh không phạm tội, ngoài những tài liệu thể hiện bị cáo này “lừa tiền của chính mình” như nêu trên thì ở thời điểm vụ án được đưa ra xét xử, dù đứng ở hai “chiến tuyến”, song thực tế hôn nhân giữa ông Minh Anh và bà Ngân vẫn còn hiệu lực pháp luật. Căn cứ chứng minh điều đó chính là Giấy đăng ký kết hôn hợp pháp vào năm 1988. Khi phiên tòa hình sự sơ thẩm mở ra, chưa có bất kỳ một bản án hay quyết định nào của tòa án thể hiện 2 người đã ly hôn. 

Quá trình giải quyết vụ án, HĐXX sơ thẩm đánh giá, việc bà Minh đứng tên chủ tài khoản ở Công ty Bảo Việt đã có sự thỏa thuận giữa bà Ngân và ông Minh Anh với mục đích chơi chứng khoán. Và thực tế là giữa 3 người đã cùng nhau mua bán cổ phiếu từ trước. Lần gửi tiền về nước, sau đó lấy tên bà Minh mở tài khoản chơi chứng khoán, bà Ngân chuyển tổng cộng 176.000 euro (hơn 3 tỷ đồng) và 34.000 USD. Khi cùng mẹ vợ ra ngân hàng rút tiền, ông Minh Anh đã giữ lại 34.000 USD để chi tiêu cá nhân, nhưng bà Minh và bà Ngân không có ý kiến gì. Về nguồn gốc số tiền ấy, cấp tòa sơ thẩm xác định đó chính là tiền bán ngôi nhà bên Đức - tài sản chung giữa bà Ngân và Minh Anh.. 

Ngày 15-9-2014, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Trần Minh Anh ra xét xử lần thứ 7 và bà Ngân cũng về nước để tham dự. Sau 3 ngày xét xử, chủ tọa phiên tòa đã tuyên bố Trần Minh Anh không phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như cáo trạng của VKSND Tối cao truy tố. Về số tiền hơn 3 tỷ đồng mà cơ quan truy tố cho rằng Trần Minh Anh đã chiếm đoạt của Công ty Bảo Việt, HĐXX tuyên bố dành quyền khởi kiện trong một vụ án khác cho tất cả các bên liên quan nếu một trong các bên có yêu cầu…

Không đồng tình với các quyết định tại bản án sơ thẩm, VKSND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 17/QĐKNPT-P1 ngày 1-10-2014 kháng nghị bản án sơ thẩm của cơ quan xét xử cùng cấp. Trong quyết định kháng nghị ấy, VKS cho rằng Trần Minh Anh phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nên để nghị hủy án sơ thẩm để xét xử lại theo hướng có tội. 

Được biết, ngoài kháng nghị của VKSND TP Hà Nội, bà Bùi Thị Minh cũng có đơn kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Nhưng khi phiên tòa phúc thẩm được mở ra thì người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan này lại vắng mặt, khiến vụ án vẫn chưa thể đến hồi kết.