Có triển khai được Dự án thành phố hai bên sông Hồng?

(ANTĐ) - Tại hội thảo về Dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, ngày 16-12, có nhà khoa học đã phát biểu, nên dứt điểm dự án này có triển khai trong thực tế hay không và nếu có thì lộ trình thế nào phải rõ ràng, công khai với người dân. Bởi, nếu cứ hội thảo, triển lãm mãi, hàng trăm nghìn người dân sống tại khu vực hai bên bờ sông Hồng sẽ lo lắng, băn khoăn về dự án tới bao giờ?

Có triển khai được Dự án thành phố hai bên sông Hồng?

(ANTĐ) - Tại hội thảo về Dự án lập quy hoạch cơ bản phát triển khu vực sông Hồng đoạn qua Hà Nội, ngày 16-12, có nhà khoa học đã phát biểu, nên dứt điểm dự án này có triển khai trong thực tế hay không và nếu có thì lộ trình thế nào phải rõ ràng, công khai với người dân. Bởi, nếu cứ hội thảo, triển lãm mãi, hàng trăm nghìn người dân sống tại khu vực hai bên bờ sông Hồng sẽ lo lắng, băn khoăn về dự án tới bao giờ?

Chỉnh trị sông Hồng nhằm đem lại an toàn cho người dân, không phải để tạo quỹ đất - Trong ảnh: Người dân đang lo lắng quan sát lực lượng chức năng cứu kè Liên Trì (Đan Phượng, HN)

Chỉnh trị sông Hồng nhằm đem lại an toàn cho người dân, không phải để tạo quỹ đất - Trong ảnh: Người dân đang lo lắng quan sát lực lượng chức năng cứu kè Liên Trì (Đan Phượng, HN)

Hà Nội đã mở rộng, cần gì thêm đất?

GS. TSKH. KTS. Nguyễn Thế Bá - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch cải tạo và phát triển các khu dân cư đô thị ven sông, là một vấn đề lớn, được xã hội quan tâm nhất. Việc điều chỉnh, cải tạo xây dựng mới, chuyển đổi cư dân trong giải pháp mặt bằng để tạo lập nên các khu đô thị mới hiện đại, bảo đảm chất lượng cư trú cao hài hòa với thiên nhiên có đầy đủ mọi trung tâm dịch vụ văn hóa, xã hội và kinh tế là ước mơ của mọi người song hiện thực đến đâu là một bài toán rất khó.

GS.TSKH Nguyễn Tài, ĐH Dân lập Phương Đông phản biện, Hà Nội mới mở rộng, quỹ đất tăng lên đáng kể. Việc tìm kiếm diện tích đất để xây dựng khu đô thị mới, nhà cao tầng cho thuê hay chung cư cao cấp không còn nan giải như trước kia. “Thêm nữa, kinh tế thế giới đang suy thoái, khả năng đầu tư cho dự án sẽ ra sao? Việc chỉnh trang sông Hồng là cần thiết nhưng mục tiêu của việc chỉnh trang trước hết là đảm bảo an toàn cho người dân, bảo vệ môi trường chứ không phải mục đích chính là để tạo thêm quỹ đất. Việc di dời 39.100 hộ dân trong 13 năm như dự án nêu là việc làm quá sức, không tưởng so với năng lực của thành phố hiện nay. Chỉ riêng dự án đường vành đai 3 mà hơn 8 năm nay còn chưa GPMB xong...” - ông Nguyễn Tài bức xúc.

Một số chuyên gia chia sẻ quan điểm này: “Nếu có cuộc di dân như vậy, có thể nói là quy mô cực lớn và tốc độ cực nhanh, chưa từng có trong lịch sử... Đâu phải cứ bồi thường bằng tiền là xong, người dân tới nơi ở mới còn phải ổn định cuộc sống với bao lĩnh vực như nghề nghiệp, thu nhập, học hành, chữa bệnh, hay giải trí...”.

TS Nguyễn Hoàn - Viện Kinh tế Việt Nam bổ sung: “Dự án có nêu nhân lực thi công xây dựng lên tới 57.500 người. Như vậy, có thể hình dung Hà Nội sẽ trở thành công trường khổng lồ kéo dài trong 12 năm hoặc có thể dài hơn. Vậy, sẽ phục vụ mọi nhu cầu sống và làm việc của 57.500 con người này thế nào? Giải tỏa 39.100 hộ dân hiện đang sống ngoài đê đã rất khó, lại kéo người ở nơi khác tới đây lập nghiệp lâu dài hay sao?”.

Lo “mỡ nó, rán nó”!

TS Nguyễn Văn Bức - Tổng Giám đốc Cty CP Tư vấn quốc tế và XD giao thông Hà Nội cho rằng: “Không nên coi những hộ gia đình có nhà ở ngoài bãi sông đều là cư trú trái phép. Nhiều gia đình đã có hộ khẩu, có “sổ đỏ”, thậm chí có giấy phép xây dựng thì phải được coi là cư trú hợp pháp và cần được đền bù nhà - đất thỏa đáng, nếu dự án có triển khai” - ông Bức nói.

GS.TSKH Lâm Quang Cường, trường ĐH Xây dựng Hà Nội cũng lo lắng, thời gian thực hiện dự án tới năm 2020 (chỉ có 13 năm) là không đủ vì phải kể tới thời gian chuẩn bị. Thời gian cần thiết ít nhất phải trên 20 năm, tức là kéo dài tới 2030. TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội băn khoăn, dự án đã nêu dự báo quỹ đất có thể khai thác phát triển đô thị lên tới 2.462ha.

Số hộ dân phải di dời tới 39.100 hộ và xác định số hộ tái định cư gần 29.000 hộ. Sau quy hoạch sẽ cung cấp nhà ở cho 97.000 hộ (khoảng hơn 400.000 dân)... Đây là những vấn đề cần xem xét vì với Hà Nội mở rộng không thể chấp nhận đất ở bình quân chỉ hơn 10m2/người. Đấy là chưa kể đến các làng nghề, điểm dân cư truyền thống chưa làm rõ giải pháp xử lý.

Cũng liên quan tới tiến độ dự án, TS Nguyễn Hoàn đặt câu hỏi: “Cứ nói năm 2009 sẽ chọn chủ đầu tư. Vậy ai sẽ “vào” đây? Tổng vốn đầu  tư của dự án khoảng 7 tỷ USD. Chẳng có chủ đầu tư nào dại gì đổ vào Việt Nam số tiền đó. Họ chỉ bỏ một khoản nào đó để “làm mồi”.

Sau đó, lấy “mỡ nó rán nó”, bằng nhiều cách huy động vốn nội địa Việt Nam để đầu tư và bán nhà, bán đất với giá cắt cổ, tích tụ ngoại tệ mạnh để chuyển về chính quốc... Một số chuyên gia, nhà khoa học thẳng thắn: “Nên làm rõ việc làm quy hoạch xong có triển khai dự án hay cứ để “treo” đó và coi như lập quy hoạch chỉ để... nghiên cứu. Hàng trăm nghìn người dân sống hai bên bờ sông Hồng đang cần câu trả lời chính thức về vấn đề này”.

Chính Trung