Cô tôi

ANTĐ - Tuyệt vời nhất là nghỉ hè tôi cùng Chương được lên Bắc Giang thăm bà và cô tôi.

Chúng tôi hớn hở sắp xếp ba lô quần áo, cặp vẽ, giấy bút màu - Bố đưa chúng tôi đi tàu hỏa lên Bắc Giang, tàu chạy qua 4 cái cầu, cầu Long Biên, cầu Sông Đuống, cầu Đáp Cầu và cầu Sông Thương là đến Bắc Giang. Tàu chuẩn bị qua cầu Sông Thương là chúng tôi đã háo hức lắm rồi, nhổm hết dậy thò đầu qua cửa sổ, tàu chạy xình xịch đếm từng phút hồi hộp, sắp gặp bà rồi, lại sắp gặp lại cô Uyên, chú Nam, các em Liên, Lan, rồi Huy, Minh, em Thúy rồi - em Thúy lúc ở với cô chú, lúc về thăm bố mẹ nuôi em từ bé khi cô chú đi kháng chiến.

Tôi thường được nghe bố mẹ tôi kể chuyện, đám cưới cô chú tôi tổ chức ở trên Đồi Cháy, ấp Cầu Đen, Nhã Nam, Bắc Giang, quả đồi là nơi sinh sống của gia đình tôi cùng các bác Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Trần Văn Cẩn, Tạ Thúc Bình… và là nơi các nhà văn, nhà thơ, họa sỹ qua lại dập dìu.

Vì thế trong đám cưới của cô chú tôi, bác Văn Cao đã hát bài “Sông Lô”, bác Nguyễn Đình Thi hát bài “Người Hà Nội”, là sáng tác của hai bác, chắc đó là lần đầu tiên hai bác biểu diễn, tự hát bài hát mới sáng tác của mình cho các bạn nghe, trước đám đông như vậy.

Rồi hát Chèo, hát Tuồng, lại còn diễn kịch, ngâm thơ của bác Hoàng Cầm nữa.

Bố tôi cũng đã đóng một vai trong vở kịch của bác Hoàng Cầm để mừng em gái mình lấy chồng.  

Tàu qua cầu, đi 1 đoạn nhìn thấy bên tay trái một hồ nước, có một vườn cây xanh um, đấy là Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, sau này là tỉnh Hà Bắc kết hợp 2 tỉnh với nhau, là cơ quan chú tôi làm việc, chú là Chủ tịch tỉnh Hà Bắc, còn cô Uyên tôi là cán bộ ở thư viện 

tỉnh này.

Tàu đỗ xuống ga, chúng tôi đi bộ về nhà cô chú - một mảnh vườn rộng, rào bằng tre có mùng tơi, mướp leo kín, bước vào cổng bên phải nhà cô tôi là một ngôi nhà tranh, vách đất, khá rộng là chỗ gia đình ở, có hiên nhà khá rộng, vườn rau, cây đu đủ, cây na, cây quéo, cây mít… một cái giếng và bếp. Sân nhà có giàn thiên lý, nho, cô cũng trồng một cây đào, nhưng không đẹp bằng cây đào của bố tôi. Bên cạnh nhà là một cái hồ nước rộng.

Ngoài bà tôi ra, tôi cũng yêu quý cô Uyên lắm, cô cháu có nhiều điều tâm đắc, hợp nhau, tính cô thoải mái, cười ha ha, mắt nheo tít lại. Cô giống bố tôi lắm, cũng mũi cao, mắt 2 mí, mắt to nhưng trông buồn lắm, chỉ có điều môi không nhọn như môi bố tôi.

Mỗi lần gặp cô, thế nào 2 cô cháu cũng kể cho nhau nghe những truyện đã đọc nào là Tsekhop, Pautopxki, nào là Cây phong non trùm khăn đỏ, Bông Hồng vàng… cô sôi nổi nhất khi nói về mối tình của Natasa với Anđrây và Pie Bedukhop. Trong Chiến tranh Hòa bình của Leptonstoi, rồi chuyện Anna Karenina, tôi lúc đó còn bé nhưng cũng đã đọc cả vì bố tôi làm ở Nhà xuất bản Văn học nên luôn có sách mới biếu - vì thế tôi đọc tất cả những sách bố tôi có. 

Cô tôi tính sôi nổi, hồ hởi, cả nhà đang ăn cơm ngoài hiên, thấy cô hàng xóm đi qua thế nào cô tôi cũng gọi với ra:

- Bác ăn cơm chưa vào đây ăn cơm với nhà em.

- Chị ăn cơm chưa vào đây ăn cơm với nhà em.

Với ai cô tôi cũng mời vào ăn cơm với gia đình, đó là câu nói thường trực suốt đời của cô tôi với mọi người:

- Cám ơn, tôi ăn rồi.

- Vậy mời bác vào uống nước.

Có người nghe mời rẽ vào luôn:

- Ôi chà may quá, đang đói chưa kịp ăn gì.

Thế là cô tôi lập tức mời họ ngồi vào mâm, chạy đi lấy thêm bát đũa, rang thêm củ lạc hay đập thêm quả trứng chiên, tất tưởi mang lên.

- Thôi nhà không có gì mời bác hay anh chị ăn tạm.

Lại chạy xuống bếp gắp thêm đĩa dưa, đĩa cà, bữa ăn nào tôi thấy cô tôi cũng chạy lên chạy xuống hết bưng thêm món này, lại xào nấu thêm món khác, cô không ngồi yên để ăn cùng mọi người, cô cứ chạy lên chạy xuống hết làm thêm món này, lại làm thêm món kia, cứ le te, tươi cười xởi lởi mời mọc mọi người.

Tôi thích ngồi với cô nói chuyện đọc sách, bình luận về các nhân vật trong truyện, cô hay mơ mộng, cô yêu Natasa, cô có thể nói rất lâu về mối tình và sự trong sáng của Natasa, cô thương Anna Karenina về mối tình không trọn vẹn của họ. Cô thổn thức về  mối tình của anh thợ vàng, quét nhặt những bụi vàng để làm nên 1 bông hồng vàng, tặng 1 người mình thầm yêu trộm nhớ, rồi hạnh phúc nhắm mắt ra đi.

Cô cầm chặt tay tôi xúc động nói về chuyện Chiếc lá cuối cùng mà người bệnh nghĩ rằng nếu chiếc lá đó rơi xuống, họ sẽ chết, một người bạn đã vẽ chiếc lá đó lên tường, chiếc lá thật đã rơi, nhưng chiếc lá vẽ vẫn còn đó, người bệnh nằm trong phòng nhìn qua cửa sổ, chiếc lá vẫn y nguyên, mùa đông tuyết rơi, chiếc lá vẫn còn. Vượt qua nỗi sợ hãi, vượt qua bệnh tật và người bệnh đã sống chỉ có niềm tin, chiếc lá vẫn còn - một chiếc lá duy nhất vẽ trên tường đã cứu một con người mất hết lòng tin vào sự sống - đó là niềm tin và tình yêu thương.

Mỗi khi ngồi nói chuyện với tôi, cô hay ngước mắt lên cao nói, cô vẫn như nghe đâu đây tiếng Natasa thò đầu ra khỏi cửa nói trăng hôm nay sáng quá.

Cô cứ lẫn lộn như vậy, với ai cô cũng nhiệt tình, lúc cô sống cuộc đời thực, chốc chốc cô lại quay lại với các nhân vật của mình và chìm đắm mình ở trong câu chuyện đó.

Cô còn hay làm thơ, cô viết thơ của mình vào quyển sổ ô carô, rồi cô xé ra đọc cho người này người nọ nghe, cô làm cả mấy bài thơ tặng tôi nữa, tôi cất rất kỹ nhưng bao nhiêu năm đã qua, bài thơ cô tặng tôi nằm trong đống tài liệu đầy ăm ắp, chưa thể nào tìm ra nổi. Cô cứ thích thì làm thơ, xong vứt lung tung chẳng coi đó là tác phẩm cần để in hay lưu giữ, cô coi nó như sự giải tỏa những cảm xúc của mình, cần được viết ra để giảm nhẹ những gì đang làm tâm hồn cô ăm ắp - Chưa bao giờ cô coi mình là một nhà thơ, nhưng với tôi, tâm hồn cô nhiều lúc còn mộng mơ, dào dạt hơn cả tâm hồn 1 thi sỹ.

Tôi rất yêu cô, tôi coi cô như mẹ của mình, những lúc tôi buồn, những lúc khó khăn cô đều chia sẻ và quan tâm.

Cô không phải là người nguyên tắc cứng rắn, cô rất hay mềm lòng, cô khá đẹp, da ngăm ngăm, khuôn mặt trái xoan dài, mắt to 2 mí trông buồn buồn, lông mày đen rõ nét, mũi cao, trán cao, cô không ngăn nắp, đồ đạc cô vứt lung tung, lộn xộn - cô ăn mặc rất tùy tiện, nhiều lúc quần ống thấp ống cao, áo trong dài hơn áo ngoài, nhiều lúc bắt chiếc bà nội tôi, cô ăn trầu bòm bèm, răng, môi đỏ choe choét, thấy ai cô đã cười tươi hớn hở từ xa, cô vừa xởi lởi, hồ hởi lại nồng nhiệt. Ít ai biết bên ngoài con người đó, cô có một tâm hồn thơ mộng và yếu đuối, với những nhân vật tiểu thuyết của mình. Cô rất đôn hậu, hồn nhiên, cứ mỗi lần về Hà Nội, chào anh chị xong, cô rủ tôi:

- Hai cô cháu mình đi chơi đi. Thế là hết đi chợ hôm, đến chợ Hàng Da, lên chợ Đồng Xuân, ra khu Tạ Hiền, phố cổ, dọc đường thấy món ăn gì cô cũng rủ: cô cháu mình ăn đi. Tôi đi với cô từ sáng đến chiều, chỗ nào cô cũng vào nhìn ngắm, ăn uống tất cả những gì cô thích, xong mua quà bánh cho mọi người. Đến chiều tối 2 cô cháu về đến nhà y như rằng là đêm hôm đó tôi bị đau bụng, tôi vốn khó ăn khó uống từ bé, ăn gì lạ là tôi đau bụng ngay vì thế, cứ đau bụng quằn quại, cả nhà hết xoa dầu, lại cho tôi uống nước gừng, mẹ thế nào cũng nói:

- Hai cô cháu lại đi ăn quà vặt suốt ngày chứ gì?

Cô tôi bẽn lẽn:

- Vâng ạ.

Tôi nằm ôm bụng rên hừ hừ nhưng nếu bảo đi với cô tôi nữa tôi vẫn sẽ lại đi chơi cùng cô ngay.

Cô về Hà Nội chơi với bố mẹ và chúng tôi vài ngày rồi lại lên Bắc Giang.

Cô tôi rất mê bức tranh “Người đàn bà xa lạ” của Ivan Kramskoi, bức tranh vẽ một người đàn bà Nga, ngồi trên xe ngựa cũng khuôn mặt hao hao giống cô, có cặp mắt to buồn mênh mông. Cặp mắt của cô tôi và em Liên tôi cũng giống như vậy. Đi đâu cô cũng mang bức tranh đi theo, cô treo ở Bắc Giang, sau này về Hà Nội cô lại mang về treo ở phòng của cô, bức tranh đó mấy chục năm qua vẫn còn. Tôi tin cô cũng tìm thấy một phần tâm hồn cô trong người đàn bà có đôi mắt to buồn mênh mông đang cúi nhìn xuống này.

Mỗi lần lên Bắc Giang chơi, cô hay nhận bóc lạc về để cả nhà cùng ngồi quây quần ngoài hiên, vừa nói chuyện râm ran, vừa bóc lạc tanh tách, cô nói:

- Các cháu làm việc vừa vui, vừa lao động nhẹ nhàng lại có tiền mang về cho bố mẹ.

Cả nhà từ bà nội, cô tôi, các em con cô, tôi và Chương ngồi mỗi người có 1 cái gạc tre uốn 2 mành, cho củ lạc vào bóp tách 1 cái củ lạc vỡ làm đôi, vứt vỏ sang 1 bên, hạt lạc để sang 1 bên, nhiều đêm trăng sáng vằng vặc, chúng tôi vừa bóc lạc vừa cười nói kể chuyện vui, rồi kể chuyện học hành, chuyện con cá, con gà, nói đủ thứ chuyện, tiếng nói chuyện cứ rầm rì, tiếng bóc lạc tanh tách, rồi cười hơ hơ, ha ha, hi hi, mãi đến khuya vẫn không buồn ngủ.

Ban ngày tôi hay cùng Chương đi vẽ phong cảnh, có lúc sang ủy ban chỗ chú tôi làm việc chơi, có cái hồ ở đó, Chương, Huy, Minh cứ trần truồng nhẩy bông nhông từ trên cao xuống, vẫy vùng trong hồ nước, tôi sợ không dám xuống, ngồi trong sân ủy ban đọc sách.

Thỉnh thoảng chú Nam tôi đi ra, hai tay vung vẩy tập mấy động tác thể dục giãn gân cốt, thấy chúng tôi chú mắt nheo nheo cười rất tươi, để lộ ra chiếc răng khểnh tiến lại vỗ vai tôi nói:

- Hiền đấy hử? Thế nào cháu, khỏe chứ, tốt chứ, cố gắng lên nhé, thế hử? Rồi vỗ vào vai tôi thêm mấy cái. 

- Khỏe nhé, cố gắng lên nhé, tốt nhé - thế hử.

Lại nheo mắt, cười tươi đi vào phòng làm việc của mình.

Chú suốt ngày làm việc, chú hay mặc bộ quần áo nâu, áo may ô trắng ở trong, đi dép cao su. Chú rất chăm thể dục, giờ giấc đều đặn, nghiêm túc, gặp ai chú cũng nheo nheo mắt cười rất tươi, để lộ chiếc răng khểnh của mình và vỗ vỗ vào vai họ nói:

- Thế nào khỏe không, công việc thế nào tốt chứ? cố lên nhé, thế hử, lại vỗ vào vai họ vài cái nói: Cố lên nhé, thế hử!

Sáng nào chú tôi cũng dậy sớm tập thể dục, giờ giấc nghiêm chỉnh, đến làm ở văn phòng Chủ tịch tỉnh, sáng ô tô đến đón, chiều ô tô đưa chú về, việc cơm nước, chợ búa ở nhà thì bà tôi và cô tôi lo. Cô chú tôi hai người tính tình rất khác nhau, cô tôi thì chẳng kiên quyết cái gì bao giờ, tính lại lôi thôi luộm thuộm, mê đọc sách, làm thơ, chú thì nghiêm khắc, cẩn thận, nguyên tắc, nhưng họ giống nhau ở chỗ mến khách. Vì thế nhà cô tôi lúc nào cũng có khách, bữa cơm nào cũng gần như có thêm người ăn, cô tôi chẳng bao giờ ngồi ăn cùng cả nhà, cứ chạy lên chạy xuống lúc bưng món này, lúc thêm món nọ, bữa cơm cứ vui vẻ, náo nhiệt như vậy suốt. Tôi chưa thấy cô ngồi ăn nghiêm chỉnh với mọi người bao giờ, cô cứ ống thấp ống cao, miệng cười tươi chạy đi chạy lại phục vụ mọi người ăn uống rất là hồ hởi.

Nhà cô ở không có số nhà, mà chúng tôi lại phải viết thư và nhận thư của bạn bè, thế là tôi và Chương lấy 1 mảnh gỗ, kẻ 1 số nhà thật to treo ở đầu ngõ, thư từ của bố mẹ, bạn bè tôi gửi về đều theo số nhà này mà tới, tôi thích nhất viết thư xong, ngoài dán tem bưu điện ra, tôi còn tự vẽ các loại tem y như thật, tự chế của mình trên bì thư gửi đi, nhiều lúc bưu điện đóng dấu luôn vào cái tem tôi tự vẽ ấy, quả tình những con tem tôi vẽ chúng rất giống tem thật, có cả răng cưa nữa.

Chú tôi làm Chủ tịch tỉnh Hà Bắc một thời gian thì cả nhà chuyển về Hà Nội làm ở Văn phòng Chính phủ. Về Hà Nội nhà cô chú tôi ở khu Giảng Võ, gần nhà của tôi. Mãi rồi cô tôi cũng bớt được thói quen mời người qua đường vào nhà ăn cơm, uống nước như khi còn ở Bắc Giang, nhưng trên tường trong phòng cô vẫn treo bức chân dung Người đàn bà xa lạ của Ivan Kramskoi - Ngồi trên xe ngựa một mình, mắt to, cúi nhìn xuống buồn mênh mông, cô vẫn làm thơ trong quyển sổ và xé ra đưa cho mọi người, ai đến nhà, cô cũng hồ hởi, bữa ăn cô vẫn chạy lăng xăng phục vụ cả nhà, vẫn có nhiều quyết định rất dứt khoát, hùng hồn vừa xong lại quay lại bảo thôi cháu ạ. 

Gặp tôi, hai cô cháu vẫn nói chuyện Natasa với Andray và Pie Bedukhop, vẫn chuyện Anna Karenina, vẫn lại Bông hồng vàng, lại chuyện Chiếc lá vẽ trên cây, truyện Đêm trắng, truyện Người đàn bà và con chó trắng… khi nói đến những chuyện ấy, cô lại mở to mắt ngước nhìn lên, lại thương cho Anna Karenina, lại xuýt xoa vì sự trong sáng của Natasa, rồi cô ngồi im, mắt mở to nhìn về xa vắng, lúc đó cô như quên hết mọi thứ ở xung quanh, phải chăng cô đang nghĩ, một ngày nào đó sẽ có một người hiểu rõ tâm hồn cô, vì cô, yêu cô trong thầm lặng, nhặt bụi vàng để đánh một bông hồng vàng tặng cô - cô tôi người đàn bà ở đời thường, làm tròn bổn phận người con hiếu thảo, người vợ đảm đang, tận tụy, người mẹ hết lòng vì con cái như bao người khác, nhưng bên trong tâm hồn cô tôi, giấu kín một người đàn bà xa lạ mắt mở to, mênh mông buồn, luôn nhìn về  cõi nào xa lắm, thơ mộng lắm, đẹp đẽ và huyền diệu lắm, khác hẳn cuộc đời cô đang sống đây.

Sài Gòn - Những ngày đầu năm 2015