Cố tình nhập xe sai thiết kế

ANTĐ - Kiểm tra đột xuất một loạt doanh nghiệp (DN) nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp ô tô trên cả nước, Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện nhiều xe không đạt yêu cầu, sai thiết kế từ xưởng sản xuất. Đặc biệt, nhiều đơn vị nhập khẩu cố tình đặt xe sai thiết kế đưa về nước  chờ cơ hội tiêu thụ.

Thành bưởng được doanh nghiệp đặt sẵn để chờ cơ hội lắp rắp, cơi nới

Đưa 17 DN vào diện giám sát chặt chẽ

Để siết chặt công tác quản lý chất lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, từ tháng 3-2014, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra đột xuất điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện. 

Sau một tháng kiểm tra tại 37 DN lắp ráp trên toàn quốc, đã phát hiện 27 đơn vị không đạt yêu cầu và hầu hết đều có 3 - 4 lỗi trở lên, liên quan trực tiếp đến chất lượng sản phẩm hoặc khiếm khuyết trong hệ thống quản lý  chất lượng. Trong đó, Cục Đăng kiểm áp dụng biện pháp giám sát chặt chẽ với 17 DN. “Hiện, Cục Đăng kiểm đã áp dụng hình thức giám sát trực tiếp 17 DN, kiểm tra chặt chẽ chất lượng các phương tiện xuất xưởng, để không “lọt” ra thị trường những chiếc xe sai lệch so với thiết kế”, ông Nguyễn Tô An, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định.

Từng DN và từng lỗi cụ thể đã được chỉ ra, trong đó đáng chú ý, một số đơn vị xuất xưởng xe không đúng như thiết kế đã được phê duyệt (không đúng kết cấu khung xương, sàn, thùng hàng, vật liệu sử dụng), đăng ký tự sản xuất thùng hàng nhưng thực tế thuê nơi khác làm, xe sản xuất không đúng địa chỉ xuất xưởng; xe chưa lắp ráp xong đã xin phôi phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng…). Ngoài ra, Cục Đăng kiểm yêu cầu DN triệu hồi các xe đã sản xuất không đúng với kiểu loại đã được Cục kiểm tra và cấp giấy chứng nhận, như: Công ty TNHH MTV sản xuất và lắp ráp ôtô tải Chu Lai Trường Hải bị Cục Đăng kiểm yêu cầu triệu hồi 700 xe THACO FD 4100A.

Nhiều lô hàng bị buộc tái xuất 

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số DN nhập khẩu phương tiện cố tình vi phạm, nhập khẩu những xe không đảm bảo chất lượng như hệ thống khí thải không đạt, xe quá cũ nát, xe vi phạm cơ chế điều hành của Chính phủ, xe đục sửa số khung, số máy, thay đổi công năng để trốn thuế.

Lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới cho hay, qua kiểm tra, lực lượng này đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp có dấu hiệu “lách luật” khi nhập khẩu xe ôtô, nhất là xe tải thùng, xe đầu kéo có thùng hàng đóng sẵn vượt quá tiêu chuẩn trong nước, sai khác thông số kỹ thuật giữa các xe trong cùng một lô, giữa kiểm tra thực tế với công bố của nhà sản xuất….

Trong số 16 DN nhập khẩu bị Cục Đăng kiểm cảnh báo, nhắc nhở về dấu hiệu vi phạm, có Công ty CP Thịnh Cường và Công ty TNHH Khánh Vy bị buộc phải tái xuất 2 lô xe nhập khẩu từ Trung Quốc (14 chiếc) do vi phạm tiêu chuẩn chất lượng. “Thông qua kiểm soát, lực lượng chức năng phát hiện DN cố tình đặt hàng sai so với quy định của Việt Nam. Ngoài thùng hàng đóng theo quy định, DN còn đặt luôn nhà sản xuất làm thêm thành bưởng để về chờ lắp đặt thùng cơi nới”. Ngoài việc buộc DN tái xuất lô hàng vi phạm, Cục Đăng kiểm nhắc nhở, yêu cầu DN cam kết không tái phạm. Cũng qua “cửa lọc” kỹ thuật trên, Công ty TNHH XNK và Thương mại Sao Thăng Long đã buộc phải tái xuất lô xe tải cũ nhập khẩu từ Hàn Quốc vì số khung xe bị “cắt dán”, kết cấu xe không phù hợp với loại xe tương ứng.

Theo ông Nguyễn Tô An, đối với ô tô nhập khẩu tùy từng lô hàng sẽ áp dụng những biện pháp kiểm tra xác suất hay toàn bộ. Tuy nhiên, việc kiểm tra toàn bộ lô hàng chỉ áp dụng đối với những lô hàng nhập khẩu xe đã qua sử dụng hoặc xe sản xuất mới nhưng đến thời điểm nhập khẩu đã quá 3 năm, còn lại hầu hết là kiểm tra xác suất. “Trong quá trình kiểm tra, nếu lực lượng chức năng phát hiện những dấu hiệu không bình thường như gian lận thương mại, đục sửa số khung, số máy… sẽ áp dụng kiểm tra từng chiếc”.  

Để siết chặt hơn nữa đối với những loại xe nhập khẩu, sản xuất và lắp  ráp trong nước, ông Nguyễn Tô An cho biết, sẽ duy trì thường xuyên để nâng cao công tác đăng kiểm cũng như ý thức chấp hành pháp luật của DN trong sản xuất, kinh doanh.