Ngân sách Nhà nước đang bị lãng phí vì chưa bỏ được cơ chế xin - cho
Phải tăng thu, kiểm soát chi
Những mối lo nói trên được nhiều ĐBQH chỉ ra khi thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) chiều 25-11. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả, gây thất thoát lãng phí ở nước ta còn khá phổ biến. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) dẫn chứng, hầu như địa phương nào, ngành nào khi xin cấp ngân sách cũng viện lý do nguồn ngân sách cấp quá thấp trong khi nhu cầu phục vụ phát triển quá cao. ĐB Trương Trọng Nghĩa nói: “Đa số có tâm lý muốn được cấp ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Không ít địa phương, ngành, ngân sách được cấp trong năm chi không hết nhưng vì sợ năm sau bị cắt giảm nên cố giải ngân, tiêu cho bằng hết, không cần quan tâm đến hiệu quả”.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch chỉ ra 4 tồn tại trong sử dụng, quản lý ngân sách Nhà nước hiện nay. Theo đó, chúng ta đã duy trì quá lâu thực trạng lồng ghép giữa ngân sách Trung ương với địa phương, dẫn đến thiếu minh bạch, tạo ra cơ chế xin-cho. Bên cạnh đó, kỷ luật ngân sách không chặt, thiếu kỷ cương, dẫn đến sử dụng thuế của dân thiếu hiệu quả, chưa kể tồn tại quá nhiều quỹ thu chi ngân sách không minh bạch gây thất thoát.
Để giải quyết được bài toán nói trên, ĐB Trần Du Lịch đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định phân bổ ngân sách hàng năm qua 2 giai đoạn, bố trí ở 2 kỳ họp trong năm thay vì chỉ quyết định tại kỳ họp cuối năm như hiện nay. Để việc phân bổ cũng như thực thi, quản lý, sử dụng ngân sách hiệu quả hơn, một số ĐB đề nghị nên có Luật phân bổ ngân sách thường niên thay cho Nghị quyết phân bổ ngân sách như hiện nay nhằm tăng sức mạnh pháp lý. Quan trọng nhất, phải thực hiện theo nguyên tắc tăng thu - kiểm soát chặt chi. Từ việc rà soát thu chi, phân bổ, quản lý đến sử dụng ngân sách Nhà nước đều phải được thực hiện một cách minh bạch, để cộng đồng cùng giám sát.
Sửa đổi cơ bản, toàn diện Bộ luật Dân sự
Nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm khi thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi) sáng 25-11 xoay quanh quy định về các hình thức sở hữu. Các ý kiến đều tán thành việc cần sửa đổi quy định về phân loại hình thức sở hữu. Tuy nhiên, việc phân loại hình thức sở hữu theo cách nào, việc lựa chọn 2 hay 3 hình thức sở hữu như các phương án đưa ra trong dự thảo luật, vẫn còn 2 luồng ý kiến khác nhau.
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đưa ra quy định: “Với những vụ việc dân sự chưa có điều luật pháp luật để áp dụng thì có thể giải quyết bằng cách áp dụng tập quán, hình thức tương tự pháp luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và lẽ công bằng”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, nếu thực hiện được thì rất tốt cho dân. Song, cần phải cân nhắc, tính toán kỹ vì thế nào là công bằng rất khó xác định. Hơn nữa, trong Hiến pháp đã quy định thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật nên nếu đưa quy định này vào Bộ luật Dân sự thì cần làm rõ có mâu thuẫn với Hiến pháp không.
Cũng qua thảo luận, đa số thiên về phương án không sử dụng các thuật ngữ mới trong luật như hành vi pháp lý, vật quyền, trái quyền... để thay thế cho các thuật ngữ đang sử dụng hiện nay là giao dịch dân sự, hợp đồng, nghĩa vụ. ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) phân tích, thực tế gần 10 năm thi hành Bộ luật Dân sự hiện hành, không có ghi nhận nào về những vướng mắc phát sinh trong việc sử dụng các thuật ngữ nói trên. Theo ĐB Vũ Tiến Lộc, những khái niệm trái quyền, vật quyền có thể đúng về lý thuyết hàn lâm, nhưng nếu thay đổi sẽ tạo ra xáo trộn trong toàn bộ hệ thống pháp luật. “Bản chất các thuật ngữ này không có sự thay đổi về nội hàm và không tạo ra hiệu quả pháp lý mới. Nếu không có những vướng mắc trên thực tế, tôi thấy không cần thay đổi” - ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Ngày 25-11, Quốc hội đã thông qua 3 dự án luật quan trọng. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được thông qua với 84,10% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành; Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua với 77,47% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua với 82,70% ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành.