Có thể tránh được tử vong do hen
(ANTĐ) - Theo thống kê của ngành y tế, hiện có 5% dân số mắc bệnh hen phế quản, tại các thành phố lớn tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và có xu hướng gia tăng nhanh. Thế nhưng nhận thức của người dân, cán bộ y tế về bệnh này vẫn còn nhiều hạn chế.
Điều trị cho bệnh nhân hen tại Bệnh viện Bạch Mai |
Hà Nội có tỷ lệ mắc cao
Tại Khoa Dị ứng và miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai, vài năm gần đây số bệnh nhân bị hen vào điều trị có giảm, song theo các bác sĩ thì con số này không hề phản ánh thực tế về tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng. Thậm chí tỷ lệ mắc hen có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại các thành phố lớn. PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn, Trưởng khoa Dị ứng miễn dịch lâm sàng cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình phòng chống hen và kiểm soát, điều trị bệnh nhân hen ngay từ tuyến địa phương nên số bệnh nhân mắc hen vào BV Bạch Mai điều trị đã giảm gần 3 lần so với vài năm trước đây. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân quan trọng khác là các bệnh nhân thường điều trị tại nhà, tại các cơ sở y tế tuyến dưới, chỉ trường hợp rất nặng, cần hỗ trợ bởi các thiết bị y tế hiện đại mới nhập viện.
Ngày 6-5, Bộ Y tế cùng BV Bạch Mai đã tổ chức mit tinh, hội thảo khoa học hưởng ứng Ngày Hen toàn cầu. TS Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tổ chức phòng chống hen toàn cầu đã tiến hành nhiều đề tài khẳng định khả năng kiểm soát hen có thể đạt tới 80-85%, song trên thực tế mới có 5% người bệnh được kiểm soát. Chủ đề của Ngày Hen toàn cầu năm nay là “Bạn có thể kiểm soát hen của mình” nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm soát hen trong cộng đồng, giúp rút ngắn ngày điều trị và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh hen gây ra. |
Tại Hà Nội, tỷ lệ mắc hen khoảng 5,5% nam giới và 6,6% nữ giới. GS.TSKH Nguyễn Năng An, Chủ tịch Hội Hen-dị ứng và miễn dịch lâm sàng Việt Nam cho biết, nghiên cứu mới đây về tình hình kiểm soát hen được thực hiện trên 3.000 dân ở Hà Nội cho thấy số mắc hen cao hơn tỷ lệ mắc bình quân của cả nước. Cụ thể, tỷ lệ người đã từng bị khò khè hoặc thở rít là 15,3%, tỷ lệ khò khè hoặc thở rít trong 12 tháng qua là 9,3%. Tỷ lệ khò khè thấp nhất ở nhóm 11 - 30 tuổi sau đó tăng dần và cao nhất ở nhóm trên 60 tuổi. Trẻ nam có nguy cơ mắc hen nhiều hơn trẻ nữ, nhưng ở người lớn thì nữ giới lại mắc hen nhiều hơn nam giới.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc hen ở Hà Nội và các thành phố lớn cao được các chuyên gia phân tích, đó là do các yếu tố như tỷ lệ béo phì, đẻ non; những yếu tố môi trường như bụi, hóa chất, yếu tố nhiễm trùng; các yếu tố nghề nghiệp; thuốc lá, ô nhiễm không khí… Ngoài các yếu tố di truyền thì việc phải tiếp xúc nhiều, thường xuyên với các yếu tố nói trên là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh, kích phát cơn hen.
Hiểu biết về bệnh rất thấp
TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, gần như toàn bộ bệnh nhân hen phế quản trước khi nhập viện đã điều trị dai dẳng tại nhà, ngay cả khi lên cơn hen phải vào viện cấp cứu thì thường sau khi ra viện họ cũng không tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nghiên cứu của GS.TSKH Nguyễn Năng An và TS Nguyễn Viết Nhung (Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương) cho thấy, có đến gần 50% người dân tại Hà Nội không biết về nguyên nhân gây hen, không biết hen có thể chữa khỏi, 55% không biết các biện pháp phòng ngừa cơn hen, 75% không biết về các thuốc điều trị hen và 78% không biết hen có thể kiểm soát được. Đặc biệt, hiểu biết về hen của cán bộ y tế cũng rất thấp khi chỉ có 42,3% cán bộ y tế hiểu biết về các dấu hiệu của hen, 54,5% cán bộ y tế không biết phương pháp theo dõi tình trạng kiểm soát hen và hơn 40% không biết sử dụng thuốc giãn phế quản khi có cơn hen cấp.
Theo các bác sĩ, khi mắc hen người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống như phải nghỉ học, nghỉ làm, giảm năng suất lao động, tàn phế, chết sớm. Điều đáng nói là có đến 85% trường hợp tử vong do hen có thể tránh được nếu được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời. Do đó, khi có các biểu hiện như: có những cơn khò khè tái phát nhiều lần; cơn ho về đêm tái phát nhiều lần; có ho, khò khè, khó thở, nặng ngực khi gắng sức hoặc khi tiếp xúc với một số dị nguyên hay khói ô nhiễm; có triệu chứng cảm cúm kéo dài hơn 10 ngày… thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và điều trị.
Duy Tiến