Có thể dự báo trước các trận đại hồng thủy?

ANTĐ - Các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia đã và đang phải trải qua trận lũ lụt lịch sử, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đặc biệt là ở Bangkok. Nếu TP Hồ Chí Minh cứ phát triển như hiện nay thì nguy cơ xuất hiện một trận đại hồng thủy tương tự là có thể. Xung quanh vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học  đã có cuộc trao đổi với báo chí.

Cảnh ngập lụt tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan) những ngày vừa qua - (Ảnh: AFP)

- Miền Bắc, miền Trung hiện nay đã có hệ thống đê kiên cố,  ngăn bão lũ. ĐBSCL mới dừng lại ở kiên cố hóa đê biển, còn ở nội đồng là bờ bao. Nhà nước có chủ trương xây dựng hệ thống đê ngăn lũ ở ĐBSCL kiên cố?

- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học: Làm đê ở ĐBSCL là vấn đề nhạy cảm trước đây đã được nêu ra, nhưng lại có nhiều người phản đối và cho rằng ở ĐBSCL không cần có hệ thống đê kiên cố, vì lũ là thứ cần để bù đắp phù sa và bổ sung thêm nguồn lợi thủy sản.  

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thiên tai ngày càng khốc liệt, lũ lụt ngày càng đe dọa nghiêm trọng nên chúng ta cần phải có một tầm nhìn dài hạn, để đảm bảo an toàn và giảm thiểu những thiệt hại khi có lũ cho khu vực ĐBSCL. Cũng chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo trên tinh thần là vẫn sống chung với lũ nhưng phải kiểm soát lũ một cách chủ động ở ĐBSCL. Có nghĩa là bây giờ phải xây dựng cho ĐBSCL một hệ thống đê, hệ thống cống đập để khi cần có nước lũ thì lấy nước lũ, và khi cần tiêu thoát lũ thì chúng ta cũng chủ động được.

- Hiện nay sông Mê Kông chảy qua nhiều nước và đang là nguyên nhân chính gây ngập lụt trên diện rộng. Giữa Việt Nam và các nước có sự phối hợp để kiểm soát, trao đổi thông tin về lũ trên dòng sông này  không?

- Hiện nay, Ủy ban Sông Mê Kông cũng đã thực hiện việc thông tin về lũ cho các nước có liên quan. Tuy nhiên, do địa bàn sông rộng, đi qua 6 nước nên việc chia sẻ số liệu giữa các nước vẫn chưa làm được tốt. Về mực nước, giữa Việt Nam, Lào và Campuchia đã chia sẻ với nhau, nhưng ở Trung Quốc thì vẫn chưa chia sẻ được. Do đó, có thể nói công tác dự báo lũ trên sông Mê Kông một cách toàn diện, chính xác hiện nay là rất khó.

- Theo ông, lũ ở Thái Lan hiện nay liệu có đổ về ĐBSCL trong thời gian tới?

- Lũ hiện nay ở Bangkok (Thái Lan) không ảnh hưởng tới nước ta vì thuộc một lưu vực khác, nguồn nước sẽ đổ trực tiếp ra vịnh Thái Lan, do đó người dân có thể yên tâm. Còn đợt lũ trước của Thái Lan do ảnh hưởng của lũ sông Mê Kông thì có ảnh hưởng tới nước ta.

- Trong trường hợp ở ĐBSCL cũng xảy ra lũ lịch sử như ở Thái Lan thì chúng ta có kịch bản để di dời dân hay không?

- Theo tôi, chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, bây giờ không nơi nào là hoàn toàn an toàn với thiên tai, lũ lụt cả. Ngay ở miền núi mặc dù cao như vậy nhưng cũng có thể xảy ra lũ quét, lũ bùn. Hay nói cách khác, chúng ta không ngăn được thiên tai, nhưng nếu chúng ta chủ động các phương án để ứng phó thì có thể giảm thiểu được thiệt hại do lũ gây ra. Mưa lũ, thiên tai đều là bất ngờ. Do vậy, không chỉ chính quyền mỗi tỉnh phải chủ động các phương án để sơ tán dân mà từng người dân cũng phải chủ động các tình huống để lo cho mình mỗi khi có thiên tai, lũ lụt bất ngờ xảy ra.