Có thể bạn chưa biết: Hạnh phúc của đàn ông là giúp vợ làm việc nhà

ANTĐ -“Bạn không đọc nhầm đâu, đúng là việc giúp đỡ vợ mình quét dọn nhà cửa đã được chứng minh là việc giúp người đàn ông cảm thấy hạnh phúc nhất. Bạn không tin ư? Nếu là một người đàn ông, bạn hãy thử xem sao nhé!”

Chuyện của vợ: phát hoảng với chồng quá chăm việc nhà

Là một bà vợ, nhất là một người phụ nữ đã có con và đi làm, chẳng ai lại không một lần thấy mình tất bật với cuộc sống hàng ngày: nào là chăm con, nào là quét dọn, nấu nướng. Không những thế trong đầu lại chẳng dẹp được những ý nghĩ về công việc đang chờ đợi mình trước mắt dù đã hết giờ làm. Thời đại này, hiếm cặp vợ chồng nào có thể xoay xở việc trong gia đình nếu không có ông bà giúp đỡ chăm con nhỏ. Nếu không thì chí ít cũng phải có người giúp việc quét dọn nhà cửa để bớt đi một phần công việc vốn từ lâu được coi nghiêng về trách nhiệm của người phụ nữ.

 

Ngày nay, cũng có nhiều người đàn ông biết san sẻ công việc chăm sóc, dạy dỗ con cái với vợ mình. Thậm chí, hôm nào rảnh rang về sớm, rửa bát, hút bụi giúp vợ cũng là điều rất bình thường. Một người đàn ông rửa bát, quét nhà trong thời đại này không còn bị mang tiếng là "sợ vợ" nữa. Đôi khi nó lại là niềm tự hào khi được mọi người xuýt xoa đúng mẫu "người đàn ông của gia đình". Ấy thế nhưng, chăm chỉ làm việc nhà như anh Hùng, chồng chị Lan (ngõ Đa Lộc - Cầu Giấy) lại khiến cho vợ có lúc "phát hoảng" cả lên.

Khi lấy nhau, vốn dĩ anh Hùng không chăm chỉ như thế. Chị là giảng viên trường đại học, anh công tác tại một công ty về thiết kế nội thất. Công việc của cả hai người không quá bận rộn, nhưng anh thỉnh thoảng vẫn có những buổi làm thêm giờ đến tối muộn mới về nhà, chị vẫn có những buổi dạy thêm để kiếm thêm thu nhập. Ngày mới cưới, con còn nhỏ, ông bà đã già yếu nên chị Lan vẫn phải nhờ thêm người họ hàng ở dưới quê lên giúp đỡ trông cháu, lo việc nhà. Giờ hai con đã lớn hơn, đứa đầu đã vào lớp 3, đứa sau cũng chuẩn bị vào lớp 1 nên chị cũng bớt vất vả hơn một chút. Họ hàng ở dưới quê cũng neo người, bà dì họ xa lên thành phố giúp cháu được một thời gian cũng phải về quê lo việc gia đình.

Hai vợ chồng chị cũng tìm một số người giúp việc trong gia đình nhưng để tìm được người ưng ý không phải là dễ. Nhiều lúc tìm người không vừa ý, công việc chỉ bớt đi được chút ít nhưng bực dọc lại tỷ lệ nghịch tăng lên. Lúc ấy, không phải ai khác, chính anh Hùng bảo với chị Lan rằng thôi không phải thuê người nữa, hai vợ chồng cùng chịu khó hơn một chút. Các con cũng lớn hơn rồi, anh Hùng nói với vợ mình sẽ sắp xếp công việc để có nhiều thời gian giúp đỡ vợ hơn.

Nghe anh Hùng nói điều đó, chị Lan rất ngạc nhiên xen lẫn xúc động. Từ ngày cưới nhau về, có bao giờ anh phải động chân động tay vào việc gì đâu. Công việc giáo viên của chị có thể chủ động được thời gian hơn những người làm việc hành chính. Anh cũng chẳng bao giờ gây áp lực gì về việc nhà cửa với chị, chẳng bao giờ kêu ca, phàn nàn khi cả tuần vợ chẳng nấu được bữa cơm nào cho chồng vì đôi khi ca dạy học của chị rơi vào giờ bếp núc. Thế mà giờ, anh lại chủ động đề nghị chia sẻ việc nhà với vợ.

Nói là làm, từ ngày hôm sau, cứ hết giờ làm, anh về nhà giúp chị trông các con, ăn cơm xong, anh xung phong nhận phần rửa bát. Có lẽ đã lâu lắm rồi, chị mới nhìn thấy anh rửa bát. Chị Lan nhớ chỉ có đúng một lần thời chị mới ra trường và vẫn còn ở phòng trọ nhỏ với mấy người bạn, anh tới ăn cơm và cùng chị rửa bát, dọn dẹp. Tối hôm ấy, chị đã thầm nghĩ chồng mình tuy là "công tử bột" nhưng cũng chăm chỉ và tâm lý không ngờ.

Đôi khi chị tự hỏi "ma xui quỷ khiến" thế nào từ hôm đó, anh Hùng trở nên chăm chỉ lạ thường. Tối nào anh cũng nhận phần rửa bát. Đôi khi hứng lên, lúc đợi vợ nấu cơm, anh còn lôi máy hút bụi ra khua một vòng quanh nhà. Từ cảm xúc hạnh phúc, cảm động ban đầu, với những hành động lạ thường của chồng, chị Lan lại đâm ra nghi ngờ: Có phải anh có lỗi gì với vợ con mình hay không? Từ nghi ngờ thậm chí chuyển thành hoang mang khi anh nhận luôn cả việc nấu cơm vào các buổi chị dạy thêm trong tuần.

Chuyện của chồng: Hóa ra làm việc nhà cũng rất thú vị

Hiếm có ông chồng nào tự nhận mình thích làm việc nhà. Tự nhận rằng mình thấy vui khi đeo tạp dề rửa bát hoặc rửa rau, quét nhà, có khi lại bị anh em bằng hữu chê cười cho ấy chứ. Cuối giờ làm mà các anh em cùng công ty rủ đi uống chút bia hơi, trò chuyện giải stress, có không muốn đi cũng chẳng ai dám giải thích rằng mình muốn về nhà chăm sóc vợ con hơn cả. Nói thế chắc chắn tên anh sẽ có thêm biệt danh "sợ vợ". Nói đến anh, người ta sẽ cười tủm tỉm đầy ý nhị và sẽ khiến anh tức điên lên khi rõ ràng anh hiểu nụ cười ấy có ý nghĩa gì. Có muốn trốn nhậu hay muốn về nhà rửa bát, quét nhà, chí ít anh phải biết từ chối bằng lý do gì to tát hơn chút, kiểu: Hôm nay nhà có khách, hoặc có hẹn với đối tác ABC nào đó.

Anh Hùng không phải ngoại lệ như thế. Chẳng bao giờ anh nghĩ mình sẽ đảm đang công việc nhà cùng vợ. Từ trước tới nay, thu nhập hai vợ chồng anh cũng đủ chi tiêu và đủ để thuê người giúp việc. Tư tưởng của anh khá đơn giản: vợ không nhất thiết phải làm việc nhà, thuê người giúp việc về cũng chẳng sao. Nhưng sau một thời gian không tìm được người giúp việc ưng ý trong gia đình, thấy vợ cũng phải tất bật, vất vả nhiều việc, anh quyết định giúp vợ một vài việc trong nhà xem sao.

Điều này cũng có ảnh hưởng từ một người bạn - một chuyên gia tại công ty đối tác của anh. Jeremy là người Úc đã sinh sống tại Việt Nam 5 năm và có một người vợ Việt Nam. Nhà Jeremy chưa bao giờ có người giúp việc. Tất cả mọi việc từ chăm con tới dọn dẹp ngôi nhà 4 tầng đều do hai vợ chồng tự tay làm hết và đối với Jeremy, chính những điều đó giúp cuộc sống gia đình anh có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

 

Thật kỳ lạ bắt tay vào làm những "việc của phụ nữ” anh Hùng mới thấy quả thực cũng chẳng dễ dàng như anh nghĩ. Rửa bát, quét nhà, nấu nướng rồi lo cho con cái học hành... là những việc mà người ta quy rằng là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và vỏn vẹn diễn ra trong vài giờ đồng hồ sau khi tan sở. Ban đầu anh nghĩ thử giúp vợ bớt công việc nhưng chả mấy chốc, việc rửa bát, lau nhà đối với anh trở nên quen thuộc hơn và bất ngờ, nó lại giúp anh thấy mình có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Trước đây, cứ hết giờ làm, anh thường đi cafe với ban bè cho tới giờ cơm vì "về nhà cũng chẳng biết làm gì". Còn bây giờ, hết giờ làm, anh hồ hởi về nhà giúp vợ đón con hay đèo vợ đi chợ. Những công việc anh chẳng bao giờ nghĩ tới lại khiến anh thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa, gia đình gần gũi nhau hơn rất nhiều. Và hơn cả, dường như khoảng thời gian ấy, những giây phút được gần gũi gia đình nhiều hơn lại là liều thuốc khiến một ngày mới sang, anh lại như có thêm năng lượng mới để bắt đầu công việc của mình. Giảm bớt các cuộc vui, có mang tiếng là "sợ vợ" đi nữa thì giờ anh cũng chẳng thấy ngại ngùng chút nào.

Tại trường Đại học Cambridge ở Anh quốc, một chường trình nghiên cứu con người đã diễn ra do giáo sư Jacqueline Scott khởi xướng cùng nhóm cộng sự của mình. Một trắc nghiệm thống kê được thực hiện bởi hơn 30.000 người trên 34 quốc gia về nghề nghiệp và thời gian làm việc nhà. Kết quả cho thấy rằng, hầu hết mọi người đàn ông có tham gia vào các công việc nhà cùng vợ đều có chỉ số hạnh phúc cao hơn rất nhiều. Rất nhiều người đàn ông cảm thấy có áp lực và bất công khi bản thân không chia sẻ việc nhà và trách nhiệm đối với mọi việc trong gia đình cùng với vợ. Kết quả cũng thể hiện rằng, người đàn ông thích cuộc sống yên bình với sự trao đổi, giao lưu với nhau nhiều hơn là một cuộc sống sôi động nhưng hầu như ít gặp gỡ tiếp xúc với nửa còn lại của cuộc đời mình.

Khi thực hiện nghiến cứu, tất cả mọi người trong nhóm đều đã nghĩ rằng, họ sẽ nhìn thấy những xung đột gia đình và sự từ chối làm việc nhà của những người đàn ông nhiều hơn. Nhưng kết quả lại cho ra một điều khiến tất cả đều bất ngờ. Kết quả này cũng được cho rằng bắt nguồn từ nguyên nhân ngày nay, người đàn ông cảm thấy bình đẳng giới nhiều hơn và người phụ nữ trở nên quyết đoán hơn, cũng như sự lười nhác của người bạn đời dễ làm người phụ nữ bất mãn hơn trước đây rất nhiều.