Có những chàng trai Hà Nội

ANTĐ - Một ngày cuối tháng 8, tiến sĩ Nguyễn Trọng Uyên tới nhà tôi chơi. Ông là con trưởng cụ Xuân Thủy, nhà ngoại giao nổi tiếng, cũng là bạn cũ cùng công tác với tôi ở vùng du kích sau lưng địch. Ở tuổi 80, ông mới tiết lộ việc mình là chiến sĩ quyết tử của Liên khu 1, Hà Nội, thuộc Trung đoàn Thủ đô. Và ông kể cho tôi nghe về những ngày tháng hào hùng...

Tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, tại vườn hoa Hàng Đậu

“Năm ấy, tôi đang công tác ở tỉnh Hà Đông cũ, bị ốm nặng, phải đưa ra nhà thương Đồn Thủy Hà Nội (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).

Tình hình Hà Nội lúc đó sôi sục, bạn bè vào thăm tôi kể nhiều chuyện, nào Pháp mua hàng chất lên xe Jeep, phóng đi mất, ăn quịt tiền; nào đôi vợ chồng trẻ đi chơi bên Bờ hồ, ô tô bọn lính lê dương Pháp lao tới, bế sấn người vợ lên xe rồi lao đi; nào ta và Pháp cùng gác ở cổng nhà máy điện, lính Pháp giương súng bắn chết bộ đội ta, rồi đổ cho súng bị cướp cò; nào lính lê dương Pháp trèo lên Nhà Thông tin phố Tràng Tiền gỡ tấm biển thông tin vứt xuống đất… Ai nghe cũng thấy máu trào lên tận cổ, ngồi, đứng không yên, chỉ muốn đánh mà chưa được lệnh của cụ Hồ.

Tôi không thể nằm mãi ở bệnh viện, phải “chuồn” về nhà. Sáng 19-12-1946 tôi còn ở nhà người bạn ở phố Hàng Bồ. Pháp định gây hấn ở Hàng Bát, xộc sang Hàng Bồ nhưng thất bại. Bị kẹt lại, tôi gia nhập tự vệ chiến đấu và được cử làm công tác chính trị trung đội phố Hàng Bồ với bí danh Nguyễn Quyền.

Tối 19-12, trung đội trưởng Cao Sĩ Thông đưa tôi lên gác thượng của trụ sở Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác lúc đó ở Hàng Bồ để thăm hỏi các chiến sĩ Vệ quốc đoàn canh gác ở đó, nhưng ụ súng máy đã rút đi từ bao giờ. Đứng trên cao, gió mát rượi, thành phố đã lên đèn. Bỗng Thông nói như thét: “Đánh đến nơi rồi! Khi có pháo lệnh bắn lên trời, súng cao xạ từ Láng bắn vào thành là chiến đấu”. Lúc đó, tôi mới biết là đêm nay đánh nhau.

Đúng 8h01, đèn vụt tắt. Tất cả chìm trong bóng tối. Còi tàu hỏa rúc liên hồi. Tiếng súng nổ ran. Từng khoảng trời bừng lên, sáng rực, lại tắt ngấm. Thông thét lên đến vỡ lồng ngực: “Đánh rồi! Đánh rồi!”. Người trung đội trưởng chồm lên, giọng khản đi, rưng rưng như khóc, như cười, bao nỗi căm hờn, uất ức bị nén lại lâu nay được dịp trào ra. 

Chúng tôi đóng ở giữa phố cổ Hà Nội. Phố ngắn, đường hẹp, lại cắt nhau thành những ô bốn cạnh. Dù là “thổ công” cũng không thể đi hết các nhà trong dãy phố nên khi đục tường nhà nọ sang nhà kia, vào trong cái ô đó như trận đồ bát quái. Chúng tôi làm chủ mà đi lại cũng phải cẩn thận, không đưa đầu qua lỗ tường đục, bên kia phố lại tưởng thổ phỉ “pheng” mất đầu ngay, huống chi những kẻ ngoại lai. Chiến đấu “từng căn nhà, góc phố”, chúng tôi chắc thắng một trăm phần trăm. Tên lê dương nào phải liều lĩnh lắm, được bảo hiểm tính mạng với món tiền lớn, mới dám dẫn xác tới đây.

Chúng tôi giữ phố được gần 1 tháng. Pháp đã đánh tỏa ra các cửa ô, cắt nhiều đường tiếp tế và liên lạc vào nội thành. Không thể để lực lượng lớn như thế nằm trong vòng phong tỏa của địch. Phải rút bớt quân ra ngoài, xây dựng lực lượng chiến đấu lâu dài, giành thắng lợi hoàn toàn. Những chiến sĩ ở lại là lực lượng tinh nhuệ, chiến đấu giữ Hà Nội đến cùng, cũng có thể phải bảo toàn lực lượng, rút ra ngoài sau, biết đâu đấy chẳng phải “cảm tử” đánh thẳng vào đầu não địch ở trong thành một cách bất ngờ, làm chúng hoang mang, lo sợ, phải co cụm lại.

Chẳng bao lâu Cao Sĩ Thông báo cho biết ngày 6-1-1947 đi họp để chuyển chính thức tự vệ chiến đấu thành Vệ quốc đoàn. Đến chiều tối 13-1 lại báo là cử đại diện đến rạp Tố Như (rạp Chuông Vàng) họp, thành lập Quyết tử quân. Ngày 14-1, chúng tôi biên chế lại, một số lớn rút ra ngoài ngay đêm đó. Pháp chưng hửng và như điên dại. Quyết tử quân không chỉ biết tiến công dũng mãnh mà khi cần rút lui cũng bí mật, nhẹ nhàng, đúng như câu “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Những chàng trai Hà Nội như thế đấy.

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, đầu ai cũng bạc cả rồi, nhiều ông không còn nữa, giờ hồi tưởng lại, vẫn thấy sôi nổi như những ngày còn trẻ. Mỗi khi, đứng bên tượng đài “Quyết tử quân” uy nghi ở cạnh đền Bà Kiệu, lại thấy lòng nao nao”.