Có nên thành lập tòa án chuyên trách cho người chưa thành niên?

ANTĐ - Xây dựng một hệ thống tư pháp thân thiện với trẻ vị thành niên là một hướng đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có liên quan đến người chưa thành niên. Việc hình thành hệ thống Tòa án chuyên biệt này xuất phát từ quan điểm cho rằng, trẻ em là những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao, dễ bị tổn hại do độ tuổi và hoàn cảnh, dễ phạm tội do nhận thức chưa đầy đủ. Do vậy, cần thiết phải có sự bảo vệ, chăm sóc và hướng dẫn phù hợp của Nhà nước.

Nữ sinh gốc Việt bị tòa án vị thành niên của Mỹ xử phạt vì tội nghỉ học quá 10 ngày

Tòa án người chưa thành niên trên thế giới

Diane Tran, một học sinh gốc Việt, học tại trường trung học Willis, Texas bị buộc phải ở lại trại giam đêm 23-5-2012 và bị phạt 100 USD vì nghỉ học quá nhiều. Theo luật của bang Texas, học sinh chỉ được nghỉ không lý do 10 ngày trong một học kỳ. Nếu vi phạm, trường học có thể gửi các em đến tòa án của người chưa thành niên. Thẩm phán Lanny Moriaty, người đã thẩm vấn Tran trong lần triệu tập tại tòa vì "trốn học" từ tháng 4, nói rằng ông đã cảnh báo cô gái. Và lần này khi Tran lại nghỉ học, ông buộc phải tiếp tục triệu tập và bắt giam cô trong phiên tòa công khai. Đó là một mô hình tòa án dành cho người chưa thành niên trên thế giới.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, sự quan tâm đến những vấn đề của trẻ vị thành niên mỗi ngày một lớn. Không chỉ trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc mà còn quan tâm tới quyền tài phán đối với trẻ em. Từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, do xu hướng ngày càng gia tăng của các tội phạm có tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm do người chưa thành niên thực hiện, một số quốc gia, điển hình là Canada, Anh và xứ Wales… đã có cách tiếp cận mang tính cứng rắn hơn trong việc xử lý trách nhiệm của người chưa thành niên có hành vi phạm tội. Hệ thống Tòa án cho người chưa thành niên đã từng tồn tại ở các quốc gia này đã chuyển dần từ yêu cầu về trách nhiệm phục hồi sang việc nhấn mạnh yếu tố trách nhiệm và trừng phạt trong việc xử lý các hành vi phạm tội do người chưa thành niên thực hiện, theo hướng gần tương đương đối với người đã thành niên phạm tội. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy đường lối “cứng rắn” này trong việc xử lý người chưa thành niên phạm tội cũng không chứng tỏ được hiệu quả rõ rệt của nó trong việc làm giảm bớt số lượng các vi phạm pháp luật và tội phạm do người chưa thành niên thực hiện hay hỗ trợ quá trình tái hòa nhập cộng đồng của người chưa thành niên. Chính vì vậy mô hình Tòa án gia đình đã được đặt ra.

Đây là mô hình Tòa án người chưa thành niên xuất hiện trong thời gian gần đây. Theo đó, mục đích của mô hình Tòa án này là đưa tất cả vấn đề gia đình vào xử lý trong quá trình tố tụng và đội ngũ hỗ trợ dịch vụ xã hội. Cách tiếp cận này cho phép thẩm phán đánh giá và nhận thức một cách đầy đủ hơn về những vấn đề đang diễn ra trong gia đình của trẻ phạm tội, từ đó có đầy đủ thông tin và áp dụng các biện pháp xử lý mang tính “trị liệu” hợp lý hướng vào cả gia đình lẫn bản thân người chưa thành niên phạm tội.

Có thể nhận xét rằng, các mô hình Tòa án người chưa thành niên nêu trên được xác lập trên cơ sở thực tiễn về điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị - pháp lý cụ thể của từng quốc gia. Do đó không có một mô hình nào là hoàn hảo và áp dụng chung cho tất cả các quốc gia. Ở những mức độ khác nhau, trong từng mô hình này đều có những ưu điểm cũng như những nhược điểm nhất định, hoặc mô hình tổ chức và hoạt động của nó vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm, còn phải tiếp tục phát triển trong thực tiễn.

Thành lập Tòa án người chưa thành niên ở Việt Nam 

Gần đây, các cơ quan có trách nhiệm đã tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, triển khai   thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên ở Việt Nam. Dự thảo “Báo cáo tóm tắt nghiên cứu khả thi về việc thành lập Tòa gia đình và người chưa  thành niên ở Việt Nam” do Viện Khoa học xét xử - Tòa án nhân dân tối cao chủ trì nghiên cứu (kèm theo Công văn số 252/KHXX ngày 13-10-2009 của Viện khoa học xét xử - Tòa án nhân dân tối cao) đã nêu ra phương án thành lập Tòa án này.

Có thể nói, các kết quả nghiên cứu bước đầu về sự cần thiết phải thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên, tổ chức và hoạt động của nó đã thể hiện rõ tính công phu, khoa học, với những cơ sở lý luận và thực tiễn vững chắc; thể hiện quyết tâm hình thành một hệ thống Tòa chuyên trách cho người chưa thành niên. Tuy nhiên, với đề xuất: “về thẩm quyền, nên xây dựng Tòa chuyên biệt đối với người chưa thành niên theo hướng có thẩm quyền giải quyết tất cả những vụ việc liên quan đến người chưa thành niên (người chưa thành niên vi phạm pháp luật; những vấn đề gia đình ảnh hưởng đến người chưa thành niên)”.

Như vậy, có thể hiểu là Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ có thẩm quyền giải quyết tất cả các vụ án dân sự, kinh tế, lao động, hành chính, hình sự… có liên quan đến người chưa thành niên. Phương án này có một số ưu điểm như: hình thành một hệ thống Tòa chuyên trách có nhiệm vụ giải quyết một cách tổng thể nhất tất cả những vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, cách tiếp cận mang tính hệ thống, toàn diện. Như vậy nếu xác định tất cả các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên đều có thể trở thành đối tượng xét xử của hệ thống Tòa án chuyên trách này thì sẽ là quá rộng.

Theo chúng tôi cũng cần cân nhắc đến khả năng hình thành Tòa án chuyên trách cho người chưa thành niên gắn với phạm vi giới hạn trong lĩnh vực hình sự. Vì trong lĩnh vực hình sự, những tác hại, hậu quả mà người chưa thành niên phải gánh chịu, dù là với tư cách là người bị hại hay với tư cách là bị cáo, luôn là nghiêm trọng nhất nếu so với các lĩnh vực khác như dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính v.v.. Liên quan đến vấn đề này, có thể thấy không phải ngẫu nhiên mà ngoài các quy định của Bộ luật Hình sự, trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn dành một chương riêng quy định về “Thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên” (Chương 32 Bộ luật Tố tụng dân sự). 

Thực tiễn xét xử trong thời gian qua, ở một số vụ án giao cấu với trẻ em, các tòa án thường rất bối rối. Bị cáo L.P.T. (SN 1988, quê xã Hải Long, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) yêu và lập gia đình với H.T.A.P. (sinh tháng 8-1992, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, Đà Nẵng). Khi quen nhau, P đã mang bầu với T và sinh được một bé gái đặt tên là H.T.N. Sau đó, T và P sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Tháng 9-2011, T bị bắt và đưa ra xét xử. Tại phiên tòa, P khẳng định tự nguyện yêu T và chủ động trao thân cho người yêu nhưng T vẫn bị xét xử với tội danh “Giao cấu với trẻ em” vì khi quan hệ với P dù là cả 2 đều tự nguyện nhưng lúc này P chưa đủ 16 tuổi.

Hay như vụ bà Nguyễn Thị Bích Hạnh, mẹ của Trần Thị Diễm Trinh làm đơn tố cáo con rể “giao cấu với trẻ em” là con gái mình. Mặc dù trước đó, vào năm 2002, đích thân vợ chồng bà Hạnh đã đề nghị với bố mẹ Kỳ cho đôi trẻ được lấy nhau. Ông Phạm Chí Nghĩa (bố Kỳ) đã đồng ý tổ chức hôn lễ cho Kỳ và Trinh (lúc này chú rể 20 tuổi, còn cô dâu chưa tròn 16 tuổi). Lễ thành hôn giữa Kỳ và Trinh có sự tham dự của quan viên họ hàng, bà con xóm làng, chính quyền địa phương. Hai vợ chồng trẻ sống với nhau được 9 năm và có một con trai kháu khỉnh cũng vừa bước vào tuổi lên 9 thì nảy sinh mâu thuẫn. Vì vậy bà Nguyễn Thị Bích Hạnh đã cùng con gái làm đơn tố cáo Phạm Mạnh Kỳ về hành vi giao cấu với trẻ em. Điều tra theo đơn của bà Hạnh, Cơ quan CSĐT huyện Krông Pa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Mạnh Kỳ theo Điều 115 Bộ luật Hình sự và được Viện KSND huyện Krông Pa phê chuẩn. Tuy nhiên, quyết định này đã gây nhiều phản ứng không đồng tình từ dư luận.

Rõ ràng nếu có Tòa án gia đình và người chưa thành niên những vụ án này sẽ được xét xử thuận tình hơn với mục đích đảm bảo quyền lợi cho trẻ vị thành niên, thậm chí với những trẻ sơ sinh,hậu quả của các hành vi được coi là phạm tội.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết các vụ án về hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên luôn có những đặc thù riêng, như các yếu tố thuộc đạo đức truyền thống, văn hóa ứng xử… và trực tiếp tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp cũng như tâm tư, tình cảm, cuộc sống tinh thần của người chưa thành niên. Hệ lụy từ cuộc sống không ấm êm của người chưa thành niên trong gia đình có thể trở thành căn nguyên chính xô đẩy người chưa thành niên sa ngã, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội. Do đó, Tòa chuyên trách cho người chưa thành niên cần có thẩm quyền giải quyết cả những vụ việc này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nghiêng về quan điểm giới hạn phạm vi thẩm quyền của Tòa cho người chưa thành niên trong lĩnh vực hình sự như đã nêu trên. Còn đối với những vụ việc hôn nhân gia đình có liên quan đến người chưa thành niên, thì có thể áp dụng các quy định hiện hành là thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa chuyên trách là Tòa Dân sự.

Nghiên cứu thành lập Tòa chuyên trách cho người chưa thành niên là một phương án có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhất là trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm của người chưa thành niên có những diễn biến phức tạp, có nơi có chiều hướng gia tăng kể cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội. Như vậy cần quan niệm Tòa chuyên trách cho người chưa thành niên, nếu được thành lập, sẽ đóng vai trò là một trong nhiều các giải pháp, chính sách mà Nhà nước và xã hội quan tâm tới trẻ em, tương lai của xã hội sau này.