Có hiện tượng gian lận, làm giá thuốc

(ANTĐ) - Là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khá chật vật với những vấn đề hóc búa như điều hành giá cả, quản lý nợ công, chính sách thuế và lương bổng tại siêu Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC...

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Có hiện tượng gian lận, làm giá thuốc

(ANTĐ) - Là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn trực tiếp các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khá chật vật với những vấn đề hóc búa như điều hành giá cả, quản lý nợ công, chính sách thuế và lương bổng tại siêu Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC...

“Mở hàng” phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi ngay: “Trên thế giới có Bộ trưởng nào kiêm chức Chủ tịch HĐQT một công ty như Bộ trưởng (ông Ninh giữ chức Chủ tịch HĐQT SCIC - PV)?”. ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk) thắc mắc: “Doanh nghiệp khai man, trốn thuế nhập khẩu bằng cách biến xe du dịch thành xe bán tải, sao không bị truy cứu trách nhiệm hình sự?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bình tĩnh: “Tôi kiêm Chủ tịch SCIC là do Thủ tướng phân công. Đây là mô hình đặc thù để quản lý tốt vốn Nhà nước. Singapore cũng có tập đoàn kinh tế do Thủ tướng làm Chủ tịch HĐQT. Vấn đề thu nhập của lãnh đạo SCIC kiểm toán có nêu đã bao gồm cả những khoản ngoài lương như tiền làm thêm giờ, điện thoại, ăn trưa...

Tôi thừa nhận là chế độ kế toán với SCIC chưa chuẩn. Đó là trách nhiệm của Bộ Tài chính“. Bộ trưởng cũng giải thích, hành vi “lách” thuế nhập khẩu ôtô của doanh nghiệp được xem là gian lận thương mại và chưa tới mức phải xử lý hình sự. Chưa hài lòng với trả lời trên của Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Minh Thuyết đứng lên: “Tôi phát hoảng vì Bộ trưởng nói đó chưa phải là trốn thuế.

Còn về lương ở SCIC, vấn đề không phải cao thấp mà căn cứ ở đâu để quyết định lương đó, thực hiện có nghiêm không? Sao duyệt 38 tỷ đồng mà thành 80 tỷ đồng?”. Bộ trưởng có vẻ bối rối: “Chúng tôi xác định đó là gian lận thương mại còn có truy cứu hình sự không thì phải bàn bạc thêm. Lương ở SCIC không phải Bộ Tài chính duyệt nhưng chúng tôi cho rằng đều căn cứ ở chế độ, chính sách của Nhà nước...”.

Bức xúc với công tác điều hành giá cả, ĐB Danh Út (Kiên Giang) chất vấn: “Giá xăng lúc tăng sao nhanh và nhiều nhưng khi giảm lại chậm và ít? Giá thuốc tây quá đắt, bán gấp 4-5 lần giá thành, Bộ Tài chính quản lý giá cả kiểu gì?” Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải trình: “Giá xăng dầu điều hành khá tốt theo thị trường, hài hòa lợi ích Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng.

Không có chuyện Bộ Tài chính phải chịu sức ép nào đó hay chỉ bảo vệ doanh nghiệp. Về giá thuốc chữa bệnh cũng như nhiều mặt hàng thiết yếu khác, kiểm tra cho thấy có nhiều vi phạm. Thậm chí, doanh nghiệp gian lận ngay từ khâu nhập khẩu để “làm” giá với nhau. Tiếc là mức phạt còn nhẹ quá, chưa đủ răn đe...”. Có mặt tại hội trường, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu lên tiếng: “Một số loại thuốc quý, hiếm, biệt dược tăng giá tới 200-300% là có thật song nhìn chung giá thuốc vẫn tăng chậm hơn các mặt hàng khác. Chúng tôi vẫn đang tìm mọi biện pháp để kiểm soát tình hình...”.

Rất quan tâm tới quản lý nợ công, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) hỏi: “Đề nghị cho biết con số nợ công thực sự? Chính phủ quản lý nợ này như thế nào? Trả nợ ra sao?”. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định: “Con số nợ Chính phủ đã công bố là hoàn toàn chính xác. Quan trọng là các chỉ tiêu an toàn đều trong tầm kiểm soát và không có khoản nợ quá hạn mà không trả được. Điều đó chứng tỏ sử dụng nợ hiệu quả“. Cũng trong lĩnh vực tài chính, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) hỏi: “Mua bán hóa đơn tái diễn.

Doanh nghiệp chây ỳ trốn thuế trong khi cơ quan thuế lại thu sai, nhầm lẫn, thậm chí hoàn thuế sai. Trách nhiệm Bộ trưởng như thế nào?”. Loay hoay với đống giấy tờ, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh than: “Nhiều số quá!”. Dẫu vậy, ông cũng tìm ra “đáp án”, số nợ thuế không có khả năng thu hồi khoảng 2.359 tỷ đồng. Bộ trưởng Tài chính cũng thừa nhận: “Cũng có những cán bộ thuế sai phạm. Sai đâu phải xử lý tới đó. Chúng tôi cho ra khỏi ngành nhiều cán bộ, có người phải đề nghị truy tố...”.

Chính Trung